Hòa cùng niềm vui tự hào của cả dân tộc hướng về cột mốc kỷ niệm lịch sử, tối 25/04/2025, Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức chương trình nghệ thuật “Bài ca thống nhất” kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Với những khúc tráng ca đi cùng năm tháng và các thi phẩm sâu lắng, đêm trình diễn nghệ thuật đã tái hiện khí thế hào hùng của mùa xuân đại thắng năm 1975, lan tỏa thông điệp tri ân, kết nối niềm tự hào dân tộc, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước trong mỗi thế hệ hôm nay.
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: “Ngày 30/4 không chỉ là một dấu mốc lịch sử, mà là lời nhắc nhớ đầy tự hào về một dân tộc từng vượt qua chiến tranh, mất mát để bước vào kỷ nguyên hòa bình, đổi mới. Và cũng chính nhờ nền hòa bình đó, Trường Đại học Văn Lang đã được thành lập – 20 năm sau ngày thống nhất, trở thành nơi lan tỏa tri thức, nuôi dưỡng tinh thần nhân văn và lòng yêu nước cho các thế hệ sinh viên”.
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc của Trường Đại học Văn Lang đối với văn hóa, đặc biệt là văn chương, thông qua nhiều hoạt động và dự án ý nghĩa, thiết thực. Theo Nhà văn Bích Ngân chia sẻ: “Dù mỗi người có xuất thân, nghề nghiệp và hoàn cảnh khác nhau, tất cả đều chung một khát vọng lớn lao: chung tay xây dựng một xã hội nhân ái, sáng tạo, góp phần vì sự tử tế, sự phồn vinh của dân tộc và sự trường tồn của Tổ quốc”.
Tiếp nối chương trình, chuỗi hùng khúc cách mạng gồm “Đất nước”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Tiến về Sài Gòn” và “Đất nước trọn niềm vui” vang lên đầy tự hào, tái hiện khí thế sục sôi của ngày đại thắng mùa Xuân 1975 – thời khắc thiêng liêng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên thống nhất và độc lập.
Không khí chương trình lắng đọng khi bài thơ “Tìm thân nhân” của nhà thơ Nguyễn Duy được cất lên. Sáng tác ngay sau ngày đất nước thống nhất, bài thơ khắc sâu khát vọng đoàn tụ, trở thành tiếng lòng của cả dân tộc trên hành trình tìm kiếm người thân sau chiến tranh. Thi phẩm cũng là chủ đề xuyên suốt chuỗi chương trình “Đọc thơ xuyên Việt” do chính ông khởi xướng, nhằm lan tỏa thông điệp tri ân tới đồng bào cả nước, kết nối cảm xúc giữa ba miền Bắc – Trung – Nam.
Dòng chảy nghệ thuật tiếp tục lan tỏa với các tác phẩm giàu giá trị nhân văn như thi phẩm “Đêm ngủ rừng” của nhà thơ Trần Thị Thắng, khắc họa tâm trạng của một nữ sinh trẻ giữa rừng Trường Sơn hoang vu, đan xen giữa nỗi nhớ và niềm tin. “Thời chúng ta yêu nhau” do chính nhà văn Trần Mạnh Hảo thể hiện, là bản tráng ca ngợi ca tình yêu thời chiến, mộc mạc mà sâu sắc.
Khép lại mạch cảm xúc ấy là bản song ca “Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây” do ca sĩ Lê Hiếu và cựu sinh viên Nguyễn Trường Kỳ thể hiện, ca ngợi tình yêu thủy chung giữa hậu phương – tiền tuyến.
Khép lại chương trình được đẩy lên với phần giao lưu cùng nhà thơ Đào Phong Lan, tác giả bài thơ “Hoan ca” – viết về thế hệ được sinh ra vào mùa xuân năm 1975. Tác phẩm như một khúc hát tươi sáng, tiếp nối lý tưởng cha anh bằng khát vọng dựng xây và tinh thần hòa bình vững bền.
Trong không khí trang nghiêm và xúc động, toàn thể khán giả đã cùng nhau hòa giọng trong liên khúc “Đường chúng ta đi” và “Nối vòng tay lớn”. Những giai điệu bất hủ không chỉ gợi lại ký ức hào hùng của dân tộc, mà còn vang lên như lời khẳng định thiêng liêng và tự hào: Bắc – Trung – Nam mãi mãi gắn bó keo sơn trong một dải đất nước thống nhất, cùng chung khát vọng hướng tới tương lai tươi sáng.
Chương trình “Bài ca thống nhất” là dịp để cộng đồng Văn Lang cùng ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước, đồng thời nhắc nhở thế hệ hôm nay trân trọng hòa bình, vun đắp lý tưởng phụng sự đất nước, góp phần xây dựng một Việt Nam ngày càng phát triển và vững mạnh.
Tin: Đăng Khoa
Hình: Khánh Hồ, Diên Khánh
Thẻ
Gửi thất bại