Chuyên gia Trường Đại học Văn Lang cùng tham gia nghiên cứu phát triển hành lang sông Sài Gòn, bảo vệ hệ sinh thái ven sông

Tác Giả
Theo Báo Kinh tế đô thị
Ngày
01/03/2024(526 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Tại hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine”, TS. Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang cùng các chuyên gia từ liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đã tiến hành báo cáo nhiều tham luận giá trị, đóng góp vào quá trình nghiên cứu quy hoạch sông Sài Gòn, công tác quy hoạch chung của thành phố.

Chiều ngày 2/3/2024, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine”. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR).

vlu-chuyen-gia-vlu-hanh-lang-song-sai-gon-bao-ve-he-sinh-thai-ven-song-a.jpg
TS. Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang đã cùng nhóm Viện Quy hoạch vùng Paris nghiên cứu ý tưởng về tiềm năng khai thác dòng sông, đề xuất phát triển hành lang sông Sài Gòn với 4 phân khu từ tháng 10/2023

Bảo tồn và phát triển các giá trị của sông Sài Gòn

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM đang khẩn trương thực hiện 3 quy hoạch gồm: Quy hoạch TP thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn 2060 và xây dựng quy hoạch chung TP. Thủ Đức.

Đây là 3 quy hoạch rất quan trọng cho sự phát triển của TP trong thời gian tới. Ngoài ra, TP xác định sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch TP thời kỳ mới và là điểm nhấn trong việc rà soát quy hoạch chung lần này. Vì vậy, việc TP phối hợp với Viện Quy hoạch vùng Paris, Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) xây dựng quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn là việc kịp thời và có ý nghĩa.

“TP.HCM xác định việc quy hoạch sông Sài Gòn là trung tâm trong rà soát quy hoạch chung của TP trong thời gian tới. Vì vậy, kết quả thu được tại Hội thảo hôm nay vừa đóng góp cho việc nghiên cứu quy hoạch sông Sài Gòn nhưng cũng sẽ kết nối với việc xây dựng quy hoạch chung TP” – ông Mãi nói.

vlu-chuyen-gia-vlu-hanh-lang-song-sai-gon-bao-ve-he-sinh-thai-ven-song-b.jpg
TS. Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Văn Lang đã có bài tham luận tại Hội thảo về "Đa dạng sinh học - Hệ sinh thái ven sông".

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thu Trà - Giám đốc dự án quy hoạch chiến lược phát triển hành lang sông Sài Gòn (AVSE Global) cho biết, hành lang sông Sài Gòn với nhiều đặc trưng độc đáo chính là xương sống tinh thần và thiên nhiên của TP là những đặc trưng về giá trị lịch sử đặc biệt đối với Việt Nam. Bà Trà phân tích: “Sông Sài Gòn có một sứ mệnh cao cả, là dòng chảy tạo cơ hội chuyển mình. Quy hoạch và phát triển sông Sài Gòn thực sự phải là điểm nhấn, là xương sống trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đánh giá đúng tầm quan trọng của dòng sông với sự phát triển của TP chính là một trong những chìa khóa mở ra các cơ hội phát triển cho TP trong 30 năm tới.”

Đề xuất chia sông Sài Gòn thành 4 phân khu để phát triển

Với độ dài 256 km, riêng đoạn chảy qua TP Hồ Chí Minh là khoảng 80km, sông Sài Gòn thực sự có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội của một vùng rộng lớn khu vực Đông Nam Bộ. Lãnh đạo TP nhiều lần khẳng định mong muốn khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp của con sông này. 

Việc phát triển sông Sài Gòn nằm trong khuôn khổ nghiên cứu các định hướng quy hoạch sông Sài Gòn và triển khai các nhóm việc sau chuyến tham quan sông Seine của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tại Paris vào tháng 6/2023.

Theo đó, sau cuộc khảo sát của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên tại Paris, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cùng với liên danh tư vấn gồm AVSE Global và IPR đã xây dựng ý tưởng, định hướng và phát triển dọc hành lang sông Sài Gòn, vận dụng kinh nghiệm quy hoạch quản lý sông Seine vào nghiên cứu các quy hoạch mà TP đang thực hiện.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất phát triển hành lang sông Sài Gòn với 4 phân khu:

  • Phân khu 1 (khu Bắc kết nối bản sắc) dài 48km, từ thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến ranh giới TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh.
  • Phân khu 2 (giao diện trù phú và bao trùm) dài 25km, từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một.
  • Phân khu 3 (Thanh Đa trải nghiệm hạnh phúc) dài 13,5km, bao gồm bán đảo Thanh Đa và vùng phụ cận từ Quốc lộ 52 đến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Hà Nội.
  • Phân khu 4 (khu trung tâm cánh cửa tương lai) dài 16km, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52. 

Cần duy trì và bảo vệ hệ sinh thái ven sông Sài Gòn

Trình bày tham luận "Đa dạng sinh học - Hệ sinh thái ven sông", TS. Vũ Thị Quyền nhấn mạnh vai trò đa đa dạng sinh học và hệ sinh thái dọc sông Sài Gòn là cơ sở, nền tảng của xây dựng một hệ sinh thái đô thị bền vững cho TP Hồ Chí Minh: "Dọc hai bên sông Sài Gòn có 4 dạng đất chính: Đất cát (5.200 ha) và  đất mặn (19.800ha); Đất phèn (44.500 ha); Đất phù sa (20.400 ha), với thảm thực vật đầm lầy ngập triều và ven bờ (nước ngọt và lợ) như: Dừa nước, các loài ô rô, ráng đại, cỏ nga, gai thảo, bồn bồn, lúa ma, rau muống, tâm bức, cỏ bấc, cỏ năn...Và các nhóm thuỷ sinh vật gồm thực vật nổi, động vật nổi, động vật đáy. Hệ sinh thái ven sông Sài Gòn đa dạng, phong phú có ý nghĩa sống còn đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là bảo vệ cho cuộc sống con người. Tuy nhiên, sự phát triển dân số, sản xuất công nghiệp, hoạt động nông nghiệp, khai phá tài nguyên... đã ảnh hưởng không nhỏ đến đa dạng sinh học, tài nguyên, môi trường. Vì vậy, đã đến lúc TP Hồ Chí Minh cần đồng bộ các giải pháp để bảo vệ hệ sinh thái ven sông Sài Gòn, đây là mắt xích then chốt cho phát triển xã hội và kinh tế bền vững"

vlu-chuyen-gia-vlu-hanh-lang-song-sai-gon-bao-ve-he-sinh-thai-ven-song-c.jpg
TS. Vũ Thị Quyền cùng nhóm nghiên cứu kỳ vọng "con rồng xanh sông Sài Gòn" sẽ sớm được đánh thức và đưa TP.HCM trở thành đô thị sinh thái trong tương lai không xa.

Tiến sĩ cho biết, việc nghiên cứu quy hoạch không gian, chức năng hành lang sông Sài Gòn cần có sự tích hợp giữa các yếu tố sinh học với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa - lịch sử, phát triển kinh tế của thành phố. Trong đó, tích hợp sinh học và công trình kiến trúc, sinh học với xử lý môi trường, sinh học và logistic là những vấn đề cần được đưa vào nghiên cứu ngay nhằm sớm có thể ứng dụng vào thực tiễn, góp phần tăng độ che phủ chung của rừng sau khi 100 triệu cây xanh được trồng dọc sông Sài Gòn. TS. Vũ Thị Quyền cùng nhóm nghiên cứu kỳ vọng "con rồng xanh sông Sài Gòn" sẽ sớm được đánh thức và đưa TP.HCM trở thành đô thị sinh thái trong tương lai không xa.

TS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nhận định: “Sông Sài Gòn uốn lượn qua TP Hồ Chí Minh như một "dải lụa", điều hiếm nơi nào có, nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng. TP có thể tập trung phát triển trước 15-20km sông Sài Gòn đoạn qua khu Thủ Thiêm và bán đảo Thanh Đa - Bình Quới, bởi đây được ví như "hòn ngọc" của TP. Nếu quy hoạch và làm tốt, 10-15 năm nữa sông Sài Gòn không chỉ là điểm nhấn của TP mà sẽ nổi tiếng trên thế giới”

Xem thêm:

Chia sông Sài Gòn thành 4 phân khu: Tôn trọng tự nhiên để phát triển bền vững

Nhìn từ sông Seine để phát triển sông Sài Gòn

Tin: Theo Báo Kinh tế đô thị

Thẻ