Khoa Môi trường giới thiệu mô hình tái chế chất thải hữu cơ sản xuất phân compost quy mô trường học cho các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn Tp.HCM

Tác Giả
Khoa Môi trường
Ngày
06/12/2022(227 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Ngày 07/12/2022, trong khuôn khổ Dự án Học tập và kỹ năng cho trẻ em giai đoạn 2022 – 2026 do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc viện trợ không hoàn lại, Khoa Môi trường - Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM tổ chức Hội nghị “Tập huấn cho giáo viên, học sinh nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu”. Đây là hoạt động thường niên do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì với mục tiêu cung cấp cho giáo viên và học sinh các cấp kiến thức về đời sống, xã hội và môi trường, đồng thời, lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường trong các tiết học, môn học của chương trình đào tạo tiểu học và THCS.

khoa moi truong compost (1).jpg

Hội nghị có sự tham gia của bà Cao Thị Thiên Phúc – Phó trưởng Phòng chính trị, tư tưởng, Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM; ThS. Ngô Nguyễn Ngọc Thanh – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM; PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh – Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang; TS. Huỳnh Tấn Lợi – Trưởng ngành CTĐT Tiến sĩ Khoa học Môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang; Thầy Trịnh Đình Thảo – Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa; Cô Nguyễn Thị Oanh – Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; chuyên viên của 22 Phòng GD&ĐT thành phố/quận/huyện; 198 đại diện các bộ quản lý/giáo viên trường Mầm non, Tiểu học, THCS, và 180 đại diện BGH trường THPT.

Tại sự kiện, các báo cáo viên đã trình bày 3 tham luận nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về môi trường và biến đổi khí hậu, đề ra các ý tưởng sáng tạo về bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu trong trường học. Đồng thời, tập huấn cho giáo viên và học sinh tái sử dụng rác hữu cơ để tạo phân xanh, bón cho cây trồng, giúp hạn chế việc thải rác thải ra môi trường:

  • Bài tham luận “Nâng cao nhận thức cho học sinh về môi trường và biến đổi khí hậu” - ThS. Ngô Nguyễn Ngọc Thanh – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ Môi trường TP.HCM;
  • Bài tham luận “Mô hình tái chế chất thải hữu cơ sản xuất phân compost quy mô Trường học” - TS. Huỳnh Tấn Lợi – Trưởng ngành CTĐT Tiến sĩ Khoa học Môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang;
  • Bài tham luận “Mô hình tái chế chất thải hữu cơ tại trường THCS Hiệp Phước, Huyện Nhà Bè” - Cô Nguyễn Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phước.
khoa moi truong compost (2).jpg
TS. Huỳnh Tấn Lợi – Trưởng ngành CTĐT Tiến sĩ Khoa học Môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Văn Lang trình bày tại sự kiện.

Khoa Môi trường thường xuyên kết hợp với các Sở ban ngành nhằm thực hiện các công tác phục vụ cộng đồng thông qua những kinh nghiệm từ các dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Với bài tham luận “Mô hình tái chế chất thải hữu cơ sản xuất phân compost quy mô Trường học”, TS. Huỳnh Tấn Lợi đã giới thiệu các mô hình tái chế rác thải hữu cơ trong trường học trên thế giới và mô hình compost mà Khoa Môi trường đã triển khai thí điểm cho 4 trường học: THPT Âu Lạc, Tiểu học Đống Đa, Tiểu học Phù Đổng, và Tiểu học Trần Quang Vinh (Đề tài do Quỹ Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tài trợ năm 2015 - 2017), mô hình sản xuất compost tại Trường ĐH Văn Lang (đề tài do quỹ WWF tài trợ năm 2022).

Qua buổi hội nghị, các trường học trên địa bàn TP.HCM đã hiểu rõ hơn ý nghĩa của công tác bảo vệ môi trường và cũng như đưa ra các giải pháp tái chế rác thải, đồng thời giới thiệu đến các trường học mô hình “Trường học Xanh” xây dựng theo mục tiêu phát triển bền vững của Trường Đại học Văn Lang hiện nay.

Tin và hình: Khoa Môi trường

Thẻ