Ngày 02/08/2023 Khoa Công nghệ sáng tạo tổ chức lớp học chuyên đề “Kỹ thuật truyền thông số “, giúp sinh viên ngành Công nghệ Điện ảnh Truyền hình, Công nghệ Truyền thông tiếp cận các thiết bị media kỹ thuật số hiện đại, đồng thời nâng cao tay nghề chụp, quay hình ảnh và video một cách đẹp và ấn tượng.
Dẫn dắt buổi chuyên đề, Nhà báo - Đạo diễn Lê Minh Vương - Đài phát thanh truyền hình Đồng Nai đã khái quát các thông tin cơ bản về hệ màu, độ nét, các thể loại phân chia cảnh cơ bản, kiểu quay, động tác máy, cân bằng trắng, ánh sáng, bố cục khung hình.
Về hệ màu, hệ PAL (Phase Altermate Line) được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Hiện nay tất cả các Đài Truyền hình Việt Nam đều sử dụng hệ PAL để phát sóng với kích thước khung hình 720x576 (352x288 cho đĩa VCD). Còn với hệ NTSC (National Television System Committee) là một hệ màu thường được sử dụng ở khu vực Châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nơi trên thế giới, có kích thước khung hình là 720x480 (352x240 cho đĩa VCD).
Sau khi được lĩnh hội kiến thức về hệ, người tham dự tiếp tục tìm hiểu về chuẩn/độ nét I/P. I/P có nhiệm vụ hiển thị khung hình hai lần liên tiếp, với lần đầu có độ phân giải 1920 x 540 để hiện thị các dòng quét cân bằng và lần tiếp theo vẫn có độ phân giải 1920 x 540 để hiển thị các dòng quét lẻ. Cuối cùng trong kỹ thuật truyền hình cơ bản, tỉ lệ khung hình sẽ gồm 4:3 và 16:9.
Với quay phim cơ bản, các bạn sinh viên sẽ được giới thiệu các loại cỡ cảnh cơ bản (Basic Shot Types). Đầu tiên là toàn cảnh – long shot/wide shot (LS/WS), được sử dụng nhiều khi quay phim, chụp ảnh. Trong toàn cảnh, khung hình sẽ cho ta biết nhân vật đang ở đâu, làm gì. Con người xuất hiện nhưng chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong khung hình. Nếu có chuyển động thì sẽ cho ta biết chuyển động chung của con người như đang chạy, đang vẽ, đang đi, đang ngồi.
Thứ hai là toàn cảnh cực rộng – extreme long shot (XLS/ELS) được sử dụng khi chụp ở ngoài trời, miêu tả quang cảnh, không gian lớn như: khu đô thị, vùng ngoại ô, vùng nông thôn, vùng núi. Khi chụp loại cảnh này, máy chụp thường phải để ở nơi rất cao hoặc sử dụng máy bay chuyên dụng, flycam. Con người xuất hiện trong cảnh cực rộng này thường không rõ ràng và chỉ mang tính chất tham dự, không thể biết rõ đó là ai, thậm chí là không có hình ảnh con người.
Thứ ba là toàn cảnh rộng – very long shot (VLS), thường được sử dụng nhiều khi quay phim, chụp ảnh trong studio hoặc các sự kiện diễn ra ở sân khấu hay các buổi workshop. Trong toàn cảnh rộng, đối tượng có vẻ nhỏ so với toàn bộ khung hình và môi trường xung quanh hoặc phong cảnh trở thành tiêu điểm chính.
Biết về toàn cảnh, toàn cảnh cực rộng và toàn cảnh rộng, Nhà báo - Đạo diễn Lê Minh Vương còn nói về trung cảnh, trung cảnh rộng và trung cảnh hẹp. Với trung cảnh – medium shot (MS), con người trong trung cảnh chiếm tỉ lệ lớn và là phần chính của khung cảnh, hành động của nhân vật rõ ràng. Người xem sẽ thấy rõ được khuôn mặt, cách ăn mặc, đang làm gì ở đâu của nhân vật cũng như một phần tích cách, thái độ, biểu cảm. Về trung cảnh rộng – medium long shot thường sẽ cắt nhân vật ở phía trên đầu gối trong khung hình. Trong trung cảnh rộng người xem có thể thấy rõ được không gian, bối cảnh, đồ vật. Tiếp đó khi người quay muốn sử dụng kiểu quay trung cảnh hẹp – medium close-up shot sẽ hướng đến những biểu cảm của khuôn mặt nhân vật một cách rõ ràng hơn về hướng nhìn, cảm xúc, kiểu tóc, màu tóc, có trang điểm hay không. Kiểu quay trung cảnh hẹp là loại cảnh được sử dụng phổ biến trong làm phim.
Ngoài ra, Nhà báo - Đạo diễn Lê Minh Vương còn hướng dẫn người tham gia lớp chuyên đề tìm hiểu thêm về kiểu quay cận cảnh, cận cảnh hẹp và cận cảnh đặc tả. Khi người quay dùng kiểu quay cận cảnh, người xem sẽ có một cái nhìn đầy đủ về khuôn mặt, một số chi tiết về mặt, tóc. Kiểu quay cận cảnh sẽ mang đến một cách đầy đủ về biểu cảm của nhân vật thông qua mắt, miệng và những hành động khi nhân vật nói, nghe hoặc thể hiện một thái độ nào đó.
Cuối cùng với kiểu quay qua vai – over the shoulder, đây là cảnh quay phổ biến được quay từ phía đằng sau vai của một nhân vật khác, căn hình chủ thể từ medium đến close-up. Vai, cổ và phía sau đầu của chủ thể hướng khỏi máy quay nhưng vẫn nhìn thấy được, khiến góc máy hữu dụng tả phản ứng trong cuộc đối thoại. Shot quay này thường dùng để nhấn mạnh mối liên kết giữa hai người đang đối thoại thay vì cảm giác xa cách hay đối đầu khi quay ở dạng cảnh đơn.
Khi người quay khi đã hiểu rõ hơn về những kiểu quay phim cơ bản thì động tác máy trong quay phim cũng không thể nào thiếu. Động tác máy trong quay phim được Nhà báo - Đạo diễn Lê Minh Vương được đề cập gồm 7 kiểu như:
Một video đẹp là người quay cũng cần phải biết cân bằng trắng. Cân bằng trắng giúp hình ảnh khi quay được đúng màu sắc thực tế. Ở những điều kiện ánh sáng khác nhau thì tính chất của ảnh sáng cũng khác nhau do đó khi thay đổi điều kiện ánh sáng người quay phải cân bằng trắng để giữ cho hình ảnh video được đúng màu, mang lại nhiều cảm xúc và sự hài hòa trong mọi hoàn cảnh. Nhà báo - Đạo diễn Lê Minh Vương cũng cho biết thêm yếu tố ánh sáng có hai loại là ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo.
Để hình ảnh, video không bị nhìn rối mắt thì bố cục khung hình cũng là điều rất cần thiết. Có rất nhiều quy tắc về bố cục, tuy nhiên người quay cần phải nắm rõ được ba quy tắc cơ bản nhất là: quy tắc đường chân trời, quy tắc 1/3 và quy tắc hướng nhìn.
Khi người quay đã xác định được bố cục mình muốn quay thì góc máy sẽ tả được rõ nhất khung hình người quay mong muốn. Với góc máy cao người quay sẽ đặt ở bên trên tầm mắt của chủ thể, mang ý nghĩa bế tắc, bất lực, thể hiện sự bé nhỏ, cùng cực. Sang góc máy ngang đặt bằng với tầm mắt của chủ thể, góc máy này thường được khuyên dùng khi quay phim điện ảnh, truyền hình và nhiếp ảnh, thể hiện sự ngang hàng, gần gũi, thân thiện. Cuối cùng là góc máy thấp được đặt thấp hơn tầm mắt của chủ thể, góc máy thấp mang lại ý nghĩa đề cao tôn trọng sự uy nghi, hoành tráng của chủ thể.
Với những kiến thức hữu ích, việc hiểu đúng, hiểu sâu và chi tiết về các kỹ thuật quay chụp sẽ giúp sinh viên ngành Công nghệ Điện ảnh Truyền hình, Công nghệ Truyền thông và các bạn trẻ có đam mê trong lĩnh vực multimedia, điện ảnh truyền hình thuần thục áp dụng công nghệ vào các sản phẩm của mình, phục vụ quá trình học tập và phát triển kỹ năng tay nghề sau này.
Nhà báo - Đạo diễn Lê Minh Vương có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất phim quảng cáo doanh nghiệp, phim tài liệu, phóng sự, khoa học quân sự, các chương trình truyền hình trực tiếp văn nghệ - thể thao - giải trí. Ở lĩnh vực giảng dạy, Nhà báo - Đạo diễn Lê Minh Vương từng công tác nhiều năm tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, tham gia tổ chức nhiều khóa học ngắn hạn cho các đài truyền hình địa phương. Với những cống hiến trong nghề, anh đã đạt đạt giải Báo chí Quốc gia, giải Báo chí Dương Tử Giang, giải Ngòi viết vàng…. |
Tin: Thanh Lịch
Hình: Đắc Khánh
Thẻ
Gửi thất bại