Ngày 08/06/2022, Khoa Môi trường Trường Đại học Văn Lang tổ chức Seminar Học thuật “Xây dựng Giao diện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới cho nền kinh tế tuần hoàn trong chuyển đổi chất thải nông nghiệp sang năng lượng ở khu vực ASEAN” được dẫn dắt bởi diễn giả là Giáo sư Chettiyappan Visvanathan - Giáo sư Top 1% thế giới đang công tác tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT), Thái Lan.
Buổi Seminar được diễn ra với hai hình thức chính là Trực tiếp tại Phòng Hoàng Sa 2, cơ sở chính, trường Đại học Văn Lang và hình thức online qua nền tảng Zoom. Sự kiện vinh dự khi được kết nối với nhiều thầy cô đến từ nhiều trường Đại học khác nhau trong Ngành Môi trường và đặc biệt là các thầy cô và sinh viên của Trường Đại học Văn Lang:
Với hơn 35 năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về Kỹ thuật và Quản lý Môi trường, Giáo sư Chettiyappan Visvanathan đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu và đào tạo sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ màng lọc để xử lý nước và nước thải, quản lý chất thải rắn, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp và quản lý chất thải nhựa theo định hướng kinh tế tuần hoàn. Kinh nghiệm học thuật của giáo sư bao gồm hơn 200 bài báo nghiên cứu, hơn 50 chương sách và hơn 170 kỷ yếu hội thảo quốc tế. Ông cũng là thành viên ban biên tập của 8 tạp chí quốc tế.
Tại buổi Seminar, Giáo sư Chettiyappan Visvanathan đã trình bày những nội dung, giải pháp sau:
Thế giới bước vào thời kỳ xây dựng “xã hội siêu thông minh”, áp dụng triệt để công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong công cuộc xây dựng đổi mới đời sống xã hội. Vì vậy, việc sử dụng rô bốt nông nghiệp và nền công nghệ tiên tiến sẽ giúp khu vực Châu Á phát triển việc biến đổi chất thải nông nghiệp sang năng lượng có ích, phục vụ cuộc sống con người, nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp của khu vực. Giáo sư Chettiyappan Visvanathan chia sẻ: “Nền kinh tế tuần hoàn là các hoạt động thiết kế, sản xuất và hơn hết là loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường, qua đó giảm thiểu tổn hại đến chất lượng cuộc sống thông qua các giải pháp tái chế chất thải, sử dụng nguyên liệu tái chế làm nguyên liệu đầu vào để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên. Bằng những giải pháp ứng dụng công nghệ vào việc xây dựng giao diện và đổi mới nền kinh tế tuần hoàn trong việc chuyển đổi chất thải nông nghiệp sang năng lượng sẽ góp phần mang lại những lợi ích về kinh tế - xã hội - môi trường và gắn liền với sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á.” Ngoài ra, nền kinh tế tuần hoàn cũng phát triển khi khu vực sở hữu nền kinh tế nông nghiệp thông minh. Tiêu biểu cho hình ảnh đó là dự án phục hồi năng lượng ở nhiều quốc gia Châu Á (trong đó nổi bật nhất là Thái Lan và Việt Nam). Theo Giáo sư Chettiyappan Visvanathan thì đa số các quốc gia đã áp dụng mô hình sử dụng ngành nông nghiệp mía đường để cải tạo thành năng lượng hữu cơ cho các doanh nghiệp trong nước sử dụng.
Tham dự buổi seminar học thuật, học viên Nguyễn Anh Vũ, hiện đang theo chương trình cao học - Ngành Môi trường chia sẻ: “Trong tương lai, khi các kỹ thuật canh tác tiên tiến như nông nghiệp thẳng đứng hoặc nông nghiệp trong nhà được thay thế cho nông nghiệp thuần truyền thống trên đồng ruộng, lúc đó chất thải từ nông nghiệp sẽ giảm đi nhiều. Các ngành sử dụng chất thải nông nghiệp cho việc biến đổi thành năng lượng ít nhiều sẽ có sự thay đổi. Nhờ những phân tích của Giáo sư mà chúng ta hiểu thêm về những biến đổi trong chuyển hóa năng lượng ở Châu Á trong tương lai.”
Đại diện Trường Đại học Văn Lang, PGS.TS Lê Thị Kim Oanh – Trưởng Khoa Môi trường đã gửi lời cảm ơn chân thành đến bài báo cáo và những chia sẻ của Giáo sư Chettiyappan Visvanathan. Sau buổi Seminar, Khoa Môi trường Trường Đại học Văn Lang mong rằng sẽ có thêm nhiều cơ hội để trao đổi thêm về nhiều dự án liên quan đến môi trường và chuyển đổi năng lượng cùng giáo sư và Viện Công nghệ Châu Á (AIT).
Ngày 10/06/2022, Trường Đại học Văn Lang tổ chức Lễ Công bố chứng nhận chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng AUN-QA cho 04 ngành Kế toán, Thiết kế Đồ họa, Quản trị Khách sạn và Công nghệ Kỹ thuật Môi trường. Trường Đại học Văn Lang là nơi đào tạo lĩnh vực môi trường lâu đời, có uy tín, với 3 lĩnh vực chuyên sâu: Công nghệ, Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu. Đây là ngành đào tạo có hoạt động nghiên cứu khoa học mạnh, có tiếng trong nước và quốc tế, với các hợp tác nghiên cứu với Đại học Wagenigen, Viện IHS, Tổ chức Waste management Hà Lan; Đại học Bauhaus Weimar, Tổ chức GTZ, CHLB Đức; Đại học RMIT và Đại học La Trobe - Úc; Viện AIT, Đại học Tharmasat - Thái Lan; Đại học Kytakyosu, Đại học Kyoto, Đại học Kochi - Nhật Bản…, là tiền đề để các thế hệ sinh viên tiếp nối nhau làm việc trong các môi trường đa quốc gia, nhận học bổng du học thạc sĩ và tiến sĩ tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tin: Thu Hương
Hình ảnh: Đăng Anh
Thẻ
Gửi thất bại