Nhằm phát triển công tác nghiên cứu khoa học trong các đơn vị thành viên, nâng cao nhận thức về tính liêm chính trong nghiên cứu, Trung tâm Đào tạo và Phát triển tổ chức buổi workshopchủ đề “Những tình huống thực tế trong liêm chính nghiên cứu” dành cho giảng viên, nghiên cứu viên tại Trường Đại học Văn Lang. Chương trình nhận được sự hưởng ứng tham dự của hơn 200 thầy cô, nghiên cứu sinh qua hai hình thức: trực tiếp và trực tuyến qua hệ thống MS Teams.
Báo cáo tại buổi workshop, TS. Lê Văn Út - Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Trường về Nghiên cứu khoa học cho biết, vấn đề liêm chính trong nghiên cứu khoa học là một vấn đề nóng, cần được thảo luận kỹ lưỡng. TS. Lê Văn Út mong muốn, buổi chia sẻ sẽ góp phần nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa liêm chính trong nghiên cứu khoa học, từ đó đẩy mạnh hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học trong môi trường giáo dục đại học.
Dựa trên định nghĩa “liêm chính trong nghiên cứu khoa học là sự trung thực, chính xác về thông tin và minh bạch trong việc triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học”, TS. Lê Văn Út cho biết có 3 nhóm vi phạm liêm chính cơ bản nhất đó là: gian lận, bịa đặt, và đạo văn. Trong đó, Thầy lưu ý việc ngụy tạo quá trình nghiên cứu, ngụy tạo lý lịch, năng lực hay sai lệch là việc làm cần phải tránh.
Các nghiên cứu viên khi tham gia nghiên cứu cần phải xác định rõ năng lực, khả năng của mình, thực hiện và ghi lại chính xác quá trình nghiên cứu, lưu lại các minh chứng để tránh tình trạng bị gian lận kết quả hay vai trò tác giả. Để kiểm soát hiệu quả việc này, TS. Lê Văn Út đã giới thiệu Bảng phân loại vai trò đóng góp trong nghiên cứu khoa học - CRediT (Contributor Roles Taxonomy) do Đại học Harvard kết hợp với các tổ chức và các nhà khoa học uy tín xây dựng từ năm 2012. Với bộ tiêu chí gồm 14 vai trò cụ thể, các thầy cô có thể dựa vào CRediT để xác định vai trò trong mọi hoạt động nghiên cứu.
Về vấn đề đạo văn trong nghiên cứu, TS. Lê Văn Út cho biết nhiều trường hợp mắc lỗi đạo văn vì sơ suất trong quá trình trích dẫn, diễn đạt các lý thuyết, trình bày kết quả nghiên cứu. Để khắc phục tình trạng này, người làm nghiên cứu khoa học nên kiểm tra thật kỹ các trích dẫn và yêu cầu nội dung, đảm bảo mức độ tương đồng được hạn chế đến mức tối đa. Đặc biệt, hành vi đạo văn không chỉ diễn ra giữa tác giả này với tác giả khác, mà có thể diễn ra với chính bản thân tác giả thực hiện. Trường hợp “tự đạo văn” này, tác giả thường sử dụng các kết quả nghiên cứu, ý tưởng của mình vào các báo cáo, nghiên cứu khác mà không trích dẫn. TS. Lê Văn Út gợi ý, các Thầy Cô có thể sử dụng các công cụ như Turnitin để kiểm tra chỉ số tương đồng, rà soát lại các trích dẫn và đảm bảo sử dụng các tài liệu uy tín.
Cũng trong phiên thảo luận, nhiều sáng kiến về nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Văn Lang đã được Thầy Cô đề xuất như chính sách hỗ trợ kiểm tra tỷ lệ đạo văn, cung cấp tài khoản kiểm tra đạo văn miễn phí cho giảng viên, công bố rộng rãi lên các tạp chí khoa học về các luận án tốt nghiệp chất lượng,.... Trong thời gian tới, công tác nghiên cứu khoa học sẽ được nhà trường thúc đẩy và triển khai mạnh mẽ hơn nữa trong cộng đồng Văn Lang, đặc biệt là trong cộng đồng sinh viên các ngành học.
Giữ gìn sự minh bạch, trung thực trong nghiên cứu khoa học là trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động học thuật. Từ những chia sẻ của TS. Lê Văn Út, hy vọng Thầy Cô Văn Lang sẽ có những bài học kinh nghiệm quý, từ đó góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Văn Lang.
Tin: Thanh Phúc
Hình: Khánh Thịnh
Thẻ
Gửi thất bại