Diễn văn Hiệu trưởng – Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025

Tác Giả
Trường Đại học Văn Lang
Ngày
20/09/2024(1076 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Sáng ngày 21/09/2024, Lễ Khai giảng chào đón năm học 2024-2025 và đón mừng Khoá 30 gia nhập Trường Đại học Văn Lang đã được tổ chức trang trọng tại Hội trường Trịnh Công Sơn, Cơ sở chính. Trong sự kiện đặc biệt, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Thành viên Hội đồng Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang gửi đến Khóa 30 diễn văn khai giảng chào đón tân sinh viên và năm học mới.

vlu-dien-van-hieu-truong-le-khai-giang-nam-hoc-2024-2025-a.jpg
Lễ Khai giảng năm học 2024-2025 vô cùng ý nghĩa khi đây là năm Trường Đại học Văn Lang đón chào khoá sinh viên đặc biệt – Khoá 30, đánh dấu hành trình 30 năm phụng sự giáo dục của thương hiệu Đại học Văn Lang.

Các em sinh viên K30 thân mến, 

Khóa 30 các em là khóa rất ấn tượng. Các em đến từ 1640 Trường THPT của 59 tỉnh thành trên toàn quốc, trong đó có gần 500 sinh viên đến từ 100 trường chuyên, trường quốc tế và hơn 2000 sinh viên đến từ 66 trường THPT trọng điểm Quốc gia. 32% tân sinh viên tốt nghiệp THPT với học lực giỏi và xuất sắc (8.0-9.7), 417 sinh viên nhập học đã có năng lực ngoại ngữ đạt và vượt chuẩn đầu ra của Trường với IELTs từ 6.0, trong đó 125 sinh viên đã đạt IELTs từ 7.0 - 8.5.

Năm 2024, Nhà trường trao Học bổng Tài năng cho 278 sinh viên Khóa 30 có thành tích học tập xuất sắc và những thành tích vượt trội trong các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật - thể thao - hoạt động phục vụ cộng đồng,… và 9 suất học bổng Going Global cho các tân sinh viên xuất sắc nhập học Chương trình quốc tế và 1 suất học bổng Chương trình trao đổi sinh viên. 

vlu-dien-van-hieu-truong-le-khai-giang-nam-hoc-2024-2025-b.jpg

TS. Trần Văn Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bà Bùi Thị Vân Anh – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Văn Lang trao Học bổng Tài năng trị giá 100 triệu đồng cho các sinh viên Khoá 30 trong Lễ Khai giảng sáng ngày 21/09/2204.

24 sinh viên được trao Học bổng Tài năng trị giá 100 triệu đồng đều có thành tích học tập và năng lực ngoại ngữ vượt trội, đồng thời đạt được giải thưởng cấp quốc tế, quốc gia trong nhiều lĩnh vực. 03 sinh viên xuất sắc được xét trao học bổng tài năng trị giá 100% học phí toàn khóa học là những kiện tướng cờ vua. Sau khi nhập học Văn Lang, Lưu Hà Bích Ngọc - tân sinh viên ngành Logistcs và Quản lý chuỗi cung ứngTrần Võ Quốc Bảo - tân sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh - đã mang về 02 huy chương vàng, 01 huy chương bạc và 02 huy chương đồng tại Giải Cờ vua Đông Nam Á tổ chức tại Lào. Với Giải Vô địch Cờ vua Xuất sắc Quốc gia năm 2024, tân sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện Nguyễn Mỹ Hạnh Ân đã mang về thêm một huy chương Đồng nữa. Chúc mừng các em đã trở thành tân sinh viên K30 của Văn Lang.

Các em sinh viên K30 thân mến, 

Cách đây khoảng 2 tuần, Cô đã có dịp gặp các em trong chương trình gặp gỡ tân sinh viên đầu khóa. Chúng ta đã cùng thảo luận về hành trình đại học của các em sắp tới – một quá trình cải biến, “lột xác” để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, một quá trình không chỉ là việc học mà là một sự phát triển toàn diện. Chúng ta cũng nói về câu chuyện ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) lên thế giới ngày nay, và các em cần thích ứng như thế nào trong quá trình học tập sắp tới cũng như trong công việc tương lai.

vlu-dien-van-hieu-truong-le-khai-giang-nam-hoc-2024-2025-c.jpg
Khoá 30 đã được trực tiếp lắng nghe “bài giảng đầu năm” ý nghĩa và giao lưu cùng PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang trong chuỗi sự kiện Orientation Day và buổi Sinh hoạt công dân đầu khoá (tháng 9/2024).

Hôm nay, Cô muốn nói với các em nhiều hơn về hành trình học tập của các em phía trước. Có ba điều mà Cô thật sự muốn chia sẻ với các em và Cô nghĩ rằng những điều này không chỉ quyết định quá trình học tập của các em, mà còn có ảnh hưởng lớn định hình tâm thế, cách nghĩ, cách sống lâu dài của các em về sau. 

ĐIỀU THỨ NHẤT: Bí quyết để thành công một cách đầy hào hứng

Trong hành trình của một đời người, chúng ta đi qua những giai đoạn nhất định, mỗi chặng đường có một số nhiệm vụ chính phải làm, một số mục tiêu nhất định cần đạt được. Đó là việc tất yếu trong cuộc đời mỗi con người. Với các em, đó là nhiệm vụ học tập ở bậc phổ thông các em đã hoàn thành xuất sắc để vào đại học; nhiệm vụ sắp tới của các em là việc học đại học; rồi sau đó là bước vào đời, làm việc,… 

Thực tế, chúng ta thấy có những người đi qua một giai đoạn nào đó của cuộc đời, thực hiện các nhiệm vụ, với một tâm thế đầy hứng thú, tự tin, hăng say; ngược lại cũng có một số người trải qua với tâm trạng đầy áp lực, mệt mỏi, thậm chí chán nản, mất phương hướng. Vậy chúng ta tự hỏi làm sao mỗi người chúng ta có thể đi qua một giai đoạn cuộc đời, thực hiện thành công nhiệm vụ của mình một cách đầy hứng khởi? Làm sao để chúng ta vượt qua thử thách, khó khăn một cách mạnh mẽ, để mỗi ngày chúng ta cảm thấy hứng thú, cảm thấy được niềm vui, cảm thấy ý nghĩa, cảm thấy tràn đầy năng lượng? Trước mắt các em sẽ là bốn năm học đại học với khá nhiều những thử thách so với học phổ thông. Các em sẽ đối diện với thử thách này bằng một tâm thế như thế nào? Các em sẽ thấy đây là một hành trình đầy cảm hứng, mỗi ngày học tập, hoạt động là một ngày khám phát những điều mới mẻ, thú vị hay lúc nào cũng cảm thấy khó khăn, áp lực? 

Để cuộc hành trình đại học này của các em, cũng như những giai đoạn khác trong đời sau này, luôn là một trải nghiệm đầy thú vị, ngẫm nghĩ lại, Cô đúc rút ra ba yếu tố căn bản của “bí quyết thành công một cách đầy hào hứng” mà các em cần lưu ý: 

Thứ nhất là các em cần luôn ý thức về mục đích (purpose) của cuộc hành trình của mình. 

Ý thức về mục đích của việc mình làm sẽ giúp các em cảm thấy những nỗ lực của mình có ý nghĩa sâu sắc như thế nào, và sẽ tiếp thêm năng lượng để các em kiên trì, mạnh mẽ vượt qua các thử thách trong cuộc hành trình. Tuy nhiên, các em cũng cần lưu ý rằng, niềm đam mê (passion) mới chính là cái gốc định hình mục đích mà mình theo đuổi. Niềm đam mê là cái thật sự làm cho các em cảm thấy hào hứng, tìm thấy niềm vui và tạo động lực để các em theo đuổi việc mình làm. Như Steve Jobs đã nói Cách duy nhất để làm việc thật tốt là yêu công việc mà mình làm” (“The only way to do great work is to love what you do”). Đó cũng là nguồn năng lượng giúp các em giữ ngọn lửa nhiệt tình, giúp các em vượt qua các trở ngại nhất thời trên hành trình của mình. 

Các em bước vào đại học, đa số các em đã chọn ngành nghề theo đam mê của mình, là định hướng chính yếu cho hành trình đại học của mình. Các em hãy nhìn nhận lại và tiếp tục khám phá thêm niềm đam mê của mình, từ đó thấy rõ mục đích mà mình cần đạt được cho hành trình học đại học và xa hơn nữa. Có thể các em chỉ mới biết chung chung về ngành mà các em chọn, nhưng trong ngành đó thì chắc chắn sẽ có nhiều hướng khác nhau, các em nên tiếp tục tìm hiểu, không chỉ ở phạm vi Việt Nam mà còn trên thế giới. Hành trình đại học là một hành trình khám phá và định hình những gì các em thật sự muốn theo đuổi. 

Thứ hai là các em cần có ý chí và lòng dũng cảm.   

Thực tế, trong một giai đoạn mới của cuộc đời, sẽ luôn có những khó khăn, thử thách mà chúng ta không nhìn thấy trước hết được. Chúng ta nên chuẩn bị tâm lý để cảm thấy điều ấy là bình thường, để có một tâm trạng hết sức thoải mái, bình thản. Để những khó khăn, thử thách không làm mình cảm thấy áp lực nặng nề, thậm chí gục ngã, buông xuôi, các em cần có quyết tâm và niềm tin vững chắc rằng mình có đủ sức mạnh trí tuệ và tinh thần để vượt qua mọi thử thách. 

Quyết tâm và niềm tin đó được hiện thực hóa bằng lòng dũng cảm, mà trước hết là dũng cảm sử dụng trí óc của chính mình để thật sự hiểu bài, hiểu vấn đề. Đó chính là nhiệm vụ học tập của các em với một tinh thần khai sáng bản thân. Điều này tưởng như dễ, nhưng thật sự không dễ, nên các em cần có ý thức về lòng dũng cảm này. 

Lòng dũng cảm còn thể hiện ở việc dám chủ động, tự tin đối mặt với khó khăn mình gặp phải, và tìm phương án để giải quyết. Nếu năng lực của bản thân không đủ thì tìm người xung quanh để trợ giúp. Các em lưu ý, việc tìm sự trợ giúp là rất quan trọng và cần thiết trong hành trình phát triển bản thân. Lòng dũng cảm còn thể hiện ở việc đứng dậy mạnh mẽ sau những thất bại. Chúng ta ít nhiều sẽ gặp thất bại trên hành trình của mình. Đừng xem đấy là những trở ngại, mà hãy xem đó là cơ hội để học hỏi và cải tiến. Đó là dịp để phân tích, đánh giá, nhìn nhận lại những việc ta làm chưa tốt và điều chỉnh thay đổi cho tốt hơn. Như nhà tâm lý học lỗi lạc Carl Jung đã nói “Hãy biết ơn những khó khăn và thử thách, bởi đó là những đặc ân. Trên thực tế, con người cần gặp những khó khăn, vì chúng cần thiết cho sự phát triển bản thân một cách lành mạnh, cho sự cá nhân hóa và việc tự hiện thực hóa bản thân mình”. 

Thứ ba là các em cần có sự nỗ lực một cách kiên trì

Như các em thấy, đa số các vấn đề không thể giải quyết xong một cách nhanh chóng. Có những việc chúng ta có thể cố sức làm ngày đêm trong một thời gian ngắn là xong. Nhưng có rất nhiều việc chúng ta không thể làm ngay là xong được, mà đòi hỏi nỗ lực kiên trì để thay đổi từ từ. Chính việc không thể gặt hái ngay kết quả trong thời gian ngắn làm cho chúng ta rất dễ buông trôi. Một ví dụ gần gũi với các em là việc học tiếng Anh, học ngoại ngữ, vốn đòi các em phải tích lũy liên tục trong một khoảng thời gian đủ dài thì mới có thể thuần thục được. Và đa số việc học là như thế. Như vậy, luôn nỗ lực là điều quan trọng, nhưng nỗ lực một cách kiên trì còn quan trọng hơn. Cho nên, thách thức cho các em không chỉ cố gắng làm thật tốt trong một ngày, một tuần, mà là duy trì liên tục đều đặn hằng ngày, hàng tuần, hàng tháng, năm này qua năm khác. Như tác giả Robert Collier đã nói“Thành công là tổng của những nỗ lực nhỏ, được lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác” (“Success is the sum of small efforts, repeated day in and day out”).  Làm được điều này đòi hỏi ở các em không chỉ sự tập trung và tính kỷ luật, mà còn là việc xây dựng được những thói quen được thực hành đều đặn, có chủ đích với các mục tiêu cụ thể, nhắm đến đạt sự thuần thục. 

Các em cũng lưu ý một điều quan trọng rằng, trong khi tài năng tự nhiên có thể cho ai đó một sự khởi đầu thuận lợi, nỗ lực một cách kiên trì mới thật sự giúp các em khai mở hết tiềm năng của bản thân. Điều này cũng có nghĩa là năng lực và trí tuệ có thể được cải thiện, phát triển thông qua việc học tập và làm việc thật sự một cách tận tâm.  Cô tin rằng, với sự nỗ lực một cách kiên trì qua từng ngày, một lúc nào đó các em sẽ rất ngạc nhiên khi thấy thành quả mình đạt được.

vlu-dien-van-hieu-truong-le-khai-giang-nam-hoc-2024-2025-d.jpg
Tóm lại, để các em có thể vượt qua hành trình đại học sắp tới một cách mạnh mẽ, đầy hào hứng, các em cần ý thức về mục đích và đam mê của mình trong hành trình này, cùng với ý chí và lòng dũng cảm, và sự nỗ lực một cách kiên trì. 

ĐIỀU THỨ HAI: Các em cần rèn được cho mình một tư duy độc lập và tinh thần phê phán, cùng với thái độ cởi mở đối với mọi việc 

Martin Luther King, nhà hoạt động nhân quyền đoạt giải Nobel có nói rằng“Chức năng của giáo dục là dạy con người biết suy nghĩ sâu sắc và suy nghĩ với tinh thần phê phán. Trí tuệ cộng với tính cách – đó là mục tiêu của nền giáo dục đích thực”. 

Học tập là một quá trình cải biến nhận thức, khai mở trí óc của mình, từ chưa hiểu biết về một vấn đề đến dần hiểu ra một phần nào đó, đến hiểu một cách hoàn toàn. Muốn đạt được điều này, bên cạnh việc tham khảo những thứ có sẵn, các em cần phải tự suy nghĩ để thật sự hiểu, thật sự thấm nhuần vấn đề, tự đúc rút ra kết luận của riêng mình. Các em cần thành thật với chính mình là các em có thật sự hiểu hay không, chỉ có bản thân các em mới biết điều đó. Tư duy độc lập nghĩa là trí não của mình phải thật sự hoạt động, chứ không đơn thuần tin vào ai đó hay những thứ có sẵn. Bằng cách đó, các em sẽ hiểu rõ được bản chất của vấn đề, cho phép mình có thể vận dụng để tự lý giải cho những trường hợp khác. 

Trong quá trình học tập ở đây, bên cạnh việc tiếp thu kiến thức về chuyên môn, về xã hội, các em cần rèn cho mình năng lực tư duy độc lập. Khi đối diện với bất kỳ vấn đề gì thì các em biết cách nhìn nhận, có khả tự phân tích, đặt câu hỏi, đưa ra phán đoán và hướng giải quyết vấn đề dựa trên nền tảng khoa học. Cùng với đó, tinh thần phê phán giúp các em có tính khách quan, không thiên kiến, nhìn thấu được vấn đề như bản chất của nó, chứ không chịu tác động bởi yếu tố xung quanh. Đa số không nhất thiết đồng nghĩa với chân lý. Các em hãy tập thói quen biết dừng lại, suy nghĩ thật kỹ về vấn đề mình đối diện. Đừng vội tin bất kỳ điều gì người khác nói cho đến khi mình thật sự hiểu và cảm thấy được thuyết phục trên cơ sở khoa học của nó.

Trong thời đại ngày nay, chúng ta phải đối diện với một lượng thông tin khổng lồ, lẫn trong đó là rất nhiều thông tin không đúng sự thật, thậm chí rất nguy hại. Tinh thần phê phán tạo cho các em có một sức đề kháng tự nhiên trước những thông tin không có cơ sở khoa học hay phản khoa học. Tinh thần phê phán sẽ giúp các em có một cái nhìn khoa học, cẩn trọng và đầy đủ về xã hội, về thế giới, từ đó có thái độ, phán đoán phù hợp và các quyết định sáng suốt. Rèn được tư duy độc lập và tinh thần phê phán sẽ giúp các em có mộtđầu óc nhạy bén đặc biệt, một óc quan sát tinh tường, và năng lực tự suy xét mọi vấn đề. Với năng lực này, việc học và lĩnh hội tri thức của các em là vô cùng rộng mở, không chỉ giới hạn ở sách vở và bài giảng của Thầy Cô mà còn ở mọi thứ của thế giới xung quanh. Năng lực này sẽ tiếp tục dẫn dắt các em trên hành trình tự khai sáng bản thân và học tập suốt đời của mình

Tư duy độc lập và tinh thần phê phán không có nghĩa là chúng ta không cởi mở và không chấp nhận sự khác biệt. Trái lại, chúng ta chào đón sự đa dạng, sự khác biệt và cái mới trên tinh thần dung hợp, nhân văn. Với óc phê phán, chúng ta luôn cởi mở để học điều hay, điều tiến bộ, điều mới trong sự đang dạng và khác biệt đó, nhưng chúng ta luôn cần đánh giá điều gì hợp lý tới đâu, chứ không phải chạy theo số đông. 

ĐIỀU THỨ BA: Các em chú ý phát triển cho mình một tinh thần xã hội, một tinh thần nhân văn 

Triết lý của Trường Đại học Văn Lang là phát triển con người toàn diện. Mục tiêu của phát triển con người trước hết là con người nhân văn trong xã hội, trước khi là một con người chuyên môn. Như các em biết, sứ mệnh của Nhà trường là đào tạo những con người mang lại tác động tích cực cho xã hội; nghĩa là các em được kỳ vọng cuối cùng sẽ làm được điều có ích cho cộng đồng, vì con người, vì xã hội. Trong ba giá trị cốt lõi của Nhà trường là “Đạo đức – Ý chí – Sáng tạo”, giá trị Đạo đức được đặt lên hàng đầu. 

Trong quá trình họctập trưởng thành ở Văn Lang, các em được vun đắp một tinh thần xã hội, một tinh thần nhân văn ở nhiều khía cạnh: nền tảng đạo đức nói chung, trách nhiệm của một cá nhân trong cộng đồng, tinh thần quan tâm chia sẻ với xã hội, đạo đức nghề nghiệp, các giá trị văn hóa - nghệ thuật dân tộc và quốc tế, thông qua nhiều hoạt động, trải nghiệm, giúp các em phát triển toàn diện, đặc biệt là trưởng thành về mặt xã hội, có một cái nhìn đầy đủ hơn về bản thân và cuộc sống xung quanh. 

Nhà trường khuyến khích và kỳ vọng, ngoài việc học tập, các em tích cực tham gia các hoạt động gắn với tập thể, như các câu lạc bộ về chuyên môn, kỹ năng, thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật, các hoạt động Đoàn Hội, và các sáng kiến phục vụ cộng đồng. Các em cũng nên đi ra khỏi trường và tham gia vào các sự kiện, các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp, kinh tế, văn hóa nghệ thuật,… của địa phương hay thành phố mà các em quan tâm. Cô muốn lưu ý với các em một điều rất quan trọng rằng, con người không thể phát triển toàn diện chỉ với một mình mình mà không có sự tương tác với xã hội. Chỉ có sự tương tác, gắn kết với cộng đồng, từ nhỏ đến lớn, mới có thể giúp mình soi sáng và vượt qua giới hạn của bản thân. 

Các em sinh viên K30 thân mến, 

Trong Lễ khai giảng hôm nay, Cô mong rằng, trên tinh thần của những điều Cô vừa nói, mỗi em hãy xác định rõ mình muốn trở thành người như thế nào khi tốt nghiệp đại học? Những mục tiêu mà các em cần đạt được qua mỗi năm học, qua từng học kỳ là gì? Từ đó xác định cho mình những việc cần phải làm mỗi tuần, mỗi ngày, kể cả mỗi giờ học và hãy có đủ sự dũng cảm và kiên trì để hoàn thành mục tiêu đặt ra. Cô mong rằng khi các em tốt nghiệp, nếu các em nghiệm lại thấy mình đã phát triển vượt bậc thì Nhà trường đã hoàn thành được sứ mệnh của mình. 

Kính thưa Quý vị đại biểu, quý Thầy Cô, các em sinh viên thân mến, 

Lễ khai giảng của các em năm nay, ngoài các thầy cô, các anh chị sinh viên, còn có sự tham dự của lãnh đạo Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HSSV, lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, quý chuyên gia của Đoàn đánh giá ngoài đang thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo của Trường, đại diện cựu sinh viên Văn Lang,… những người luôn quan tâm đến thế hệ sinh viên đàn em. Nhà trường trân trọng cảm ơn các cựu sinh viên và các đơn vị đối tác luôn ủng hộ, đồng hành cùng Nhà trường trong nhiều hoạt động cũng như tạo mọi điều kiện có thể để các thế hệ sinh viên Văn Lang được hòa nhập, trưởng thành.

vlu-dien-van-hieu-truong-le-khai-giang-nam-hoc-2024-2025-e.jpg
Nghi thức đánh trống khai giảng lan tỏa không khí vui tươi, phấn khởi, chào đón Khóa 30 và chào mừng năm học mới 2024 - 2025!

Các em sinh viên thân mến, 

Với những điều kiện mà gia đình, Nhà trường và cộng đồng đã dành cho các em, Nhà trường tin tưởng rằng các em sẽ thiết kế được cho mình một hành trình đại học thú vị và ý nghĩa tại Văn Lang. Hãy tận dụng từng khoảnh khắc trong quãng đời đại học để rèn bản thân trở thành những con người có trách nhiệm với chính mình, với gia đình và xã hội. Chúc các em thành công trên hành trình đầy ý nghĩa này! 

Kính chúc Quý vị đại biểu, Quý Thầy Cô và các em sinh viên luôn dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.

Cảm ơn Quý Thầy Cô Ban tổ chức và các em sinh viên tình nguyện đã tổ chức Lễ Khai giảng rất trang trọng. 

Thay mặt lãnh đạo Nhà trường, tôi tuyên bố Khai giảng năm học thứ 30 của Trường Đại học Văn Lang

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu  
Thành viên Hội đồng Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang

Thẻ