Đại diện Trường Đại học Văn Lang - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cương tham gia điều phối hội thảo quốc tế về giáo dục xuyên Quốc gia

Tác Giả
P.ĐBCLĐT
Ngày
10/04/2024(537 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Trong hai ngày 09 và 10 tháng 4 năm 2024, Tiến sĩ Nguyễn Hữu CươngTrưởng phòng Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Văn Lang, đã tham gia điều phối và kết nối các diễn giả, khách mời và người tham gia tại hai hội thảo quốc tế về giáo dục xuyên quốc gia trong khuôn khổ dự án “Tăng cường vai trò lãnh đạo trong giáo dục xuyên quốc gia để đạt được sự phát triển hiệu quả và bền vững”, được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chương trình Aus4Skills (Australia) tổ chức tại Trường Đại học Ngoại Thương.  Hội thảo đầu tiên diễn ra với chủ đề “Thực hiện nghiên cứu trong giáo dục quốc tế” và hội thảo thứ hai với chủ đề “Mô hình giáo dục xuyên quốc gia, chiến lược giáo dục xuyên quốc gia và hợp tác trong giáo dục xuyên quốc gia”.

Các nhà khoa học tham dự trực tiếp Hội thảo “Thực hiện nghiên cứu trong giáo dục quốc tế”

Tham dự hội thảo là những chuyên gia, nhà quản lý và nhà nghiên cứu uy tín về giáo dục xuyên quốc gia đến từ các trường đại học hàng đầu tại Australia và Việt Nam. Điển hình như GS. Chris Ziguras, Gám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Đại học Melbourne; PGS. Bardo Fraunholz, Quản lý cao cấp về Quan hệ Quốc tế và Giáo dục xuyên quốc gia, Trường Đại học Deakin; TS. Bùi Thị Như Huyền, Quản lý về Giáo dục xuyên quốc gia, Trường Đại học Deakin; GS. TS. Trần Thị Lý, Trường Đại học Deakin; TS. Đào Thanh Tùng, Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; và TS. Nguyễn Thúy Hồng Vân, Giám đốc INTESOL Việt Nam; TS. Nguyễn Hữu Cương, Trường phòng Đảm bảo Chất lượng Đào tạo, Trường Đại học Văn Lang. Các diễn giả đã mang đến những góc nhìn đa dạng và chuyên sâu về các chủ đề thảo luận, nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững trong lĩnh vực giáo dục xuyên quốc gia.

Các nhà khoa học tham dự trực tiếp Hội thảo “Mô hình giáo dục xuyên quốc gia, chiến lược giáo dục xuyên quốc gia và hợp tác trong giáo dục xuyên quốc gia”

Các phiên Hội thảo đã thu hút sự tham gia của gần 30 nhà khoa học và hơn 120 giảng viên, lãnh đạo trường, nhà nghiên cứu, cán bộ phụ trách hợp tác quốc tế và cán bộ đảm bảo chất lượng đến từ các cơ sở giáo dục đại học trên khắp cả nước, tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Trong khuôn khổ hội thảo “Thực hiện nghiên cứu trong giáo dục quốc tế” do TS. Nguyễn Hữu Cương điều phối, các diễn giả và người tham dự đã thảo luận về xây dựng chiến lược, quản lý rủi ro và sử dụng các phương pháp nghiên cứu hiệu quả để giải quyết các thách thức trong lĩnh vực giáo dục quốc tế. Theo đó, GS. Chris Ziguras đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu giáo dục quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Ông đã hướng dẫn các bước đầu tiên trong nghiên cứu, từ việc lựa chọn chủ đề đến xây dựng câu hỏi nghiên cứu, và chia sẻ ba cách tiếp cận chính: thăm dò, mô tả và giải thích. GS. Trần Thị Lý, với hơn 200 công bố quốc tế, đã trình bày về các chủ đề tiềm năng trong nghiên cứu giáo dục quốc tế như tác động xã hội, đa dạng hóa sinh viên và quản lý rủi ro, số hóa giáo dục và sức khỏe tâm thần của sinh viên. Bà cũng chia sẻ về quy trình xuất bản và cách lựa chọn tạp chí phù hợp, đồng thời giới thiệu các tạp chí uy tín để người nghe có thể tham khảo. Ngoài ra, người tham dự được cung cấp các thông tin về việc phân tích cấu trúc bài báo nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm về hồ sơ xin học và học bổng tiến sĩ, cũng như các mô hình hợp tác trong đào tạo tiến sĩ. 

GS. Chris Ziguras trình bày tại Hội thảo “Thực hiện nghiên cứu trong giáo dục quốc tế”

Tại hội thảo “Mô hình giáo dục xuyên quốc gia, chiến lược giáo dục xuyên quốc gia và hợp tác trong giáo dục xuyên quốc gia”, TS. Bùi Thị Như Huyền giới thiệu khái niệm, mô hình và quy trình thực hiện giáo dục xuyên quốc gia, cùng các tiêu chí thẩm định đối tác. PGS. Bardo Fraunholz trình bày chiến lược giáo dục xuyên quốc gia, nhấn mạnh các yếu tố cần thiết khi triển khai thỏa thuận hợp tác. TS. Đào Thanh Tùng chia sẻ kinh nghiệm của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong việc thực hiện 14 chương trình liên kết đào tạo quốc tế, với các lợi ích và thách thức kèm theo. Sau phần trình bày của các diễn giả, TS. Nguyễn Hữu Cương đã dẫn dắt các phiên thảo luận, tập trung vào sự khác biệt giữa đại học công lập và tư thục trong hợp tác quốc tế, lựa chọn đối tác và xu hướng liên kết đào tạo trong nước và khu vực ASEAN.

Khách mời và các diễn giả trao đổi tại Hội thảo “Mô hình giáo dục xuyên quốc gia, chiến lược giáo dục xuyên quốc gia và hợp tác trong giáo dục xuyên quốc gia”

Dưới sự điều phối của TS. Nguyễn Hữu Cương, các phiên hội thảo không chỉ thành công mang đến các phần trình bày và thảo luận sâu sắc về việc xây dựng chiến lược, quản lý rủi ro và áp dụng nghiên cứu hiệu quả để giải quyết những thách thức hiện tại và tương lai trong lĩnh vực giáo dục quốc tế, mà còn là nơi trao đổi kiến thức, tạo nền tảng vững chắc cho sự hợp tác và phát triển bền vững trong lĩnh vực này.

Thẻ