Từ ngày 31/3 đến 2/4/2025, Hội thảo Quốc gia “Truyền thông như Xúc tác Phát triển: Việt Nam trong Bối cảnh Toàn cầu” diễn ra tại Trường Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện do Khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang phối hợp tổ chức cùng Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng và Đại học Bournemouth (Vương quốc Anh), quy tụ gần 100 học giả trong và ngoài nước.
Hội thảo Quốc gia “Truyền thông như Xúc tác Phát triển: Việt Nam trong Bối cảnh Toàn cầu” (Communication as Development Catalyst: Vietnam in the Global Context) chính thức khai mạc vào ngày 31/3 tại Hội trường J03.03, Trường Đại học Văn Lang, 69/68 Đặng Thùy Trâm, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh.
Hội thảo nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại học thuật xoay quanh vai trò của truyền thông trong tiến trình phát triển xã hội – đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyển đổi số và sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo. Tại đây, các học giả cùng chia sẻ nghiên cứu, trao đổi sáng kiến và kết nối hợp tác quốc tế về giảng dạy, nghiên cứu và thực hành truyền thông tại Việt Nam.
Buổi khai mạc có sự tham gia của các đại biểu, bao gồm PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang; TS Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực kiêm Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường Đại học Văn Lang; GS Nguyễn Đức An - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học, sức khỏe và dữ liệu truyền thông, ĐH Bournemouth - giám đốc Viện Truyền thông, Văn hoá, Xã hội - Trường Đại học Văn Lang; GS Janice Denegri-Knott, Đại học Bournemouth; PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu – Hiệu phó Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; TS Nguyễn Thanh Hoà – Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển Đổi số TP.HCM; PGS Lê Thị Kim Oanh, PGS Nguyễn Thời Trung và Tiến sĩ Lê Văn Út, Trường ĐH Văn Lang.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - “Tại Việt Nam, những tác động của sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số ảnh hưởng đáng kể đến các khía cạnh xã hội, kinh tế và văn hóa mang tính đặc thù và mạnh mẽ. Với một dân số trẻ, thành thạo công nghệ cùng quá trình số hóa nhanh chóng trên mọi lĩnh vực, đất nước chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng truyền thông ở quy mô chưa từng có. Các nền tảng mạng xã hội không chỉ là công cụ thể hiện bản thân mà còn trở thành phương tiện quan trọng để tham gia vào các vấn đề xã hội, phát triển kinh doanh và thúc đẩy các cuộc thảo luận công khai. Đồng thời, sự ảnh hưởng ngày càng lớn của trí tuệ nhân tạo và các nền tảng số đặt ra những thách thức buộc chúng ta phải suy ngẫm lại về quyền riêng tư dữ liệu, kỹ năng số, đạo đức truyền thông và sự lan truyền của thông tin sai lệch. Những biến động này đang định hình một bối cảnh truyền thông mới – đòi hỏi sự linh hoạt, tư duy phản biện và tinh thần trách nhiệm xã hội cao từ cả các chuyên gia truyền thông lẫn cộng đồng.”
Nhân dịp khai mạc Hội thảo PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu chia sẻ câu nói của Kurt Lewin: “Không có nghiên cứu nào mà không đi kèm hành động, không có hành động nào mà không dựa trên nghiên cứu”. Trong thế giới đầy phức tạp ngày nay, việc hiểu rõ sự phát triển xã hội đòi hỏi những nghiên cứu sâu sắc và có hệ thống về các quá trình và thực tiễn truyền thông. Hãy để thông điệp của Lewin truyền cảm hứng cho chúng ta trong suốt hội thảo này và xa hơn nữa, nhắc nhở chúng ta về sứ mệnh trong hành trình nghiên cứu của mình.
Điểm nhấn của buổi khai mạc là phiên tọa đàm với chủ đề “Truyền thông vì phát triển bền vững: Nghị trình cho học giả Việt Nam” mở ra không gian trao đổi học thuật về truyền thông cho các học giả.
Buổi tọa đàm đã mang đến nhiều góc nhìn quan trọng về vai trò của truyền thông trong sự phát triển của Việt Nam. Các diễn giả nhấn mạnh sự cần thiết của một cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh trong nước, thay vì phụ thuộc vào các học thuyết phương Tây. Đào tạo truyền thông được đề cao với sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, giúp sinh viên tiếp cận các dự án phi chính phủ và môi trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các học giả cũng thảo luận về thách thức trong quản lý truyền thông, bao gồm hành lang pháp lý, kiểm soát nội dung và bảo vệ bản quyền. Một vấn đề quan trọng khác được đặt ra là cách làm truyền thông bền vững hiệu quả hơn và vị trí của Việt Nam trong nghiên cứu truyền thông toàn cầu.
Tọa đàm đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành truyền thông trong thời đại số và hội nhập quốc tế.
Sau buổi khai mạc là 7 phiên thảo luận song song, nơi các học giả, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, trình bày báo cáo về các chủ đề:
Không chỉ là diễn đàn học thuật, hội thảo còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu và học giả Việt Nam – quốc tế trong lĩnh vực truyền thông. Các bài trình bày tiêu biểu tại hội thảo sẽ được tuyển chọn để xuất bản trong kỷ yếu chính thức có mã số ISBN, đồng thời có cơ hội phát triển thành các bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế
Hội thảo đã khẳng định vai trò như một nền tảng hợp tác học thuật dài hạn, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy và thực hành truyền thông tại Việt Nam. Những kết nối được hình thành, những trao đổi học thuật được khơi mở, và những định hướng tương lai được đặt ra tại đây sẽ tiếp tục lan tỏa, truyền cảm hứng và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành truyền thông trong bối cảnh toàn cầu.
Tên hội thảo: Truyền thông như Xúc tác Phát triển: Việt Nam trong Bối cảnh Toàn cầu - Communication as Development Catalyst: Vietnam in the Global Context Thời gian: 31/3 – 2/4/2025 Địa điểm: Trường Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh Đơn vị tổ chức: Khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông, Trường ĐH Văn Lang Học viện Ngoại giao Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng ĐH Bournemouth (Vương quốc Anh) Quy mô: Gần 100 học giả trong và ngoài nước Hình thức: Trực tiếp Điểm nổi bật: Thảo luận chuyên đề Các chủ đề: truyền thông bền vững, AI, công bằng xã hội, sức khỏe tinh thần, giáo dục truyền thông Cơ hội công bố bài nghiên cứu trên tạp chí quốc tế Kết nối hợp tác học thuật giữa Việt Nam và quốc tế |
Tin, hình: Khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông
Thẻ
Gửi thất bại