Hội thảo khoa học đầu tiên về Adam Smith tại Việt Nam: Những tư tưởng vượt thời gian của “Cha đẻ kinh tế học”

Tác Giả
Hoàng Tiên
Ngày
15/12/2023(3134 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Kỷ niệm 300 năm ngày sinh của nhà kinh tế chính trị học - triết học vĩ đại Adam Smith, ngày 16/12/2023, Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo khoa học "Những tư tưởng vượt thời gian của “Cha đẻ kinh tế học”, quy tụ nhiều diễn giả là giáo sư, các nhà nghiên cứu, chuyên gia tên tuổi trong nước và quốc tế.

Adam Smith, một ngôi sao của thời kỳ Khai sáng, được xem là pho trí tuệ khổng lồ với những tư tưởng vượt nhiều thế kỷ, định hình nền tảng của kinh tế, chính trị và xã hội hiện đại. Adam Smith không chỉ đặt nền móng cho lý thuyết kinh tế cổ điển mà còn tạo ra ảnh hưởng sâu sắc, chủ yếu trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường và cải cách kinh tế. Tác phẩm của ông vừa minh chứng cho bức tranh kinh tế - xã hội của quá khứ vừa là nguồn cảm hứng không ngừng, định hình diễn ngôn về kinh tế toàn cầu cho đến ngày nay. 

VLU tổ chức Hội thảo khoa học đầu tiên về Adam Smith tại Việt Nam

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-a.jpg

Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, đã có nhiều sự kiện kỷ niệm ngày sinh Albert Einstein, Max Planck, Galileo Galilei, Charles Darwin, Đại học Humboldt 200 năm, Hạt Higgs, và có nhiều số kỷ yếu khoa học về các danh nhân thế giới, nhưng chưa bao giờ có một hội thảo khoa học về Adam Smith, mà lại là sự kiện quy tụ nhiều nhà khoa học, nghiên cứu như thế!” - TS. Nguyễn Xuân Xanh – nhà nghiên cứu, tác giả, dịch giả nhận định về Hội thảo kỷ niệm 300 năm ngày sinh Adam Smith tại Trường Đại học Văn Lang.

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-b.jpg

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang cho biết: “Sứ mệnh của Trường Đại học Văn Lang, ngoài đào tạo nguồn nhân lực, còn góp phần phát triển xã hội thông qua lan tỏa giá trị học thuật. Là một trong số ít các trường đại học trên thế giới đã tổ chức Hội thảo kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Adam Smith, với Văn Lang đó là niềm vinh dự. Trong hơn 6 tháng chuẩn bị, hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự nhiệt tình của đông đảo các học giả, nhà kinh tế, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đại diện của một số cơ quan nhà nước. Đây cũng là cơ hội đặc biệt cho các bạn trẻ gặp gỡ, lắng nghe các chuyên gia đầu ngành nói về những bài học, tư tưởng vượt thời gian của Adam Smith, đóng góp cho sự hoàn thiện các chính sách phát triển của Việt Nam trong thời đại mới.”

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-c.jpg
GS. Nguyễn Minh Thọ (Đại học nghiên cứu KU Leuven, Bỉ), chủ trì Hội thảo.

Tham dự 2 phiên của Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành – Nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược xúc động chia sẻ: “Hội thảo kỷ niệm 300 Adam Smith: Những tư tưởng vượt thời gian của “Cha đẻ kinh tế học” là ánh sáng hiếm hoi trong dòng chảy lịch sử trăm năm, kể từ khi cái tên Adam Smith du nhập vào giới học thuật nước nhà. Lần đầu tiên người Việt Nam có cơ hội tiếp cận và tham dự một hội thảo quy mô lớn đến như thế!”

Gắn kết gần 500 học giả, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên trong 2 phiên sáng - chiều với 9 tham luận giá trị và nhiều thảo luận thú vị, Hội thảo để lại dư âm và suy ngẫm về ý nghĩa lịch sử của tư tưởng Adam Smith, về sự phù hợp của các ý tưởng của ông trong thời đại mới.

Tư tưởng và di sản của Adam Smith: 3 thế kỷ nhìn lại

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-d.jpg
Các học giả cùng nhau chia sẻ về những tư tưởng vượt thời gian của “cha đẻ kinh tế học” (Từ trái qua: TS. Nguyễn Xuân Xanh – nhà nghiên cứu, tác giả, dịch giả; TS. Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; Nhà báo Hoàng Hải Vân – Nguyên Tổng Thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên; GS. Trần Lê Anh – Giáo sư về Kinh tế và Quản trị, Đại học Lasell)

Trong không gian học thuật, Trường Đại học Văn Lang cùng các chuyên gia đã chia sẻ và thảo luận những kiến thức chuyên sâu về ý nghĩa và ảnh hưởng của các nguyên lý mà Adam Smith đã xác lập, đồng thời khai mở nhiều góc nhìn mới khi ứng dụng các nguyên lý này vào thực tiễn, sự phù hợp của các học thuyết Adam Smith trong thời đại ngày nay, nhận định về tiến trình tiếp nhận Adam Smith tại các quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Thế giới tư tưởng của Adam Smith là một vũ trụ đồ sộ với số lượng tác phẩm cộng lại hơn 2000 trang. Tác phẩm đầu tiên “Lý thuyết về tình cảm đạo đức” được viết năm 1759 được tất cả các học giả của Đức và Pháp khen ngợi. 17 năm sau, khi “Nghiên cứu về bản chất và nguyên nhân của sự thịnh vượng của các quốc gia” (xuất bản năm 1776) ra đời, tác phẩm nhanh chóng trở thành một trong những trước tác nổi bật nhất của thời kỳ Khai sáng. Bộ sách lịch sử và phê bình nền văn minh của cả Châu Âu này cho đến ngày nay vẫn là một tham chiếu căn bản cho các học giả và nhà hoạch định chính sách trên thế giới. Những hiểu biết sâu sắc của Adam Smith về các nguyên tắc của thị trường tự do, phân công lao động và “bàn tay vô hình” tiếp tục ảnh hưởng đến diễn ngôn về kinh tế toàn cầu.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đồng tình lý thuyết về kinh tế của Adam Smith là một hệ thống phức tạp mà nổi bật nhất là lý thuyết kinh tế thị trường tự do. Ông đưa ra mô hình tự do kinh tế, phát huy tự do và sáng tạo của cá nhân, nhà nước đóng vai trò hỗ trợ trên cơ sở pháp luật, cá nhân càng tự do thì xã hội càng thịnh vượng và ngược lại. Giới thương nhân Anh Quốc là một trong những thành phần đầu tiên đón nhận tích cực lý thuyết kinh tế của Adam Smith. Từ việc áp dụng và giới hạn các đặc quyền của giới trọng thương, trong thế kỷ 19, Anh Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia tư bản giàu có nhất thế giới. Đây là nền tảng để các quốc gia khác như Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… học hỏi.

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-e.jpg
Tư tưởng tự do mà Adam Smith hướng đến không phải một xã hội chỉ toàn điều tốt đẹp mà bao gồm cả mặt tốt và mặt xấu, tồn tại trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Xã hội của Adam Smith đòi hỏi tinh thần bao dung và chấp nhận sự khác biệt.” - Nhà báo Hoàng Hải Vân nhấn mạnh.

Hàm ý cho cải cách kinh tế ở Việt Nam

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-f.jpg
Các học giả chia sẻ về định hướng cải cách nền kinh tế ở Việt Nam (Từ trái qua: PGS. TS. Vũ Minh Khương – Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng; PGS. TS. Trần Đình Thiên – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Nguyễn Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương; TS. Lê Đăng Doanh – Chuyên gia Kinh tế, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; GS. Trần Văn Thọ – Đại học Waseda (Tokyo), nguyên thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng; GS. Edmund Malesky – Giáo sư về Kinh tế Chính trị học, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế, Đại học Duke; TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia)

Phiên làm việc buổi chiều tập trung vào những hàm ý của di sản Adam Smith đối với quá trình cải cách hướng tới nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Trong tương quan mối quan hệ giữa tư tưởng Adam Smith, Việt Nam và kinh tế thị trường, GS. Trần Văn Thọ – Đại học Waseda (Tokyo), nguyên thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đề xuất một số giải pháp tăng chất lượng kinh tế thị trường tại Việt Nam như cải cách thị trường đất đai theo hướng thừa nhận quyền sở hữu tư nhân, cải cách thị trường vốn, quan tâm đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm tính phi đối xứng về thông tin, nâng cao đạo đức xã hội và đảm bảo vai trò của nhà nước.

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-g.jpg
“Khác với nhiều nước Đông Á, nhà nước không đóng vai trò có tính chiến lược trong quá trình phát triển tại Việt Nam. Việt Nam thiếu bàn tay hữu hình để thúc đẩy quá trình chuyển dịch kinh tế đi nhanh hơn” - GS. Trần Văn Thọ nhận định.
vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-h.jpg

Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore là những quốc gia Đông Á đã khai thác tối đa sức mạnh của “bàn tay vô hình” và cơ chế thị trường tự do để làm nên kỳ tích phát triển. Nền kinh tế thần kỳ của các quốc gia này là cơ sở để Việt Nam chiêm nghiệm, rút ra một số bài học. PGS. TS. Vũ Minh Khương – Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đưa ra ba ưu tiên cốt lõi trong nỗ lực cải cách: hoàn thiện các thiết chế nền tảng và chính sách, khai phá sức mạnh cộng hưởng giữa chính phủ và thị trường đồng thời kiến tạo điều kiện thúc đẩy sức mạnh thị trường và chuyên môn hóa trong thời đại toàn cầu hóa và phát triển bền vững.

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-i.jpg

TS. Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đề xuất nghiên cứu cải cách thể chế, giám sát bộ máy quyền lực, theo dõi nguồn ngân sách nhà nước đồng thời chuyển sang kinh tế số công khai minh bạch, có sự tham gia giám sát của các hiệp hội chuyên nghiệp. Chiến dịch chống tham nhũng phải được tiếp tục bằng sự giám sát của bộ phận quyền lực.

Với nhiều tham luận giá trị, GS. Nguyễn Minh Thọ cho biết, Hội thảo sẽ phát hành Kỷ yếu vào khoảng tháng 6/2024, tập hợp thêm những cây bút nghiên cứu về “cha đẻ của kinh tế học cổ điển”. Đồng thời trong tương lai, nhóm nghiên cứu nối tiếp các hoạt động bằng cách dịch và giới thiệu các tác phẩm kinh điển, tổ chức các buổi sinh hoạt học thuật chuyên sâu về Adam Smith.

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-j.jpg

Dưới ánh sáng học thuật rực rỡ của tư tưởng Adam Smith, những bài học về lịch sử, kinh tế và đạo đức xã hội đã được bàn luận thẳng thắn và thú vị. Kết nối tri thức nhân loại vào bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội nước nhà, Trường Đại học Văn Lang kỳ vọng sẽ đóng góp những giá trị tri thức thiết thực, có sức ảnh hưởng tích cực cho cộng đồng và xã hội.

Các tham luận tại Hội thảo 300 năm Adam Smith: Những tư tưởng vượt thời gian của Cha đẻ Kinh tế học

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-k.jpg

1/ Tham luận đề dẫn - TS. Nguyễn Xuân Xanh, nhà nghiên cứu, tác giả, và dịch giả 

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-l.jpg

2/ Tư tưởng của Adam Smith qua các thời đại (trực tuyến) - TS. Trần Quốc Hùng, Chuyên gia kinh tế, thành viên không thường trực của Geo Economics Center, Atlantic Council

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-m.jpg

3/ Sự phù hợp của Adam Smith trong thời đại ngày nay - GS. Trần Lê Anh, Giáo sư về kinh tế và quản trị, Đại học Lasell 

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-n.jpg

4/ Sự du nhập tư tưởng và tác phẩm của Adam Smith ở Việt Nam: một số nhận xét ban đầu (trực tuyến) - PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược 

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-o.jpg

5/ Adam Smith, Việt Nam và Kinh tế thị trường - GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, nguyên Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng 

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-p.jpg

6/ Từ tác phẩm “Sự thịnh vượng của các quốc gia” tới các nền kinh tế thần kỳ Đông Á: Một số bài học cho Việt Nam - PGS. TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, nguyên Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng 

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-q.jpg

7/ Lao động, vốn, tổ chức và tăng trưởng: Tại sao tham nhũng có ảnh hưởng? (trực tuyến) - GS. Lê Văn Cường, Giáo sư danh dự Trường Kinh tế Paris 

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-r.jpg

8/ Bàn tay vô hình của tham nhũng: Tại sao các doanh nghiệp hiệu quả hơn lại ít hối lộ? - GS. Edmund Malesky, Giáo sư về kinh tế chính trị học, Giám đốc Trung tâm Phát triển quốc tế, Đại học Duke 

vlu-adam-smith-300-nam-nhin-lai-nhung-tu-tuong-vuot-thoi-gian-cua-cha-de-kinh-te-hoc-s.jpg

9/ Thị trường và cạnh tranh: Góc nhìn truyền thống và trong bối cảnh mới - TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia 

Tin: Hoàng Tiên
Ảnh: Khánh Thịnh, Minh Trí, Dương Minh Phú

Thẻ