Thể hiện trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, của các nhà khoa học đối với những vấn đề lớn của đất nước, của xã hội và nhân dân, nằm trong chương trình hợp tác chuyên môn, học thuật đã được ký kết, sáng ngày 07/10/2023, Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp tổ chức Hội thảo ”Góp ý dự thảo luật bảo hiểm xã hội”, diễn ra tại Cơ sở chính Trường Đại học Văn Lang.
Bảo hiểm xã hội là một công cụ hết sức quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội; là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Luật Bảo hiểm xã hội vì thế có tác động sâu rộng đến đời sống của người dân, của toàn xã hội và luôn được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Ở Việt Nam, sau 08 năm áp dụng, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ một số điểm bất cập, không còn phù hợp. Vì vậy, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, chủ trì, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân, soạn thảo dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 - Quốc hội Khóa XV.
“Góp ý Dự thảo Luật bảo hiểm xã hội” được xem là diễn đàn có giá trị, quy tụ hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp và gián tiếp, bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn liên quan đến lĩnh vực Luật bảo hiểm xã hội tại các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng tổ chức lao động quốc tế - ILO Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM và một số tỉnh khu vực phía Nam. Hội thảo góp phần xây dựng nguồn tài liệu khoa học phục vụ cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu của hai cơ sở đào tạo luật tại Trường Đại học Văn Lang và Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam nói chung, đồng thời cũng là cơ hội giúp sinh viên Khoa Luật được lắng nghe, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ các chia sẻ chuyên môn, khoa học của các chuyên gia.
Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết: “Hội thảo ”Góp ý dự thảo luật bảo hiểm xã hội” đặt mục tiêu tạo một diễn đàn cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, những người làm công tác thực tiễn liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, học viên, sinh viên quan tâm thảo luận, đề xuất ý kiến, quan điểm có luận cứ khoa học, có đúc kết thực tiễn, góp ý với Nhà nước xem xét, sửa đổi một số nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Sắp tới đây, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Do vậy, những tham luận, thảo luận ngày hôm nay sẽ có ý nghĩa rất thiệt thực nếu như có thể đưa ra được các góp ý xác đáng, giúp cho việc hoàn thiện đạo Luật quan trọng này, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và an sinh xã hội.”
PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, hội thảo có tính chất quan trọng, mật thiết và gần gũi với mọi công dân Việt Nam. Với tư cách là công dân và là người đang thụ hưởng, tất cả chúng ta đều có liên quan đến quyền và nghĩa vụ được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội. Chính vì vậy, việc cùng nhau đóng góp để hoàn thiện Dự thảo là điều hết sức cần thiết. Hội thảo cũng thể hiện sự kết nối giữa trường đại học công lập và trường đại học tư thục trong ngành Luật, cùng nhau thể hiện trách nhiệm xã hội của hai cơ sở bên cạnh việc đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học.
Hội thảo được chia làm hai phiên với 18 tham luận từ các chuyên gia, trong đó có 09 tham luận được báo cáo trực tiếp. Tại phiên đầu tiên của hội thảo, các báo cáo viên đã chỉ ra những mặt hạn chế và các bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội, đưa ra những kiến nghị, những phương pháp sửa đổi thích đáng, kịp thời để có thể đảm bảo an sinh không chỉ cho người dân lao động Việt Nam mà còn phù hợp với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Chia sẻ trong tham luận “Quan điểm , định hướng sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội năm 2014” , ThS. Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội khẳng định: “Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sắp tới cần thể chế hóa được một số vấn đề lớn như: Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội hướng tới Bảo hiểm xã hội toàn dân; đảm bảo mức lương hưu thỏa đáng; đảm bảo tính bền vững quỹ Bảo hiểm xã hội; nâng cao tính hiệu quả trong quản lý nhà nước về Bảo hiểm xã hội; củng cố niềm tin của người dân đối với chính sách Bảo hiểm xã hội.”
Trong khuôn khổ thảo luận giữa các chuyên gia, TS. Nguyễn Hoàng Hà - Đại diện văn phòng ILO Việt Nam chỉ ra những khoảng trống trong chính sách Bảo hiểm xã hội hiện hành của Việt Nam so với yêu cầu Công ước số 102. Đồng thời, Tiến sĩ cũng đưa ra cụ thể 10 đề xuất cụ thể liên quan đến Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2023, nhằm phục vụ mục tiêu sửa đổi căn bản, toàn diện Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.
Chế độ ốm đau là một trong những nội dung được quan tâm rất nhiều khi tham gia bảo hiểm xã hội. Qua thời gian nghiên cứu, xem xét, PGS. TS. Trần Thị Thúy Lâm - Trường Đại học Luật Hà Nội phân tích và kết luận: “Chế độ ốm đau theo luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 mặc dù còn có một số tồn tại hạn chế nhưng về cơ bản đã phù hợp với pháp luật quốc tế và điều kiện xã hội ở Việt Nam. Những sửa đổi trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được xuất phát từ những tồn tại vướng mắc trên thực tế nên về cơ bản là hợp lý.” Tuy nhiên, PGS. TS cũng chỉ ra một số vấn đề chưa được chỉnh sửa trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, mong muốn rằng các nhà làm luật sẽ có sự cân nhắc trong quá trình Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.
Về vấn đề liên quan đến chế độ tử tuất áp dụng đối với người tham gia BHXH tự nguyện, TS. Lê Minh Thái - Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang nhận định sự kế thừa Luật Bảo hiểm xã hội phù hợp vì mức đóng góp của người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc có tính chất ổn định và cơ bản là cao hơn so với Bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy vậy, một số quy định về Bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng sử dụng thuật ngữ chung là Bảo hiểm xã hội (không phân định rõ Bảo hiểm xã hội tự nguyện và Bảo hiểm xã hội bắt buộc) gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Từ đó, TS. Lê Minh Thái đưa ra kiến nghị ban biên soạn cần chuyển đổi nội dung để phù hợp và dễ hiểu hơn.
09 tham luận được trình bày trực tiếp tại hội thảo
|
Với sự tham gia đầy đủ, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp hướng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, người lao động liên quan đến nhiều nhóm vấn đề được quan tâm hiện nay như: Chế độ tử tuất; chế độ ốm đau; chế độ thai sản; vấn đề về trợ cấp hưu trí xã hội; tai nạn lao động; góp ý xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, qua đó, góp phần để dự thảo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi ngày càng hoàn thiện chặt chẽ và có tính khả thi cao.
Hội thảo cung cấp cái nhìn đa chiều về các chế độ trong Luật Bảo hiểm xã hội, cung cấp các thông tin cần thiết cho quá trình hoàn thiện và đưa ra quyết định cuối cùng về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội. Điều này giúp tăng tính công bằng và hiệu quả của luật, đảm bảo rằng nó phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của xã hội. Kết quả của Hội thảo sẽ được chọn lọc, tổng hợp gửi đến Ủy ban Pháp luật, Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh để đóng góp ý kiến sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Dựa trên nền tảng của khoa Luật thành lập năm 1995, tháng 6 năm 2017, Trường Đại học Văn Lang bắt đầu tuyển sinh trở lại. Đến nay, Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang được biết đến là địa chỉ uy tín trong nước về đào tạo ngành Luật và Luật kinh tế ở các hệ đào tạo cử nhân, hệ văn bằng 2 và hệ thạc sĩ chính quy. Các cử nhân tốt nghiệp ngành Luật và Luật kinh tế tại VLU đã bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực pháp luật, phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước ở thời kỳ mới.
Tin: Phương Trinh
Ảnh: Minh Trí
Thẻ
Gửi thất bại