Ngày 31/05/2024, Khoa Xã hội và Nhân văn đã tổ chức chương trình đặc trưng Thiên Điểu với chủ đề “Chạm”, với mong muốn gửi lời tri ân đến Thầy Cô thân thương của mái nhà SOHU, nhìn lại hành trình của sinh viên cuối khóa và gửi đi những thông điệp, ý nghĩa nhân văn về tình cảm yêu thương gia đình.
Chia sẻ sự xúc động khi gặp lại các thế hệ sinh viên trong chương trình đặc trưng, TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi - Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Tôi tự hào vì chương trình này do chính tay các bạn sinh viên của Khoa đã cố gắng thực hiện trong 1 tháng qua để mang đến ngày hôm nay. Dưới sân khấu là sự có mặt của nhiều thế hệ, các bạn trưởng thành dưới mái trường Văn Lang sau đó quay về để gửi lời tri ân đến những Thầy Cô đã dìu dắt bạn, đây là tinh thần nhân văn mà tôi mong các bạn sẽ gìn giữ trên hành trình phía trước.”
Bước vào không gian của Thiên Điểu, Thầy Cô và sinh viên đã cùng đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau qua 2 phần Lễ và Hội của chương trình. Trên đoạn đường thực hiện ước mơ, mỗi sinh viên đều thấm thía vai trò và tầm quan trọng của những người lái đò. Phần ý nghĩa nhất của Thiên Điểu chính là khoảnh khắc tập thể sinh viên Khoa Xã hội & Nhân văn gửi lời cảm ơn chân thành đến Thầy Cô Trường Đại học Văn Lang đã giúp nuôi dưỡng kiến thức, tiếp lửa đam mê cho các thế hệ sinh viên.
Qua những tiết mục được đầu tư công phu, chủ đề “Chạm” đã đưa người xem đến với thế giới của tương lai, chứng kiến những đổi mới vượt bậc của công nghệ và robot. Tại đó, khán giả đã được du hành qua nhiều chiều không gian khác nhau, với các chương kể truyện là THẤU - HIỂU - CHẠM, khiến người thưởng thức đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong đó, tiết mục diễn kịch kết hợp với hát, nhảy, múa và trình diễn thời trang vô cùng độc đáo, chạm đến trái tim khán giả với thông điệp, bài học nhân văn về tình cảm gia đình, tình bạn bè.
Chuyến du hành thời gian mở ra tại thế kỷ 22, tại đó con người sống và làm bạn với robot công nghệ. Với những phát minh tối tân, chỉ với một cú chạm nhẹ nhàng, con người có thể làm mọi thứ nhưng cũng chính vì lẽ đó mà họ dần sống vô tâm và trở nên xa cách nhau. Câu chuyện mở ra tại gia đình nhân vật Huy có ba mẹ là những nhà nghiên cứu, sáng chế tạo ra robot nhưng vì quá bận rộn mà họ dần vô tâm với đứa con của mình. Trên hành trình tìm kiếm tình yêu thương gia đình, Huy đã dịch chuyển thời gian qua những chiều không gian khác nhau và khám phá ra những bí mật tăm tối cùng sự thật về lòng tham của con người.
Qua lời khuyên của người máy AMO, Huy bắt đầu thông cảm và mong muốn tìm hiểu công việc của ba mẹ để đỡ đần, giúp đỡ họ. Khi tham quan công ty ba mẹ làm việc, Huy đã chứng kiến những cỗ máy tối tân và hiện đại do chính ba mẹ phát minh, cũng từ đó Huy đã khám phá ra cỗ máy thời gian - bí mật mà ba mình vẫn luôn cất giấu bấy lâu nay.
Sau tất cả, Huy đã nhìn ra nỗi khổ tâm của ba mẹ, thấu hiểu tình yêu thương bao la mà ba mẹ dành cho mình và cảm nhận được tình cảm đó thiêng liêng và quý giá đến nhường nào. Khi giai điệu ca khúc “Cảm ơn và xin lỗi” cất lên cũng là khoảnh khắc Huy nhận ra mọi lỗi lầm và gửi lời xin lỗi đến gia đình.
Hành trình Thấu - Hiểu - Chạm giúp chúng ta nhận ra rằng dù thế giới có phát triển vượt bậc đến đâu, dù bước nhảy ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, chỉ cần sống chậm lại để cảm nhận những tình cảm thân thương ấy vẫn hiện diện mỗi ngày quanh ta. Chương trình Thiên Điểu - chủ đề “Chạm” khép lại với biết bao cảm xúc: lòng biết ơn, tri ân Thầy Cô; niềm vui mừng, tự hào của những người đã góp bao nhiêu mồ hôi, công sức, cùng nhau xây dựng nên một chương trình ý nghĩa; sự háo hức và mãn nhãn thưởng thức những tiết mục biểu diễn ấn tượng. Hy vọng, Thiên Điểu sẽ tiếp tục hành trình của mình, luôn “nở rộ” ở những mùa tiếp theo và giữ mãi tinh thần đoàn kết của gia đình Khoa Xã hội & Nhân văn.
Tin: Khánh Linh
Hình; Đăng Anh, Minh Trí
Thẻ
Gửi thất bại