Lắng nghe “Âm vang miền tháp nắng” - Khám phá nét đẹp văn hóa truyền thống Chăm Pa

Tác Giả
Trang Dương
Ngày
24/09/2024(54 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Ngày 25/9/2024, Viện Đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật & Truyền thông Trường Đại học Văn Lang tổ chức sự kiện âm nhạc nghệ thuật “Âm vang miền tháp nắng”, hướng đến tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa Chăm pa với sự tham dự của nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, Inrasara cùng đoàn nghệ nhân đến từ Phan Rang. Chương trình đã mang đến những giây phút thăng hoa, đắm chìm trong những làn điệu truyền thống, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của các bạn sinh viên về giá trị văn hóa dân tộc

lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-a.jpg

Văn hóa Chăm Pa - di sản được phát triển và lưu giữ từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ XV là một mảnh ghép không thể thiếu trong nền văn hóa Việt Nam. Tinh thần của dân tộc Chăm được phản ánh thông qua nhiều công trình, nghệ thuật kết tinh theo bề dày lịch sử. Là ngôi trường mang tên Quốc hiệu đầu tiên của dân tộc, Trường Đại học Văn Lang luôn ý thức giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng yêu mến và tôn trọng văn hoá truyền thống, chính vì lẽ đó sự kiện chính là “giảng đường” đặc biệt để các thế hệ sinh viên Văn Lang tìm hiểu về nền văn hóa Chăm pa.

lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-b.jpg
lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-c.jpg
Phần trình diễn điệu múa Chăm mang đậm giá trị tâm linh linh thiêng cùng tiết mục song ca “Bến nước tình yêu” của sinh viên Văn Lang đã mở đầu, dẫn dắt khán giả khám phá dải đất miền Trung với nét đẹp văn hóa độc đáo của người Chăm

Trong cuộc gặp gỡ với cộng đồng Văn Lang, nhà thơ, nhà nghiên cứu Inrasara đã dành bài diễn thuyết về xã hội Chăm, con người Chăm từ một tinh thần mở: “Dòng máu của người Chăm đã được hòa vào nhiều dân tộc khác ở mọi nơi trên thế giới. Nền văn hóa từ hàng thế kỷ lịch sử ấy đã góp phần tạo nên linh hồn của những giá trị tinh thần của cả quốc gia, văn hóa khác. Vậy nên, việc bảo tồn và hướng đến góc nhìn chân thực hơn về những cột mốc lịch sử, xã hội Chăm sẽ góp phần rất quan trọng trong hành trình gìn giữ niềm tự hào truyền thống của không chỉ người Chăm tại Việt mà còn là của các dân tộc anh em trên dải đất này.”

lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-d.jpg
Nhà nghiên cứu Inrasara tự hào giới thiệu 9 đóng góp quan trọng của người Chăm vào văn hóa của cộng đồng dân tộc Việt gồm có: Lãnh thổ đã thuần, dòng máu, hải sử, kiến trúc điêu khắc, văn chương ngôn  ngữ, mẫu hệ, ngành nghề độc đáo, tôn giáo và âm nhạc.
lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-e.jpg
Nhà thơ, nhà nghiên cứu Inhasara - Trưởng Đoàn nghệ thuật Inra Jaka Phú Tuệ Năng đã gửi tặng Trường Đại học Văn Lang bộ sách nghiên cứu do chính tay ông viết, từng trang sách là minh chứng cho tình yêu dân tộc Chăm của tác giả
lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-f.jpg
Đi sâu vào âm nhạc Chăm pa, đại diện Đoàn nghệ thuật Chăm - Ông Inra Jaka Phú Tuệ Năng hào hứng giới thiệu những nhạc cụ cổ truyền chính trong dàn nhạc lễ, đồng thời là biểu trưng cho từng bộ phận tạo nên một thể thống nhất trên cơ thể của một vị thần.
lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-g.jpg
Chiếc trống Pa-ra-nưng được xem là lồng ngực - nơi ẩn giấu tâm tư, xúc cảm của con người, đồng thời cũng vì để vỗ được trống, người nghệ nhân Chăm cần đặt trống trước ngực mình và tì vào đùi.
lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-h.jpg
Theo quan niệm của người Chăm, cặp trống Ghi-năng được xem là biến thể của người nam và người nữ, một mặt tiếp xúc với đất, một mặt hướng lên trời tạo thế hòa hợp âm dương trong đời sống tâm linh
lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-j.jpg
Hòa trong âm vang trầm bổng của tiếng trống, chiếc kèn Saranai được thổi lên với biểu trưng cho phần đầu. Đây cũng là nhạc cụ định âm duy nhất hiện hữu trong đời sống tín ngưỡng, trong sinh hoạt lễ hội và đời thường của người Chăm.
lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-k.jpg
Nhắc đến âm nhạc Chăm thì không thể không nhắc đến điệu múa uyển chuyển của bà bóng (muh pajơw), đóng vai trò cầu nối giao tiếp với thần linh tại các dịp lễ, cúng tế theo tín ngưỡng.
lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-l.jpg
Tiếp nối nét mềm mại, duyên dáng của màn múa với quạt là phần thể hiện đầy mạnh mẽ, ấn tượng cùng với chiếc roi thường thấy trong các điệu múa đạp lửa do chính nghệ nhân Phú Tuệ Năng thể hiện.
lang-nghe-am-vang-mien-thap-nang-kham-pha-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cham-pa-m.jpg

“Âm vang miền tháp nắng” kết thúc trong niềm hân hoan, phấn khích từ khán giả tham dự. Trân trọng cảm ơn Nhà thơ Nguyễn Duy - Phó Viện Trưởng Viện Đào tạo Văn hóa Nghệ thuật & Truyền thông, Chủ nhiệm CLB Văn hóa Văn Lang đã kết nối cùng nhà thơ Inrasara và các nghệ sĩ Chăm để mang lại một chương trình nghệ thuật ý nghĩa, cũng là một buổi học truyền cảm hứng cho mỗi người Văn Lang. Hy vọng rằng sau chương trình giao lưu văn hóa, các bạn sinh viên sẽ được tiếp thêm niềm yêu thích, đam mê với những giá trị truyền thống, từ đó trận trọng và phát huy mạnh mẽ bản sắc dân tộc.

Tin: Trang Dương
Hình: Đắc Khánh, Lê Hoàng

Thẻ