Khoa Răng Hàm Mặt hiện có gần 50 giảng viên, trong số đó có một người duy nhất không phải là bác sĩ chuyên ngành Răng – Hàm – Mặt mà là Tạo hình thẩm mỹ. Đặc biệt hơn, đây là một chuyên gia phẫu thuật, người “hàn gắn” nụ cười cho hàng ngàn bệnh nhân dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt – ThS. BS. CK2 Lê Trung Nghĩa.
Hiện tại là những chuyến đi không mỏi
Trở lại Tp. Hồ Chí Minh sau Chương trình phẫu thuật nụ cười tỉnh Đắk Lắk (27-31/10/2923), BS. Nghĩa chia sẻ: “Tôi là team leader của một đoàn 30 thành viên trên khắp mọi miền tổ quốc gồm bác sĩ phẫu thuật tạo hình, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ chuyên nội và hồi sức nhi khoa, kỹ thuật viên gây mê… cùng các tình nguyện viên và điều phối viên của Operation Smile (Tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tập trung vào việc thực hiện phẫu thuật miễn phí cho các trẻ em sinh ra bị dị tật hở môi, hàm ếch và các dị tật vùng hàm mặt khác tại các nước đang phát triển). Đoàn khám hơn 230 bệnh nhân và phẫu thuật cho 103 bệnh nhân dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt trong 3 ngày với các bệnh lý như khe hở môi vòm miệng, sụp mi bẩm sinh lần đầu và tái phát, khe hở mặt hiếm (Tessier), sẹo mặt môi mũi, dị tật dính ngón tay, chân bẩm sinh...”
Đây chỉ là một trong số vô vàn những chuyến đi phẫu thuật từ thiện của BS. Nghĩa trong nhiều năm qua, từ khi còn là tình nguyện viên thời sinh viên những năm tám mươi của thế kỷ trước. Đi nhiều nơi, trải nghiệm những cảnh quan, những nền văn hóa khác nhau, BS. Nghĩa tự nhận là may mắn khi học được nhiều điều về chuyên môn từ những người bạn trong và ngoài nước. Mỗi chuyến đi như thêm một nét khắc sâu, để lòng người càng kiên định với ước nguyện thuở ban đầu “sử dụng khả năng ngoại khoa của bản thân phục vụ cho cộng đồng”.
“Bệnh nhân ở vùng cao nguyên rất đông, điều kiện sống và lao động của bà con mình đặc biệt vùng núi còn thấp, việc chăm sóc bà mẹ mang thai còn chưa tốt thêm nữa yếu tố nhiễm chất độc da cam, nên lúc nào đoàn khám và mổ cũng không giải quyết hết được.” - ThS. BS. CK2 Lê Trung Nghĩa chia sẻ. Không chỉ ở miền núi, cao nguyên, ở Việt Nam mà còn có rất nhiều người đang sống mỏi mệt và đầy tự ti với căn bệnh liên quan môi vòm miệng trên toàn thế giới.
Từ đó, dấu chân của BS. Nghĩa cùng những đoàn từ thiện lại in trên nẻo đường xa xôi, đến với vùng đất Châu Phi có điều kiện sống khắc nghiệt. Những ngày chen chúc trên xe giữa rừng già, băng đèo lội suối lúc nửa đêm, bụi nhuốm hồng từ đầu đến chân, hành lý phủ dày một lớp, những ngày mổ từ sáng đến đêm, nằm xuống nền nhà cũng có thể ngủ ngay được… Vất vả ấy đáng giá khi ca mổ thành công, niềm vui ánh lên trong ánh mắt, trong nụ cười và niềm mong đợi của bệnh nhân cùng người nhà, khi cả đoàn được đón chào trong niềm hân hoan của bệnh nhân ngày quay trở lại. BS. Nghĩa nhớ như in hình ảnh những bệnh nhi được mổ từ khi còn ẵm ngửa ngày nào giờ đã chạy nhảy tung tăng với nụ cười rạng rỡ được người nhà đưa đến thăm đoàn.
Hơn 20 năm gắn bó với Operation Smile cùng với nhiều tổ chức khác như LWR (Love Without Reasons, Hoa Kỳ) hàng năm đi mổ ở châu Phi, Interplast (Hoa Kỳ), Face the Challenge (Hoa Kỳ), Bridge the Gap (Hà Lan), Rottary (Úc)..., BS. Nghĩa không thể nhớ nổi các ca mổ từ thiện môi vòm miệng và dị tật hàm mặt mà mình đã thực hiện. Những nụ cười được hàn gắn là nguồn động lực lớn lao để BS. Nghĩa tiếp bước thực hiện những chuyến đi không mỏi.
Quá khứ trăn trở của một bác sĩ ngoại khoa trong công tác điều trị khe hở môi vòm miệng
Tốt nghiệp năm 1986, BS. Nghĩa đã sớm tiếp xúc với những bệnh nhân bị biến dạng hàm mặt, diện mạo và chức năng sau khi được điều trị cắt bỏ tận gốc ngừa tái phát ung thư. Cùng với sự trưởng thành trong nghề nghiệp và những chuyến công tác từ thiện với các đoàn phẫu thuật nước ngoài, nguyện vọng sử dụng khả năng ngoại khoa phục vụ cho cộng đồng, đặc biệt là ngành phẫu thuật tạo hình được BS. Nghĩa nung nấu ngày càng mãnh liệt.
Đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt, phụ trách mảng tạo hình tại Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh, BS. Nghĩa nhận thấy trong công tác điều trị khe hở môi vòm miệng, các tổn thương do bệnh lý gây ra về mặt chức năng, thẩm mỹ, tâm lý của bệnh nhân và người nhà chưa được quan tâm đúng mức. Rất nhiều những bệnh nhân còn khuyết tật về diện mạo (biến dạng mũi, môi, sai khớp cắn, răng lệch lạc, giọng nói không nghe rõ, ăn uống còn sặc hoặc trào ngược...). Hầu như các bác sĩ tạo hình trong các đợt phẫu thuật từ thiện chỉ chú trọng phẫu thuật vá môi, vòm mà không chú ý đến những hệ lụy mà bệnh nhân chịu đựng sau mổ. Bên cạnh đó, những tổn thương do bệnh lý gây ra không chỉ giải quyết đơn thuần bằng phẫu thuật mà cần sự phối hợp đa chuyên ngành, từ đó mới đem lại kết quả tốt cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân tự tin hòa nhập cộng đồng. Nguyện vọng điều trị toàn diện khe hở môi, vòm miệng từ ấy theo BS. Nghĩa đến nay.
Cơ duyên đến khi khoa Vi Phẫu Tạo hình Hàm Mặt được thành lập, trong khả năng của mình, BS. Nghĩa vận động nhân sự và tài chính, lập đơn vị điều trị toàn diện khe hở môi vòm tại khoa với sự tham gia các bác sĩ chỉnh hình răng mặt, điều dưỡng được đưa đi học phát âm trị liệu tại Đài Loan, học dinh dưỡng với giáo sư dinh dưỡng của bệnh viện Nhi đồng, tổ chức cho cả khoa học cấp cứu nhi với chuyên gia Nhi đồng, chuẩn bị các posters, brochures về dinh dưỡng, chăm sóc sau mổ... Các bảng kế hoạch điều trị toàn diện cho từng ca bệnh khe hở môi vòm miệng cũng được soạn thảo và dần thực hiện. Bệnh nhi không chỉ được phẫu thuật, mà còn được chăm sóc toàn diện về các mặt khác liên quan đến dinh dưỡng, tâm sinh lý…
Năm 2018, Trung tâm điều trị toàn diện khe hở môi - vòm miệng của Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP. Hồ Chí Minh ra đời, là một cột mốc quan trọng, ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của BS. Nghĩa và những người chung chí hướng. Đến nay, sau 5 năm, Trung tâm trở thành đơn vị điều trị toàn diện khe hở môi vòm miệng uy tín, nhận được sự tài trợ cơ sở vật chất từ Trường Đại học British Columbia, Bệnh viện BC Children's Hospital (Canada) và tài trợ các bước điều trị toàn diện từ tổ chức Operation Smile và Smile Train. Trung tâm chính là hình mẫu đầu tiên tại Việt Nam điều trị toàn diện bệnh lý khe hở môi vòm miệng.
“Việc quan trọng nhất là chúng ta có thể dùng khả năng khoa học của mình đóng góp vào việc điều trị mang ý nghĩa tích cực cho các bệnh nhân khe hở môi vòm, cũng là góp phần giúp bệnh nhân tự tin hơn, hòa nhập cộng đồng tốt hơn, bệnh nhân sẽ có nhiều cơ hội hơn trong quá trình trưởng thành, học tập và làm việc.” - BS. Nghĩa chia sẻ.
Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã mời BS. Nghĩa làm cố vấn thành lập Trung Tâm Điều trị toàn diện Khe hở môi vòm miệng cho vùng Tây Nguyên, giúp trực tiếp đào tạo phẫu thuật viên. Nếu thành hiện thực, trong tương lai, vùng đất này sẽ có thêm nhiều bệnh nhân được trao cơ hội sớm trở về với cuộc sống bình thường. Hiện BS. Nghĩa đang làm cố vấn xây dựng Trung Tâm điều Trị Toàn diện Khe Hở Môi Vòm Miệng cho bệnh viện Việt Nam Cuba tại Hà Nội và bệnh viện Đại học Y dược Cần Thơ.
Đã ra được bước đầu tiên, nguyện vọng ngày nào của BS. Nghĩa có lẽ bây giờ đã “lượng đổi thành chất”. Không ngừng lại công việc tham gia các đoàn điều trị đi phẫu thuật từ thiện, làm sao để ngày càng có nhiều đơn điều trị toàn diện khe hở môi vòm miệng cũng là mối quan tâm lâu dài của BS. Nghĩa. Đó là một trong những cơ duyên đưa BS. Nghĩa đến với Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Văn Lang.
Những kế hoạch tương lai cùng Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Văn Lang
TS. BS Trần Ngọc Quảng Phi - Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Văn Lang là người mời BS. Nghĩa về với Văn Lang. Cùng công tác chung với nhau tại bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương trong một thời gian, BS. Phi rất hiểu về năng lực, tâm huyết của BS. Nghĩa trong lĩnh vực điều trị toàn diện môi hàm ếch. Lần đầu tiên tham dự hội nghị tại Changung (Đài Loan) năm 2014, cả hai lại gặp nhau ở ý tưởng triển khai điều trị toàn diện môi hàm ếch tại Việt Nam, việc mà nhiều nước trong khu vực đã triển khai. Nhưng mãi đến năm 2018 Trung tâm điều trị toàn diện khe hở môi - vòm miệng bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương mới ra đời mà BS. Nghĩa là người trụ cột.
“Khi về với Văn Lang mở ngành đào tạo bác sĩ Răng Hàm Mặt, tôi vẫn luôn suy nghĩ đến những dự án cộng đồng mà ngành Răng Hàm Mặt cần phải thực hiện trong đó có dự án điều trị toàn diện môi hàm ếch. Dự án này cần có một người đã trải nghiệm thực tế như BS. Nghĩa.” - BS. Phi chia sẻ về việc mời BS. Nghĩa về với khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Văn Lang để cùng nhau thực hiện nguyện vọng đem lại nụ cười cho trẻ dị tật môi hàm ếch.
Về ý tưởng triển khai một đơn vị điều trị toàn diện môi hàm ếch tại Văn Lang, BS. Nghĩa cho rằng đó chính là sứ mệnh của các thầy thuốc chuyên ngành đối với bệnh nhân chuyên biệt thuộc lĩnh vực điều trị của họ. Đồng thời, BS. Nghĩa cũng đánh giá cao cơ sở vật chất cùng đội ngũ nhân sự Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Văn Lang đang sở hữu: “Các thầy cô đều là những chuyên gia có uy tín, có kinh nghiệm trong các bước điều trị. Một đội ngũ chuẩn mực cho việc điều trị có sẵn, điều cần củng cố hiện tại là làm sao để phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với nhau trong quy trình điều trị. Có như vậy, kết quả sẽ toàn diện hơn cho bệnh nhân khe hở môi vòm họng. Các bác sĩ trẻ của khoa cần được đào tạo lâm sàng sớm để trở thành những chuyên gia sau này có thể thực hiện các bước điều trị hiệu quả. Càng nhiều trung tâm điều trị hiệu quả càng giúp ích được nhiều người bệnh. Tôi thật sự hy vọng Khoa chúng ta có thể phối hợp để thực hiện được việc điều trị toàn diện bệnh lý này, đóng góp vào ý nghĩa thực tế của chương trình đào tạo của Khoa nói riêng và của Văn Lang nói chung”.
Bên cạnh công việc triển khai dự án cộng đồng điều trị toàn diện dị tật môi hàm ếch, BS. Nghĩa cũng là người Việt Nam đầu tiên được cử đi học về triển khai trung tâm huấn luyện kỹ năng y khoa tại Hà Lan từ những năm 1995, đồng thời là trưởng đơn vị huấn luyện kỹ năng y khoa đầu tiên tại Trường Đại học Cần Thơ, BS. Nghĩa luôn mong muốn đem những gì được học hỏi tại Hà Lan trở về Việt Nam, góp sức vào công cuộc nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên Y khoa.
BS. Phi đề xuất với Nhà trường mời BS. Nghĩa chủ trì và triển khai Trung tâm Đào tạo Kỹ năng y khoa cho Khoa Y mới vừa tuyển sinh khóa đầu tiên năm 2022 – 2023. Tháng 5 năm 2023, BS. Nghĩa đã chủ trì tổ chức hội thảo về đào tạo kỹ năng y khoa với sự tham gia của các chuyên gia về đào tạo kỹ năng y khoa là Giáo sư Pie Bartholomeus (Hà Lan) và ThS. BS. Phạm Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Huấn luyện Kỹ năng Y khoa trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Không dừng lại ở đó, BS. Nghĩa bắt tay vào việc xây dựng Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Y khoa - Mô phỏng lâm sàng cho khối ngành Khoa học Sức khỏe, tự hứa với lòng là sẽ hoàn thành trách nhiệm này dù sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Việc đồng hành của những người cùng chung chí hướng đã diễn ra như thế. Với kinh nghiệm nhiều năm trong phẫu thuật tạo hình, với trái tim vì bệnh nhân khe hở môi vòm họng và nguyện vọng đóng góp vào công tác đào tạo kỹ năng cho sinh viên, chắc chắn BS. Nghĩa sẽ cùng Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Văn Lang sẽ xây dựng và phát triển một đơn vị điều trị toàn diện môi hàm ếch tốt - nơi các bệnh nhân được chăm sóc tốt, bài bản và toàn diện để có thể hòa nhập cộng đồng, xã hội và tự tin phát triển bản thân đồng thời triển khai thành công Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Y khoa tại Văn Lang.
Cùng với những chuyên gia như BS. Nghĩa, cùng với đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp đông đảo, Khoa Răng Hàm Mặt sẽ nhanh chóng bắt đầu triển khai những hoạt động hỗ trợ cộng đồng mang tính chất đặc trưng. Dự kiến đầu năm 2024, cùng với sự hỗ trợ của Nhà trường và các mạnh thường quân, Khoa sẽ ra mắt đơn vị Nha khoa lưu động và đơn vị Điều trị toàn diện môi hàm ếch, góp phần đem lại những giá trị thiết thực đóng góp cho xã hội, đồng thời hun đúc tinh thần đoàn kết, yêu thương, sống sẻ chia và quan tâm đến cộng đồng cho các thế hệ sinh viên.
Tin: Khoa Răng Hàm Mặt
Hình: Nhân vật cung cấp
Thẻ
Gửi thất bại