Dự án “Khả năng chống chịu đô thị trong nông nghiệp thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương Quốc Anh”

Tác Giả
Gia Hân
Ngày
16/01/2022(807 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Ngày 17/01/2022, Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng công ty Khang Thịnh và Hội đồng Anh tại Việt Nam khởi động dự án “Khả năng chống chịu đô thị trong nông nghiệp thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương Quốc Anh”, hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững, tác động tích cực đến nền kinh tế và nâng cao ý thức về phát triển bền vững cho người dân nói chung và người trẻ Việt Nam nói riêng.

vlu-du-an-kha-nang-chong-chiu-do-thi-trong-nong-nghiep-a.jpg

Hưởng ứng thông điệp “hành động mạnh mẽ và không chậm trễ” của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa diễn ra vào tháng 11/2021, chiều ngày 17/01/2022, Trường Đại học Văn Lang cùng đối tác Middlesex University (London) và Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh tổ chức Lễ khởi động dự án “Khả năng chống chịu đô thị trong nông nghiệp thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương Quốc Anh” thông qua hình thức trực tuyến. Sự kiện kết nối 03 đơn vị với đại diện British Council (Hội đồng Anh tại Việt Nam) – đơn vị tài trợ chính cho dự án.

Trước tình hình biến đổi khí hậu, dân số toàn cầu gia tăng, diện tích đất canh tác giảm, nhất là các khu vực đô thị và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã gây bất ổn chuỗi cung ứng và tác động đến nền kinh tế nông nghiệp ở các thành phố, mô hình hệ thống trang trại tự động hóa theo chiều đứng sẽ là một dự án rất thiết thực nhằm giúp người dân tiếp cận mô hình canh tác mới, phù hợp với hộ gia đình, nâng cao khả năng tự cung – tự cấp và tăng thu nhập của người dân. Hơn nữa, dự án phù hợp với mục tiêu phát triển chiến lược của Liên hợp quốc về nông nghiệp bền vững, sản xuất có trách nhiệm và giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia.

vlu-du-an-kha-nang-chong-chiu-do-thi-trong-nong-nghiep-b.jpg
Lễ khởi động dự án “Khả năng chống chịu đô thị trong nông nghiệp thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương Quốc Anh”

Bên cạnh sự hợp lực về nhân sự và tài chính của 03 đơn vị thực hiện, dự án lần này nhận được sự ủng hộ khi Hội đồng Anh nâng tổng nguồn quỹ cho dự án lên đến 62,951 bảng Anh. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai trong 27 tháng, được đầu tư áp dụng công nghệ IoT hiện đại và gắn với các hoạt động có sự tham gia của học sinh, sinh viên Việt Nam, nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, tác động tích cực đến nền kinh tế và nâng cao ý thức về phát triển bền vững cho người dân nói chung và người trẻ Việt Nam nói riêng. 

Vụ mùa đầu tiên từ dự án 

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, tháng 10/2022, Trường Đại học Văn Lang đưa vào hoạt động khu vực nhà kính nông nghiệp công nghệ cao tại cơ sở chính và chuẩn bị thu hoạch vụ mùa đầu tiên. Mô hình hiện có quy mô 73m2 và được trang bị hệ thống màng lợp nilon, lưới chống côn trùng, bảo vệ tối đa các loài cây trồng dưới ảnh hưởng của côn trùng, thời tiết. 

vlu-du-an-kha-nang-chong-chiu-do-thi-trong-nong-nghiep-c.jpg
Sản phẩm dấm tre do sinh viên Khoa Công nghệ ứng dụng nghiên cứu và sản xuất cũng được sử dụng vào dự án.

TS. Vũ Thị Quyền - Trưởng bộ môn Công nghệ Sinh học chia sẻ: “Mô hình nhà kính đang được bố trí các khu vực canh tác riêng biệt, áp dụng trồng thủy canh các giống cây trồng như: xà lách, cải bẹ xanh, cải ngọt, dưa lưới,...  và trang bị hệ thống bón phân, tưới cây tự động. Trong thời gian tới, nhà kính sẽ tiếp tục được mở rộng và cải tiến, giúp sinh viên các ngành Công nghệ Sinh học, Nông nghiệp Công nghệ cao có cơ hội ứng dụng những kiến thức đã học trên lớp vào thực tế. Các thành viên của dự án và sinh viên của Khoa sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sản lượng và chất lượng để khắc phục những hạn chế còn gặp phải, tiếp tục thử nghiệm với các giống mới và áp dụng các nguyên vật liệu gần gũi với thiên nhiên thay thế cho vật liệu nhựa hiện tại.”

vlu-du-an-kha-nang-chong-chiu-do-thi-trong-nong-nghiep-d.jpg
Trong vụ mùa đầu tiên các loại cây trồng phát triển khá tốt và sẽ được thu hoạch bởi chính sinh viên Khoa Công nghệ Ứng dụng Trường Đại học Văn Lang.

Được biết, Dự án hiện cũng đang triển khai tại Middlesex University (London) với mô hình tương tự. Trong tương lai, các chuyên gia của hai trường sẽ tiếp tục trao đổi và có những buổi gặp gỡ đánh giá dự án trực tiếp tại Việt Nam và Vương Quốc Anh. 

Hội thảo “Phát triển mô hình nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu”

Hội thảo là một trong những buổi giao lưu, trao đổi kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học thuộc Đại học Middlesex (Vương Quốc Anh) và Trường Đại học Văn Lang đồng tham gia vào dự án “Khả năng chống chịu đô thị trong nông nghiệp thông qua hệ thống canh tác theo chiều đứng tự động ở Việt Nam và Vương quốc Anh”. Đến tháng 4/2023, dự án đã hoàn thành 05 mục chính yếu và đang tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại theo hoạch định.

ThS. Bùi Phạm Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết, đội ngũ nghiên cứu mong muốn giới thiệu đến các đơn vị quản lý, nhà giáo dục và các doanh nghiệp những mô hình canh tác theo chiều thẳng đứng phù hợp với thực trạng xã hội, từ đó nhân rộng và nâng cao nhận thức của người dân về việc phát huy quỹ không gian sẵn có trong cộng đồng, hộ gia đình, hướng đến tương lai phát triển nông nghiệp đô thị, xanh hóa đô thị.

GS. Nguyễn Xuân Huấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bản sao số, Đại học Middlesex (Vương quốc Anh) đã chia sẻ những hình ảnh ghi nhận giai đoạn đầu phát triển dự án. Giáo sư cho biết: “Nằm trong khuôn khổ Global Partnership Program do Hội đồng Anh chủ trì tài trợ, dự án này là một điểm nhấn có phần khác biệt so với các dự án thuộc chương trình bởi nó tập trung cụ thể vào yếu tố áp dụng kỹ thuật công nghệ vào nông nghiệp. Trước sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua đối với sản lượng cung cấp nông nghiệp, chúng tôi hướng đến việc phát triển kỹ thuật công nghệ số nhằm cải thiện tình hình cung cấp và sản xuất sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng đang sinh sống ở các khu vực đô thị Việt Nam.”

vlu-du-an-kha-nang-chong-chiu-do-thi-trong-nong-nghiep-e.jpg

Sau quá trình tìm hiểu và phát hiện hơn 90% đất canh tác, trồng trọt ở thành phố đang trong tình trạng suy thoái, mất cân bằng dinh dưỡng, trong khi số lượng người dân đang sinh sống và làm việc tại Tp. HCM lại hơn 10 triệu người, có nhu cầu sử dụng rau củ quả lên đến mức 4 nghìn tấn chưa kể lương thực khác, TS. Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học Trường Đại học Văn Lang cho rằng đây là mối lo cần được tìm hiểu chuyên sâu và giải quyết triệt để. Trước bài toán về đất đai canh tác và nguồn cung không đủ cầu của thành phố, TS. Vũ Thị Quyền cùng đội ngũ nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp trồng rau sạch ngay tại ban công, sân thượng, khu vực giếng trời,... áp dụng một số phương pháp đơn giản, có thể thực hiện tại gia để người dân an tâm triển khai mô hình canh tác rau củ quả sạch tại nhà.

Ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tp. HCM cho biết, với mạng lưới liên kết các đơn vị trung ương, địa phương, các viện nghiên cứu, các trường đại học và doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Tp. HCM có thể thực hiện nhiệm vụ là cầu nối, hỗ trợ giới thiệu và đưa công nghệ phù hợp với điều kiện sản xuất tiếp cận đối tượng, phổ cập và tăng cường khả năng cải thiện nông nghiệp hiệu quả tại Tp.HCM. Ông cũng khuyến khích các đơn vị tập trung vào mô hình nông nghiệp đô thị phát triển theo nền kinh tế tuần hoàn, giảm lượng rác thải cacbon, nhằm đáp ứng được điều kiện phát triển của Tp.HCM.

Tham dự buổi hội thảo, anh Lê Nhật Duy, hiện đang công tác tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Tp.HCM đã mang đến cho người tham dự những trải nghiệm mới mẻ về mô hình nông trại thẳng đứng áp dụng công nghệ hiện đại. Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thành, đến từ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Gia Phát trình bày nội dung “Phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị với mô hình sản xuất thủy canh: Thuận lợi và thách thức”, chia sẻ các phương pháp mang lại hiệu quả cao, đơn giản để thực hiện tại nhà, đồng thời chỉ ra những thuận lợi và khó khăn khi vận hành hệ thống nhà kính. Từ đó, anh Thành cũng đưa ra những khuyến nghị và lời khuyên hữu ích cho các bạn sinh viên có dự định hoặc mong muốn khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp này.

vlu-du-an-kha-nang-chong-chiu-do-thi-trong-nong-nghiep-f.jpg

Sau quá trình lắng nghe chia sẻ về tiến độ thực hiện và thảo luận kết quả chi tiết các dự án, đoàn ghé thăm khu vực nhà kính nông nghiệp công nghệ cao tại cơ sở chính Trường Đại học Văn Lang đã được Nhà trường, Hội đồng Anh tại Việt Nam, Đại học Middlesex, công ty CP ĐT NN - XD Thép Tiên Phong triển khai thực hiện và chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 10/2022. Dự án dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai đến tháng 3/2024.

Tin: Gia Hân
Ảnh: VLU Communication Team

Thẻ