Chuyên gia hội tụ tại Trường Đại học Văn Lang, bàn về công nghệ bán dẫn của Việt Nam

Tác Giả
Nguyễn My
Ngày
22/01/2024(1485 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đang mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam. Trong xu hướng đó, ngày 23/01/2024, Trường Đại học Văn Lang tổ chức hội thảo về ngành công nghệ bán dẫn ở Việt Nam với chủ đề “Thách thức và cơ hội cho phát triển lực lượng lao động". Sự kiện quy tụ nhiều diễn giả uy tín trong lĩnh vực chip bán dẫn.

Trong bối cảnh sở hữu lực lượng kỹ sư chỉ khoảng 5,000 người, sự phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ bán dẫn và thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn trên thế giới vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn với Việt Nam. Hội thảo tại Trường Đại học Văn Lang tập trung đánh giá thách thức và cơ hội cho phát triển lực lượng lao động, thảo luận về các phương pháp và chiến lược mới để giải quyết các thách thức hiện tại và lâu dài trong ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam. 

Sự kiện quy tụ các diễn giả uy tín trong lĩnh vực chip bán dẫn: GS. Aaron Thean - Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Singapore, Giám đốc Trung tâm SHINE Quỹ Nghiên cứu Quốc gia, Giám đốc phòng thí nghiệm chung AStar SIMTech - NUS; bà Bích Yến Nguyễn - Chuyên gia cao cấp của Soitec (Hoa Kỳ), hội viên IEEE - Viện kỹ sư Điện và Điện tử; Ông Nguyễn Từ Huấn, đại diện nhóm tư vấn NCG; Ông Nguyễn Hồng Quang thuộc đội ngũ NATRA - đơn vị phát triển dự án bền vững nền kinh tế và văn hóa địa phương,...

vlu-ban-ve-cong-nghe-ban-dan-viet-nam-tai-van-lang-thach-thuc-va-co-hoi-cho-phat-trien-luc-luong-lao-dong-a.jpg
Hội thảo về ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam quy tụ nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực, cùng tham dự và bàn luận về cơ hội, thách thức phát triển lực lượng lao động cho lĩnh vực.

Khai mạc hội thảo, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: “Ngành công nghiệp bán dẫn đang trải qua một giai đoạn tăng trưởng đáng chú ý, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam và là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của đất nước trong việc nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ công nghệ toàn cầu. Trường Đại học Văn Lang tổ chức sự kiện này nhằm nhấn mạnh mục tiêu chung của Chính phủ và cam kết trong việc nâng cao hiệu quả của lực lượng lao động trong ngành bán dẫn tại Việt Nam, thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia và các trường đại học”.

vlu-ban-ve-cong-nghe-ban-dan-viet-nam-tai-van-lang-thach-thuc-va-co-hoi-cho-phat-trien-luc-luong-lao-dong-b.jpg
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại hội thảo, các chuyên gia cùng nhau thảo luận và chia sẻ về tiềm năng phát triển cũng như thách thức của thị trường công nghệ bán dẫn trong các lĩnh vực năng lượng sạch, kết nối, bảo mật thông tin, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo,... Ông Lê Văn Khoa - Đại diện Bộ tài chính cho biết: Chính phủ chú trọng hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu khoa học, phát triển cơ sở hạ tầng và khu công nghệ cao, trung tâm lưu trữ và các cơ sở giáo dục có đào tạo về công nghệ bán dẫn với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực chất bán dẫn. Các hành lang pháp lý cũng được điều chỉnh linh hoạt hơn nhằm đáp ứng và tiên phong trong xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu.

vlu-ban-ve-cong-nghe-ban-dan-viet-nam-tai-van-lang-thach-thuc-va-co-hoi-cho-phat-trien-luc-luong-lao-dong-c.jpg
GS. Aaron Thean chia sẻ về phương pháp Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đào tạo lực lượng lao động tương lai cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đồng thời, giáo sư cho thấy những thách thức và cơ hội mà ngành vi mạch bán dẫn phải đối mặt: dịch bệnh, các cuộc xung đột mới, sự căng thẳng trong phát triển công nghệ và những thay đổi khí hậu.
vlu-ban-ve-cong-nghe-ban-dan-viet-nam-tai-van-lang-thach-thuc-va-co-hoi-cho-phat-trien-luc-luong-lao-dong-d.jpg
Theo bà Bích Yến Nguyễn - Chuyên gia cao cấp của Soitec (Hoa Kỳ), ngành vi mạch bán dẫn như “xương sống” của xã hội hiện đại, không chỉ tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp mà còn có cơ hội phát triển và tiến xa vượt trội.

Bàn về vấn đề đào tạo ngành bán dẫn tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng không nên chỉ mở rộng cơ hội việc làm mà còn cần tập trung vào việc dạy thiết kế chip tích hợp công nghệ và trí tuệ nhân tạo cho thế hệ trẻ Việt Nam. Trong phần chia sẻ của mình, diễn giả Nguyễn Từ Huấn từ NCG Consulting và Nguyễn Hồng Quang từ NATRA đã giúp người tham dự có cái nhìn tổng quan về ngành vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, bao gồm ba góc độ quan trọng: Chính sách, kinh doanh và đại học; đồng thời phân tích các điểm mạnh yếu của ngành.

vlu-ban-ve-cong-nghe-ban-dan-viet-nam-tai-van-lang-thach-thuc-va-co-hoi-cho-phat-trien-luc-luong-lao-dong-e.jpg
Tham dự hội thảo từ xa, ông Nguyễn Từ Huấn (NCG) cho biết thực tế chỉ có khoảng 20% trên tổng số 10,000 kỹ sư tại Việt Nam đáp ứng yêu cầu chuyên môn của các doanh nghiệp.

Ngành Công nghệ Thông tin Việt Nam đang nắm vị trí chủ chốt và phát triển trong lĩnh vực xuất khẩu mạch điện tử, linh kiện máy tính và gia công công nghệ thông tin. Mặc dù nhu cầu hằng năm lên đến 10,000 kỹ sư nhưng thực tế, chỉ có khoảng 20% đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. 

Chia sẻ những điểm mạnh của ngành, diễn giả Nguyễn Từ Huấn cho rằng, Việt Nam hiện có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi và nguồn lao động kỹ thuật phong phú với mức chi phí không cao. Tuy nhiên, ngành vi mạch vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn như thiếu hụt cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; chưa có sự kết nối mạnh mẽ với những viện nghiên cứu, giáo dục và chính phủ; cần bồi đắp đội ngũ giảng giàu kinh nghiệm để đào tạo các thế hệ nắm bắt kiến thức nền tảng vững chắc. Ngoài ra, các diễn giả cũng đưa ra một số đề xuất nhằm phục vụ cho sự phát triển của ngành, hướng đến mục tiêu đào tạo 50,000 nhân sự chất lượng cho lĩnh vực vào năm 2030, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.

vlu-ban-ve-cong-nghe-ban-dan-viet-nam-tai-van-lang-thach-thuc-va-co-hoi-cho-phat-trien-luc-luong-lao-dong-f.jpg

Tham gia bàn tròn thảo luận, GS. Aaron Thean, bà Bích Yến Nguyễn, PGS. TS. Nguyễn Anh Thi - Giám đốc Khu Công nghệ cao Sài Gòn, ông Nguyễn Phúc Vinh - Giám đốc kỹ thuật, Apps của Synopsys và ThS. Bùi Phạm Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ về cơ hội và thách thức trong việc xây dựng chương trình học tập, đào tạo ngành vi mạch bán dẫn cũng như việc triển khai các chương trình liên kết, trao đổi học tập giữa NUS và các trường đại học Việt Nam. Các diễn giả nhấn mạnh, công nghiệp vi mạch là ngành chạm vào giá trị toàn cầu, giàu cơ hội cho kỹ sư Việt Nam tương lai với mục tiêu tăng trưởng 15% hàng năm nhằm đáp ứng nhu cầu và đề xuất đào tạo 1.200 chuyên gia thiết kế vi mạch trong các lĩnh vực khác nhau như thiết kế vật lý, điện tử viễn thông,... 

vlu-ban-ve-cong-nghe-ban-dan-viet-nam-tai-van-lang-thach-thuc-va-co-hoi-cho-phat-trien-luc-luong-lao-dong-g.jpg
Việc tích cực tổ chức các hội thảo chuyên ngành mang đến cơ hội tăng cường kiến thức và kỹ năng cho giảng viên, sinh viên Trường Đại học Văn Lang, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác giữa Nhà trường với doanh nghiệp và các đơn vị giáo dục quốc tế.

Là một trong những trường đại học tiên phong áp dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực giáo dục từ năm 2021, VLU có nền tảng đào tạo vững chắc trong khối ngành Công nghệ - Kỹ thuật, đặc biệt là các ngành học có chủ chốt liên quan đến thị trường vi mạch bán dẫn như Kỹ thuật - Cơ Điện tử, Công nghệ thông tin, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, Kỹ thuật hàng không,... Hội thảo về ngành công nghệ bán dẫn tại Việt Nam không là một cơ hội để tăng cường kiến thức và kỹ năng cho sinh viên và giảng viên, mà còn mở rộng cơ hội hợp tác và phát triển giữa trường Trường Đại học Văn Lang với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật cao và đang phát triển nhanh chóng trong thế giới VUCA.

Tin: Nguyễn My
Hình ảnh: Hữu Phước - Thịnh Trần

Thẻ