“Em không “tha hóa” nhưng Hóa quyết không tha em” - Đó là lời tâm sự dí dỏm của cô bạn Trần Yến Nhi (Đồng Nai) khi quyết định chọn học ngành Công nghệ Kỹ thuật Môi trường tại Trường Đại học Văn Lang.
Trần Yến Nhi là thí sinh tự do, từng theo học một trường cao đẳng tại tỉnh Đồng Nai. Trong một lần thực tập tại nhà máy nước thải khu công nghiệp 6 Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Nhi có dịp tiếp xúc và gặp gỡ các anh chị đang công tác tại Công ty TNHH Xử lý chất thải công nghiệp và Tư vấn môi trường Văn Lang đang thực hiện công trình tại đây, đồng thời cũng là những cựu sinh viên Khoa Môi trường Trường Đại học Văn Lang. Quá trình gặp gỡ, trao đổi ngắn cùng anh chị đã đủ để hình thành ấn tượng đầu tiên tích cực trong Yến Nhi về cộng đồng Môi trường Văn Lang, ấp ủ sự tò mò và mong muốn trở thành một phần của cộng đồng giàu kết nối, nhiều yêu thương ấy trong cô bạn.
“Em vốn không thích Hóa nên khá băn khoăn khi Công nghệ Kỹ thuật Môi trường là một ngành học liên quan gần như toàn bộ về Hóa. Có lẽ đây là cái duyên, em không “tha hóa” nhưng Hóa quyết không tha em. Hơn nữa, em còn nhận được sự động viên của thầy giáo dạy môn Kỹ thuật nên quyết định theo đuổi ngành học này tại Văn Lang.” - Yến Nhi chia sẻ.
Hiểu ngành học, chọn Văn Lang
Khác với các bạn thí sinh vừa tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, quá trình trải nghiệm ít nhiều giúp Yến Nhi có góc nhìn khá thực tế khi quyết định dấn thân vào một ngành học mới. Theo Yến Nhi, các bạn nam thường chiếm ưu thế hơn khi theo học khối ngành kỹ thuật. Đặc biệt, một số công tác trong lĩnh vực môi trường đòi hỏi người làm phải tiếp xúc thường xuyên với hóa chất, thường xuyên đi thực địa,... đây cũng là một trở ngại cho phái nữ khi bắt đầu tìm hiểu và quyết định theo đuổi ngành học.
Đối với Yến Nhi, quá trình tiếp xúc trực tiếp với nhiều anh chị đã và đang công tác trong lĩnh vực môi trường đã giúp bạn nhận ra lĩnh vực này có nhiều điều thú vị, gần sát với thực tiễn và rất nhiều nhánh phát triển khác nhau. Cô bạn hoàn toàn có thể trở thành những nhà tư vấn môi trường, nhà quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp, các tổ chức môi trường trong khu vực.
Yến Nhi cho biết ban đầu gia đình chưa hiểu rõ về ngành học này nên còn nhiều e ngại. Đích thân Yến Nhi đã tìm hiểu và giải thích cho bố mẹ về môi trường học, chương trình học và cơ hội phát triển của ngành nghề để gia đình yên tâm hơn: “Em đã trò chuyện để gia đình hiểu rằng ngành học này có khả năng áp dụng thực tiễn tốt, tỷ lệ có việc làm hàng năm đều cao mà áp lực cạnh tranh không nhiều. Có lẽ vì trông thấy em quyết tâm quá nên bố mẹ cuối cùng cũng đồng ý thuận theo.”
Không ít lần nhìn hình ảnh các bạn sinh viên Văn Lang được thực hành trong phòng thí nghiệm, tham gia các kỳ thực tập tại nhà máy, doanh nghiệp, Yến Nhi mường tượng bản thân cũng đang đứng trong các lab nghiên cứu, nuôi cấy vi sinh, lấy mẫu nước ô nhiễm rồi quan sát vi sinh,... tất cả đều khiến cô bạn háo hức và mong chờ kỳ học đầu tiên của mình tại Văn Lang mau chóng đến.
Đến với Văn Lang vì sở thích, đam mê
Bên cạnh công việc học tập thường nhật, Yến Nhi còn đam mê âm nhạc, nhảy múa và đặc biệt yêu thích cosplay các nhân vật trong truyện tranh Nhật Bản. Cô bạn cũng từng tham gia cuộc thi ảnh Cosplay của SHIN Club - một câu lạc bộ dành cho cộng đồng sinh viên có chung niềm đam mê văn hóa, truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản tại Trường Đại học Văn Lang.
Yến Nhi tin tưởng môi trường học tập năng động, tôn trọng cá tính, sự sáng tạo của Văn Lang sẽ giúp đời sống sinh viên thêm nhiều niềm vui và gắn kết hơn. “Em nghĩ dù ngành học có khô khan nhưng các hoạt động ngoại khóa năng nổ sẽ giúp quãng thời gian đại học của chúng em luôn tươi mới, không bao giờ nhàm chán.” - Yến Nhi cho biết.
Nhiều kỳ vọng cho ngành học mới, ngôi trường mới, Yến Nhi đã sẵn sàng trở thành một phần của đại gia đình Môi trường Văn Lang. Cô bạn nhấn mạnh: “Gen Z chúng em không sợ cực mà chỉ sợ ngày ra trường vẫn mất định hướng. Em muốn được trải nghiệm thật nhiều trong quá trình học. Tuy xuất phát điểm có phần trễ hơn các bạn bởi hơn 22 tuổi, em mới bắt đầu hành trình đại học nhưng em nghĩ mọi thứ mình đạt được đều có 10% thiên phú, 80% nỗ lực và 10% may mắn. Em chắc chắn bản thân sẽ nỗ lực hết mình để không thua kém các bạn bè cùng học.”
Tin: Hoài Anh
Hình ảnh: nhân vật cung cấp
Thẻ
Gửi thất bại