Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” và những đề xuất thiết thực

Tác Giả
Thanh Tâm
Ngày
24/05/2024(523 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Ngày 25/05/2024, Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang tổ chức hội thảo “Hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”. Sự kiện đã tạo diễn đàn cho các giảng viên trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học cùng sinh viên khối ngành Luật cùng tham gia nghiên cứu, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm.

Ngày nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trở thành một xu thế tất yếu. Trong xu thế đó, quá trình hội nhập của Việt Nam vừa mang lại cơ hội phát triển, lại vừa tạo ra những thách thức, đòi hỏi chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở tiếp thu chuẩn mực pháp luật quốc tế và vẫn giữ gìn, phát huy các giá trị đã được kiểm nghiệm của pháp luật Việt Nam qua nhiều thời kỳ.

Hội thảo đã nhận được 32 bài tham luận từ các giảng viên trẻ, học viên, sinh viên đang học tập và làm việc tại nhiều cơ sở giáo dục đại học có đào tạo luật trong cả nước với nhiều chủ đề liên quan đến lĩnh vực dân sự, thương mại, lao động, hình sự, … Nhiều bài viết có chất lượng chuyên môn cao.

vlu-hoi-thao-“hoan-thien-phap-luat-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap”-a.jpg
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang phát biểu tại hội thảo.

PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: “Ở vị trí của một công dân bình thường, việc hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ về các vấn đề pháp lý luôn là một thử thách. Điều này đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề nâng cao nhận thức về hành lang luật lý cho cộng đồng, đồng thời nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ đổi mới, sáng tạo vào trong thực tiễn. Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” là nền tảng để các nghiên cứu sinh cũng như sinh viên có thể cất những bước đi đầu tiên trong quá trình nghiên cứu, thực hành, tạo dựng những đóng góp tích cực cho cộng đồng.”

vlu-hoi-thao-“hoan-thien-phap-luat-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap”-b.jpg
PGS. TS. Bùi Anh Thủy - Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang chia sẻ những mục tiêu mà Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” hướng đến.

Theo PGS. TS. Bùi Anh Thủy, Trưởng Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang – Trưởng Ban Tổ chức hội thảo, nền kinh tế -xã hội của Việt Nam từ hơn 3 thập kỷ qua đã hội nhập hết sức mạnh mẽ và ngày càng sâu, rộng với đời sống quốc tế. Chính vì thế, để đảm bảo tính phù hợp, tương thích, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, một mặt cần tiếp thu chọn lọc những tinh hoa của pháp luật quốc tế hiện đại, lại đồng thời chú trọng, đảm bảo giữ gìn những giá trị cốt lõi, phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Tại hội thảo, ThS. Trần Thiên Trang - giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang đã trình bày tham luận “Tính pháp lý của chữ ký điện tử trong hợp đồng điện - kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và kiến nghị hoàn thiện”. Theo ThS. Trần Thiên Trang, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày một sôi động đã dẫn đến nhu cầu ký kết các hợp đồng điện tử càng cao hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện các giao dịch, ký kết này hiện còn gặp một số khó khăn do hạn chế hạ tầng công nghệ thông tin và sự đảm bảo về mặt pháp lý. Việc chỉ tập trung vào một dạng chữ ký điện tử duy nhất sẽ dễ khiến các dạng ký kết hợp đồng khác như scan chữ ký, sinh trắc học hoặc mã OTP bị bỏ ngỏ. Tham khảo từ các bộ luật hiện hành của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, ThS. Trần Thiên Trang đề xuất các biện pháp, kiến nghị hoàn thiện về tính hợp pháp, tính tự nguyện của chủ thể và cải thiện khả năng theo dõi sát sao các hợp đồng điện tử.

vlu-hoi-thao-“hoan-thien-phap-luat-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap”-c.jpg
ThS. Trần Thiên Trang - giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Văn Lang trình bày tham luận “Tính pháp lý của chữ ký điện tử trong hợp đồng điện - kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và kiến nghị hoàn thiện”.

Bài tham luận “Hoàn thiện pháp luật về phương thức trực tuyến giải quyết tranh chấp thương mại trong thời kỳ hội nhập” của các tác giả Bùi Lê Hiếu và Đinh Lê Quỳnh Như - sinh viên Học viện Tòa án được đánh giá là đề tài mang tính gợi mở các kiến nghị rất đáng chú ý.

Tác giả Bùi Lê Hiếu và Đinh Lê Quỳnh Như đã giới thiệu khái niệm giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR - Online Dispute Resolution) và thực tiễn pháp luật khi thực hiện phương thức giải quyết tranh chấp thương mại trực tuyến trong thời kỳ hội nhập. Theo tác giả Bùi Lê Hiếu, tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh mạng trong kiểm soát xâm nhập bất hợp pháp, kỹ thuật cơ sở hạ tầng còn thiếu sót và chưa có quy định cụ thể.

vlu-hoi-thao-“hoan-thien-phap-luat-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap”-d.jpg
Tác giả Bùi Lê Hiếu đại diện trình bày tham luận “Hoàn thiện pháp luật về phương thức trực tuyến giải quyết tranh chấp thương mại trong thời kỳ hội nhập”.

Các giải pháp hoàn thiện mà bài tham luận hướng tới tập trung chủ yếu vào việc bổ sung, ban hành quy phạm pháp luật chuyên biệt, minh thị trong vấn đề trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tham gia Công ước của Liên hợp quốc về việc sử dụng các giao dịch điện tử trong hợp đồng quốc tế. Ngoài ra, tác giả cũng khẳng định việc phát triển các hình thức giải quyết tranh chấp trực tuyến không đồng nghĩa với việc loại bỏ phương thức giải quyết trực tiếp tại tòa án. Thay vào đó, việc ứng dụng công nghệ, số hóa dữ liệu sẽ là biện pháp hoàn thiện, tăng độ hiệu quả trong quá trình làm việc thực tiễn.

vlu-hoi-thao-“hoan-thien-phap-luat-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap”-e.jpg
Chị Nguyễn Lâm Thanh Trúc - Học viên Cao học trình bày tham luận “Căn cứ hủy phán quyết trọng tài liên quan đến thỏa thuận trọng tài vô hiệu”.
vlu-hoi-thao-“hoan-thien-phap-luat-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap”-f.jpg
Học viên Cao học Trường Đại học Văn Lang, Phan Trúc Duyên trình bày tham luận “Một số vấn đề pháp lý về nhượng quyền thương mại trong thời kỳ hội nhập” .
vlu-hoi-thao-“hoan-thien-phap-luat-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap”-g.jpg
Sinh viên Nguyễn Ngọc Gia Hân, Hoàng Thị Xuân Anh - Khoa Luật VLU trình bày tham luận “Thực trạng pháp luật về ứng dụng blockchain trong kinh doanh bất động sản tại Việt Nam và một số kiến nghị”.

PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh - Trưởng Phòng Phát triển Nghiên cứu khoa học Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: Hội thảo đã mang đến nhiều đề tài thú vị, khai thác các khía cạnh pháp luật tác động trực tiếp đến đời sống xã hội. Các bài tham luận cũng đưa ra những đề xuất thiết thực, tác động đến người trẻ, đào sâu các chủ đề nổi bật để chứng minh năng lực chuyên môn, tiềm năng phát triển của tác giả trong môi trường nghiên cứu học thuật.

vlu-hoi-thao-“hoan-thien-phap-luat-viet-nam-trong-thoi-ky-hoi-nhap”-h.jpg
PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh - Trưởng Phòng Phát triển Nghiên cứu khoa học, Trưởng Khoa Môi trường VLU mong muốn người học sẽ tận dụng các nguồn lực, sự hỗ trợ từ Nhà trường để tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu, dự án và hoạt động tư vấn chuyên môn giàu ý nghĩa trong tương lai.

Với vai trò là đơn vị đào tạo đại học chính quy ngành Luật, Luật Kinh tế, đào tạo Thạc sĩ Luật Kinh tế và Văn bằng 2 ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Văn Lang khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên tận dụng nguồn lực, sự hỗ trợ từ Nhà trường để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, cân nhắc chuyển giao và phát triển thêm nhiều dự án ý nghĩa, các hoạt động tư vấn và chia sẻ thông tin về pháp luật, từ đó góp phần nâng cao ý thức công đồng, nâng cao trình độ chuyên môn.

Tin: Thanh Tâm
Hình: Minh Phú

Thẻ