Khoa Kiến trúc Văn Lang ghi dấu ấn tại Giải thưởng Loa Thành 2024

Tác Giả
Thảo Vân
Ngày
22/11/2024(636 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Ngày 23/11/2024, Trường Đại học Văn Lang tự hào góp tên vào bảng thành tích Giải thưởng Loa Thành lần thứ 36 năm 2024 với ba đồ án của sinh viên Khóa 25 ngành Kiến trúc đạt giải Khuyến khích cuộc thi.

Giải thưởng Loa Thành là giải thưởng được mong đợi hàng năm dành cho các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các chuyên ngành đào tạo về Xây dựng và Kiến trúc do Tổng Hội xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức. Năm nay, Giải thưởng Loa Thành diễn ra tại Trung tâm khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, thu hút 193 đồ án tham gia từ 22 trường đại học trên cả nước, các đồ án dự thi được Hội đồng Giải thưởng đánh giá vượt trội hơn các năm trước về cả số lượng và chất lượng.

Khoa Kiến trúc Trường Đại học Văn Lang tự hào khi góp tên vào bảng thành tích với 3 giải Khuyến khích của 3 sinh viên K25: đồ án “Trung tâm trưng bày và phát triển nghề truyền thống tỉnh Bình Định” của sinh viên Nguyễn Thanh Ngân; đồ án “Trung tâm văn hóa và bảo tồn thương cảng Faifo” của sinh viên Nguyễn Quốc Bảo; đồ án “Bảo tàng văn hóa sông nước Đồng bằng sông Cửu Long” của sinh viên Phùng Minh Thái.

vlu-khoa-kien-truc-ghi-dau-an-tai-giai-thuong-loa-thanh-2024-a.jpg
vlu-khoa-kien-truc-ghi-dau-an-tai-giai-thuong-loa-thanh-2024-b.jpg
Đồ án “Trung tâm trưng bày và phát triển nghề truyền thống tỉnh Bình Định” của sinh viên Nguyễn Thanh Ngân (GVHD: ThS.KTS. Trương Nguyễn Hồng Quang).

Đồ án của Thanh Ngân được lấy cảm hứng từ nền văn hóa truyền thống lâu đời của vùng đất Bình Định. Ý tưởng chính của đồ án là khối công trình đại diện cho không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng, với giao thông cảnh quan như đường làng quanh co dẫn đến các hộ làm nghề truyền thống, phản ánh nét đẹp kiến trúc của đời sống nông thôn miền Trung Việt Nam. 

Công trình áp dụng kết cấu kiến trúc truyền thống Nhà Lá Mái, thiết kế mái nhà miền Trung thấp với hiên mở rộng. Những chiếc hiên không chỉ bảo vệ con người khỏi thời tiết khắc nghiệt mà còn là khu vực linh hoạt cho nhiều hoạt động khác nhau. Được lấy cảm hứng từ các bãi phơi thủ công nhìn từ trên cao - nơi nguyên liệu thô được chuẩn bị cho nhiều nghề thủ công truyền thống khác nhau, đồ án bộc lộ các hoa văn, họa tiết và vẻ đẹp vốn có, các mô-đun nghề truyền thống được thiết kế dựa trên đặc trưng công năng sử dụng của từng nghề.

vlu-khoa-kien-truc-ghi-dau-an-tai-giai-thuong-loa-thanh-2024-c.jpg

Chia sẻ về lý do chọn đề tài, Thanh Ngân cho biết:“Giá trị của đề tài không chỉ nằm ở việc lưu giữ các sản phẩm tạo tác mà còn là biểu tượng cho sự chuyển mình của các ngành nghề truyền thống, thông qua đồ án mình mong muốn được góp phần bảo tồn giá trị kiến trúc của nhà truyền thống – Nhà Lá Mái”.

vlu-khoa-kien-truc-ghi-dau-an-tai-giai-thuong-loa-thanh-2024-d.jpg
vlu-khoa-kien-truc-ghi-dau-an-tai-giai-thuong-loa-thanh-2024-e.jpg
Đồ án “Trung tâm văn hóa và bảo tồn thương cảng Faifo” của sinh viên Nguyễn Quốc Bảo (GVHD: PGS.TS. Lê Anh Đức).

Đồ án “Trung tâm văn hóa và bảo tồn thương cảng Faifo” được Quốc Bảo mô phỏng lại một bến thuyền với chức năng chính là biểu diễn và phục vụ du lịch. Du khách đến Hội An có thể tiếp cận công trình để có thể thuê thuyền đi đến những địa điểm du lịch của Hội An, các làng nghề truyền thống, phố cổ v.v.... 

Ý tưởng của đồ án là thiết kế cầu bộ hành làm trục chính của công trình, gắn liền với tháp quan sát "ngọn hải đăng". Khối chính phục vụ các hoạt động sinh hoạt và biểu diễn của các làng nghề truyền thống, đồng thời liên kết với các khối ẩm thực, khối biểu diễn và khối trải nghiệm.

vlu-khoa-kien-truc-ghi-dau-an-tai-giai-thuong-loa-thanh-2024-f.jpg

Nhớ lại khoảnh khắc nhận giải thưởng, Quốc Bảo bồi hồi bày tỏ: “Cảm xúc của mình lúc đó thật khó tả, vừa háo hức vừa vui mừng khi biết tin mình nhận giải thưởng Loa Thành – một giải thưởng mà cách đây 5 năm mình không nghĩ sẽ đạt được. Đây là một trải nghiệm mình sẽ không bao giờ quên”. 

vlu-khoa-kien-truc-ghi-dau-an-tai-giai-thuong-loa-thanh-2024-g.jpg
vlu-khoa-kien-truc-ghi-dau-an-tai-giai-thuong-loa-thanh-2024-h.jpg
Đồ án “Bảo tàng văn hóa sông nước Đồng bằng sông Cửu Long” của sinh viên Phùng Minh Thái (GVHD: ThS.KTS. Nguyễn Bích Hoàn).

Đồ án “Bảo tàng văn hóa sông nước Đồng bằng sông Cửu Long” được Phùng Minh Thái lấy cảm hứng từ mối liên kết mật thiết của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sông nước, tọa lạc trên khu vực từng là làng chài tại Cái Răng, Cần Thơ. Công trình được thiết kế theo nguyên tắc cộng sinh với tự nhiên, đặc biệt là thông qua việc khai thác chế độ triều cường đặc trưng của khu vực đồng bằng sông nước. Vị trí khu đất nằm tại điểm giao thoa giữa kiến trúc và môi trường tự nhiên, tạo nên sự kết nối hài hòa giữa cấu trúc xây dựng và mặt nước.

vlu-khoa-kien-truc-ghi-dau-an-tai-giai-thuong-loa-thanh-2024-i.jpg

Nói về quá trình thực hiện đồ án, bạn Minh Thái chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của mình là việc tìm ra sự cân bằng giữa tính sáng tạo và tính khả thi trong thiết kế, cũng như việc triển khai các công nghệ hiện đại vào trong không gian kiến trúc. Thầy Cô trong Khoa đã hỗ trợ mình rất nhiều trong suốt quá trình, đặc biệt là trong việc phê duyệt ý tưởng ban đầu và hướng dẫn kỹ thuật thực hiện”.

vlu-khoa-kien-truc-ghi-dau-an-tai-giai-thuong-loa-thanh-2024-j.jpg

Thành công của các bạn sinh viên tại Giải thưởng Loa Thành 2024 chính là kết quả của sự hỗ trợ tận tâm từ các Giảng viên Khoa Kiến trúc: ThS.KTS. Trương Nguyễn Hồng Quang, PGS.TS. Lê Anh Đức và ThS.KTS. Nguyễn Bích Hoàn. Với sự đồng hành, chỉ dẫn và những kinh nghiệm quý giá, Thầy Cô đã góp phần quan trọng giúp sinh viên đạt được những thành tích đáng tự hào này.

Chúc mừng các thành viên của Nhà Kiến Văn Lang đã nhận được Giải thưởng Loa Thành 2024. Thành công này không chỉ khẳng định chất lượng đào tạo của Nhà trường mà còn là động lực lớn lao để các sinh viên tiếp tục cống hiến và phát triển trong lĩnh vực Kiến trúc.

Tin: Thảo Vân
Hình: Nhân vật cung cấp

Thẻ