Nhiều ý kiến đóng góp của các đơn vị đào tạo khối ngành Luật trên cả nước đã được đề xuất tại Hội thảo khoa học “Đào tạo Luật theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng tại Việt Nam hiện nay.” Hội thảo được thực hiện bởi Trường Đại học Văn Lang, phối hợp cùng Ban Điều hành mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam (VLSN).
Hiện nay nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Luật ngày càng đa dạng, đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp người học sớm được tiếp cận môi trường làm việc thực tiễn, tích lũy kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nhằm tạo diễn đàn kết nối, trao đổi kinh nghiệm học thuật, thúc đẩy hợp tác và nâng cao chất lượng đào tạo, ngày 14/03/2024, Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo Luật theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng tại Việt Nam hiện nay”. Hơn 100 đại biểu phụ trách các chương trình đào tạo từ 59 cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam đã cùng trao đổi, đưa ra các đề xuất về việc đào tạo theo định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng trong lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu chia sẻ: “Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, các cơ sở giáo dục cần chú trọng phát huy năng lực người học, cập nhật kiến thức thực tế, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thị trường. Trên hành trình thực hiện sứ mệnh lan tỏa tri thức, kết nối cộng đồng học thuật, Trường Đại học Văn Lang luôn tích cực giao lưu, trao đổi định hướng đào tạo với các đơn vị uy tín. Theo đó, Hội thảo là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội học hỏi, hợp tác toàn diện về đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành Luật.”
PGS. TS. Lê Vũ Nam - Trưởng ban điều hành Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam kỳ vọng, hội thảo sẽ là “làn gió mới”, giúp xây dựng và thiết kế khung chương trình đào tạo hiệu quả hơn.
Báo cáo đề dẫn nội dung xây dựng chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu, PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật đã trình bày tổng quan về tính nhất quán trong mục tiêu và chuẩn đầu ra. Lấy ví dụ về quy trình thiết kế chương trình đào tạo Luật theo định hướng nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, PGS. TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung nhận định cần khai thác tối đa thế mạnh, tiềm lực đặc thù của cơ sở đào tạo, đồng thời, trang bị năng lực toàn diện cho người học.
Bằng phương pháp so sánh đối chiếu, TS. Vũ Thị Thúy - Phó Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang đã chỉ ra điểm giống và khác theo chuẩn đầu vào/đầu ra của chương trình đào tạo thạc sĩ tại Việt Nam và Úc. Đúc rút từ kết quả nghiên cứu, TS. Vũ Thị Thúy đã đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy định hướng và khả năng vận hành cơ sở đào tạo tại Việt Nam.
Hướng đến giải quyết những vấn đề mà người học gặp phải, ThS. NCS. Trần Cao Thành - Giảng viên Trường Đại học Luật - Đại học Huế đã đề ra một số giải pháp hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, thực tập và thực hiện luận văn, đề án. Từ đó, thúc đẩy quá trình đánh giá và triển khai kế hoạch: Xác định và thống nhất nguyên tắc, định hướng đào tạo; Hỗ trợ học viên nghiên cứu, mở rộng cơ hội hợp tác và kết nối với doanh nghiệp.
Hội thảo gồm 02 phiên thảo luận chuyên đề với 06 tham luận: Phiên 1: Đào tạo Luật theo định hướng nghiên cứu
Phiên 2: Đào tạo Luật theo định hướng ứng dụng
|
Trên cơ sở phê duyệt, thí điểm bộ phẩm chất năng lực cho sinh viên, các chuyên gia đã cùng trao đổi về những bất cập trong nội dung nghiên cứu, từ đó nhấn mạnh việc xác định và đo lường chuẩn đầu ra. Kết quả nghiên cứu, trao đổi của các chuyên gia tại Hội thảo là luận cứ quan trọng để các cơ sở đào tạo Luật tham vấn, đối chiếu đa chiều, từ đó xây dựng và phát triển định hướng đào tạo phù hợp cho người học.
Tin: Ánh Minh
Hình: Gia Minh
Thẻ
Gửi thất bại