Nhằm tạo điều kiện giúp Thầy Cô tìm hiểu, thảo luận về các quy định công bố khoa học, tạp chí khoa học và nhà xuất bản uy tín. Ngày 28/03/2024, Phòng Phát triển Nghiên cứu Khoa học Trường Đại học Văn Lang tổ chức workshop “Xếp Hạng Tạp Chí Khoa Học Và Cách Tìm Kiếm Tạp Chí Và Nhà Xuất Bản Uy Tín”.
TS. Lê Văn Út cho biết, nhắc đến hệ thống tạp chí khoa học nổi tiếng trên thế giới, không thể nào không nhắc đến Web of Science (WoS) và Scopus - hai gã khổng lồ của dữ liệu công bố, đồng thời cũng là cơ sở dữ liệu lớn nhất hiện nay về tạp chí khoa học, hội nghị, sách, sáng chế, thông tin nhà xuất bản, thông tin trường/viện, thông tin tác giả,…
WoS chú trọng nhiều vào danh tiếng của tạp chí thông qua sự minh bạch các thông tin về nhà xuất bản, mã số ISSN, ngôn ngữ, ban biên tập, chức năng website, quy trình phản biện, chất lượng học thuật, các tiêu chí về mức độ ảnh hưởng của công bố (có 28 tiêu chí được xét). Trong khi đó, Scopus chủ yếu tập trung vào chất lượng công bố dựa trên sáu tiêu chí như tự trích dẫn, tổng trích dẫn, điểm trích dẫn, số lượng bài báo, số lượng đọc toàn văn, và số lượng tóm tắt được sử dụng.
“Đối với cơ quan chủ quản, ban biên tập của các tạp chí kém chất lượng thường sẽ kém uy tín, ít có tên tuổi trên thế giới. Thông tin về cơ quan chủ quản thường không rõ ràng, không sử dụng địa chỉ email chính thống mà lại sử dụng các dịch vụ email miễn phí như gmail, yahoo, hotmail,…Về quy trình bình duyệt, nếu thời gian bình duyệt nhanh một cách bất thường cũng là một dấu hiệu cho thấy tạp chí kém chất lượng, nội dung bình duyệt sơ sài, không có tính logic, khoa học, thường xuyên gửi spam email đến kêu gọi nộp bài, không có chỉ số ISSN và DOI… Bên cạnh đó, các tạp chí khoa học không nằm trong danh sách WoS/Scopus thường không đạt chuẩn chất lượng, trừ khi đó là những tạp chí mới được thành lập, có ban biên tập đáng tin cậy hoặc được quản lý bởi các tổ chức danh tiếng, nhưng chưa đăng ký với những cơ sở dữ liệu trên vì một số lý do.” - Tiến sĩ cho biết.
Về xếp hạng các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới, TS. Lê Văn Út chia sẻ về hai nền tảng tổ chức xếp hạng tạp chí khoa học uy tín trên thế giới: SCImango và Clarivate. SCImago là một tổ chức nghiên cứu chuyên phân tích và đánh giá thông tin khoa học. Họ sử dụng cơ sở dữ liệu Scopus để xếp hạng các tạp chí khoa học và cơ sở nghiên cứu thông qua chỉ số SJR (SCImago Journal Rank). Trong khi đó, Clarivate cung cấp thông tin và dịch vụ chuyên sâu cho các hoạt động nghiên cứu và đổi mới. Họ quản lý cơ sở dữ liệu Web of Science, một trong những nguồn thông tin khoa học và học thuật hàng đầu thế giới. Clarivate cũng cung cấp chỉ số ảnh hưởng IF (Impact Factor) để đánh giá tác động của các tạp chí khoa học.
Mặc dù được cân đo và đánh giá xếp hạng một cách kỹ càng, tuy nhiên có những việc phát sinh thêm như tạp chí khối ngành xã hội có H-index thấp do trích dẫn thấp nhưng vẫn có uy tín vẫn là điều có thể xảy ra. Để có được sự cân bằng giữa các khối ngành, TS. Lê Văn Út đã đưa ra hướng giải pháp “Xếp hạng tạp chí theo hướng xuyên liên ngành”. Điều này không chỉ hỗ trợ việc mất cân bằng giữa khối ngành mà còn nâng cao chất lượng nghiên cứu và có tỷ lệ xếp hạng khách quan hơn.
Một số cách để phân biệt những tạp chí uy tín được xếp hạng bởi WoS/Scopus cũng được diễn giả đề cập như chọn những nhà xuất bản có thương hiệu hay các đại học thuộc Top 1000 thế giới xuất hiện trong bảng xếp hạng đại học uy tín như SCImago, ARWU, THE, US News, QS (gọi chung là SATUQ), hoặc các tập đoàn xuất bản lâu đời như: Springer, Elsevier,…
Những chia sẻ của TS. Lê Văn Út về xếp hạng tạp chí khoa học sẽ giúp cán bộ giảng viên Trường Đại học Văn Lang có định hướng rõ ràng cho việc xuất bản các bài báo khoa học của bản thân, thuận lợi gặt hái trái ngọt trên con đường nghiên cứu học thuật.
Tin: Trung Trực
Hình: Khánh Thịnh - Lê Hoàng
Thẻ
Gửi thất bại