Ngày 15/09/2023, Trường Đại học Văn Lang tổ chức sự kiện Công nghệ và Giáo dục “Technology in Education: Application and transformation perspectives” với sự tham gia của các chuyên gia tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục trên thế giới. Trong khuôn khổ sự kiện, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang trình bày hành trình chuyển đổi số của Văn Lang, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của trường.
Trong 03 năm đại dịch Covid-19, câu chuyện về ứng dụng công nghệ nói chung và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục nói riêng được thảo luận một cách sâu rộng trên khắp thế giới. Đặc biệt, sự xuất hiện của một số công nghệ mới mang tính đột phá mà trước đây chúng ta chưa thể hình dung ra làm chúng ta phải nhìn lại để định hình tương lai sắp tới sẽ như thế nào.
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: “Những ngày đầu sử dụng công nghệ, những ngày đầu thay đổi là thời điểm vô cùng khó khăn, Văn Lang đã đặt ra nhiều chính sách, tạo điều kiện cho Thầy Cô và sinh viên tiếp cận, làm quen và sử dụng thuần thục các ứng dụng công nghệ mà Văn Lang đưa vào trong chương trình giảng dạy”.
Chia sẻ về hành trình chuyển đổi số trong giáo dục của Văn Lang, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu cho biết: “Năm 2008, Trường Đại học Văn Lang hợp tác cùng trường Đại học Canergie Mellon (Mỹ) - đại học hàng đầu thế giới về Khoa học Máy tính, với mong muốn đào tạo một số môn học cho sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm theo chương trình, phương pháp mà CMU đào tạo. Cũng trong năm 2008, Văn Lang bắt đầu triển khai các khóa học trên Moodle cho sinh viên trong việc đào tạo sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm. Đây là một trong những cột mốc quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục tại Trường Đại học Văn Lang”.
Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trường Đại học Văn Lang đã áp dụng phần mềm giảng dạy trực tuyến Microsoft MS Teams và E-learning, giúp sinh viên hoàn thành chương trình học của mình một cách thuận tiện. Đại dịch Covid-19 mang đến nhiều thách thức cho xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục nhưng đó là điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra một cách mạnh mẽ.
Từ năm 2021, Bộ Giáo dục & Đào tạo đồng ý đề xuất thí điểm xây dựng Trường Đại học Văn Lang trở thành đại học số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu, quản lý và vận hành, phát triển đội ngũ... Văn Lang đã bước đầu thiết lập một nền tảng trên cơ sở số hóa cho công tác quản lý vận hành với CRM, ERP, bộ công cụ Microsoft 365, hoàn thiện hệ thống LMS và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong đào tạo, giảng dạy cho sinh viên 07 khối ngành: Luật – Xã hội Nhân văn – Truyền thông, Thiết kế & Nghệ thuật, Kiến trúc, Kinh doanh & Quản lý, Khoa học Sức Khỏe, Du lịch và khối ngành Kỹ thuật & Công nghệ.
Trong công tác tuyển sinh và chăm sóc người học, Nhà trường ứng dụng các mô-đun của phần mềm UIS và bộ công cụ do Microsoft cung cấp để quản lý, đo lường và theo dõi thông tin toàn bộ sinh viên từ lúc nhập học đến khi tốt nghiệp. Hệ thống cũng cho phép bộ phận chăm sóc người học có thể theo dõi tình trạng học tập của nhóm sinh viên dân tộc thiểu số, sinh viên nữ, sinh viên có thu nhập thấp và sinh viên khuyết tật để kịp thời xây dựng những chính sách hỗ trợ và đồng hành. Đặc biệt, phân hệ quản lý hỗ trợ tài chính đã được tích hợp trong phần mềm để trong từng học kỳ, Nhà trường áp dụng miễn/giảm học phí từ 15%-30% cho nhóm đối tượng sinh viên mồ côi cha mẹ, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên thuộc dân tộc thiểu số, sinh viên khuyết tật,…
Tại sự kiện, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu chia sẻ đến cộng đồng Văn Lang bài viết của tỷ phú Bill Gates (chủ tịch tập đoàn Microsoft) về nhận định thời đại của Trí tuệ nhân tạo AI bắt đầu. AI mang đến một cuộc cách mạng về công nghệ như thời điểm xuất hiện điện thoại cầm tay, mạng Internet. Trong đó, tỷ phú Bill Gates có một cái nhìn lạc quan về AI khi tin rằng AI sẽ có ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực trên toàn thế giới.
Trong lĩnh vực giáo dục, Bill Gates cho rằng AI sẽ cách mạng quá trình đào tạo thông qua cá nhân hóa việc học, hỗ trợ giảng viên trong quá trình giảng dạy và quản lý công việc, cũng như thúc đẩy thu hẹp bất bình đẳng về giáo dục đặc biệt ở các nước đang phát triển. Vào tháng 06/2023, Liên Hiệp quốc đã họp bàn chính thức về một khuôn khổ pháp lý để AI thật sự mang lại tác động tích cực cho phát triển. Tháng 09/2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO) đã ra kêu gọi việc quản lý việc sử dụng AI trong trường học, đánh dấu công nghệ AI thật sự đã trở thành một phần của đời sống xã hội.
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu cho biết: “Trường Đại học Văn Lang luôn mong muốn là đơn vị tiên phong trong giáo dục ứng dụng các công nghệ mới để thay đổi phương pháp dạy và học, tăng cường trải nghiệm cho sinh viên và đổi mới phương pháp quản lý vận hành đào tạo, tạo ra những giá trị mới trên nền tảng của chuyển đổi số.
Chúng tôi mong muốn mang lại những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng Văn Lang cũng như cho xã hội thông qua việc ứng dụng công nghệ. Chúng tôi cũng không ngừng nỗ lực để đào tạo người học có năng lực, phẩm chất thích nghi, đáp ứng với những biến đổi không ngừng trên thế giới hiện nay do công nghệ mang đến. Và chúng tôi kiên định trong việc xây dựng một môi trường học thuật xuất sắc, là cái nôi để phát triển những công nghệ mới cho tương lai. Song song đó, Trường Đại học Văn Lang sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cùng các tổ chức, để chia sẻ, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của đất nước”.
Hành trình chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang mang lại những tác động tích cực không chỉ trong đào tạo, giảng dạy mà còn trong việc quản lý, giám sát, vận hành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Nhà trường, là tiền đề cho việc chuyển đổi số một cách toàn diện tại Văn Lang. Chuyển đổi số vẫn sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển, gắn với sứ mệnh đào tạo những con người phát triển toàn diện, học tập suốt đời và mang lại tác động tích cực cho xã hội.
Xem video Dấu ấn chuyển đổi số của Trường Đại học Văn Lang
Nam Vương (Tổng hợp)
Thẻ
Gửi thất bại