Năm Giáp Thìn kể chuyện Rồng thiêng

Tác Giả
Hoài Anh - Gia Hân
Ngày
12/02/2024(717 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Trong 12 con giáp, Rồng là linh vật duy nhất dường như chỉ tồn tại trong truyền thuyết. Cùng với trí tưởng tượng của con người, trong từng nền văn hoá, Rồng mang những ý nghĩa biểu tượng khác nhau, nhưng hầu hết đều gặp gỡ ở điểm chung là sức mạnh và uy quyền. Khi Rồng bay lên, ấy là mang theo ước mơ, khát khao về năm mới hạnh phúc, rực rỡ, về sức mạnh, sự thịnh vượng và bền vững vươn xa.

Trong mùa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mời bạn đọc cùng gặp gỡ các Thầy Cô Trường Đại học Văn Lang là chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, cùng bàn luận về hình tượng Rồng.

TỪ HÌNH TƯỢNG RỒNG, NGẪM VỀ GIỐNG GIAO LONG
TS. Hồ Quốc Hùng - Phó Trưởng Khoa Xã hội & Nhân văn

Thật ra hình tượng con Rồng ở trên thế giới rất quen thuộc với nhiều nền văn hóa của các dân tộc. Con Rồng trong mỗi nền văn hóa lại có một cách biểu đạt và mối quan hệ với đời sống tinh thần của mỗi dân tộc khác nhau bởi điều kiện hoàn cảnh lịch sử, bối cảnh văn hóa. Ở Việt Nam, con Rồng xuất hiện khá sớm nhưng khái niệm Rồng thì xuất hiện muộn hơn. Từ xa xưa, tổ tiên của chúng ta đã thờ một loài thủy quái mà ta quen gọi là con Giao long. Đây là một loài vật vô hình do tưởng tượng nhưng chắc chắn có cơ sở từ thực tế. Chắc chắn người Việt cổ thời xa xưa khi bắt đầu xây dựng nền văn minh lúa nước thì va chạm đến một số loài vật có liên quan đến vùng sông nước. Ngoài việc thờ con giao long, thờ vật tổ Giao long, thì theo sách sử cổ truyền lại rằng người Việt chúng ta có tục xăm mình để khi xuống nước để gặp loài thủy tộc, nó nhận ra là con cháu mà không làm hại. Giao long về sau này, chắc là ảnh hưởng của văn hóa Hán mà gọi thành Rồng.

vlu-nam-giap-thin-ke-chuyen-rong-thieng-a.jpg

Định hình và định tính của con rồng là kết quả của nhiều nền văn hóa. Vì vậy mà các nhà khoa học đều thấy giống vật này tích hợp đặc tính của rất nhiều giống vật khác, có cá sấu, có rắn, có hươu,... gộp lại để hình thành nên con Rồng theo tưởng tượng trong dân gian. Nhưng khi đã đi vào nền văn hóa, đi vào tâm thức văn hóa của một dân tộc, thì nó mang ý nghĩa khác. Con rồng được xem như một sức mạnh trường tồn, sức mạnh bền vững. Thời xa xưa, với tổ tiên ta, giống giao long là tiền thân của hình hài con Rồng bây giờ, rất liên quan đến đời sống của người Việt cổ. Khi mang tên Rồng, giống Rồng này cũng liên quan đến sông nước; mà với một nền văn minh lúa nước, nước bao giờ cũng là yếu tố số một trường tồn. Điều đảm bảo cho nền văn minh ấy tồn tại là phải có nước. Từ đó, Rồng trở thành một vật thiêng để khi khô hạn, các cụ thường bảo mong sao Rồng hiện lên để phun nước. Mô hình Rồng từ trên cao xuống đối lập với giống giao long, thủy quái từ dưới nước lên. Tôi cho rằng hai đối cực này là sự tích hợp về văn hóa.

HÌNH TƯỢNG RỒNG TRONG ĐỜI SỐNG
PGS. TS. NGƯT. Phan Thị Bích Hà - Trưởng Khoa Nghệ thuật Sân khấu & Điện ảnh, Trưởng Khoa Nghệ thuật Ứng dụng

Nếu như đối với phương Tây, người ta xem con Rồng là một biểu tượng mạnh mẽ, quyền uy, dũng cảm thì với phương Đông, con Rồng ngoài mang những tính chất mạnh mẽ, quyết liệt như thế lại vẫn có đôi nét khác biệt, nó rất gần gũi trong tâm thức dân gian, nó có mặt trong cấu trúc tinh thần, trong tâm hồn, trong thế giới tinh thần của người dân Việt và gần gũi với đời sống bình dị. Ví như người ta vẫn nói: “Rồng vàng tắm nước ao tù”, “Rồng đến nhà tôm”,... Nói như vậy là để thấy con Rồng đã đi vào đời sống của người dân Việt một cách rất gần gũi, rất là thân thương.

vlu-nam-giap-thin-ke-chuyen-rong-thieng-b.jpg

Người ta nghĩ về con Rồng với một biểu tượng rất mạnh mẽ, cương trường, to lớn, thế nhưng vẫn có những quan điểm, quan niệm về con Rồng trong một cấu trúc không đẹp, hơi kỳ dị, hơi khác thường. Ví như người ta nói về con rồng đất, con rồng tre hay là ma cà rồng chẳng hạn… Điều này hoàn toàn bình thường bởi mỗi nền văn hóa sẽ có cách tiếp cận, tiếp nhận và giải mã biểu tượng khác nhau. Chúng ta biết trong dân gian, một giáp là 12 năm, mỗi năm lấy một con vật làm biểu tượng. Trong đó 11 con vật hiện hữu, là những con vật có thật như con ngựa, con dê, con khỉ, con gà,... Riêng con Rồng là loài vật không có thật mà từ trong truyền thuyết. Vì không có thật nên người ta được tưởng tượng theo cách của mình, từ đó có nhiều cách cảm nhận về Rồng. Dù vậy, cuối cùng khi nghĩ tới Rồng, người ta sẽ nghĩ về sự mạnh mẽ, to lớn, quyền uy và có thể nói là vượt qua tất cả mọi chướng ngại, không khuất phục bất kỳ một rào cản nào.

Bởi con Rồng là con vật trong huyền thoại, không có thật nên khi bước vào thế giới điện ảnh, nó thường xuất hiện trong những phim giả tưởng, khoa học viễn tưởng, phim hành động, phim hoạt hình … Cho đến nay, phải có trên 15 bộ phim được xem là rất xuất sắc làm về Rồng hoặc có yếu tố Rồng. Những phim này được các bạn trẻ thích thú và thu được lợi nhuận cao bởi kỹ xảo, những yếu tố huyền thoại, bí ẩn. Có thể kể đến những bộ phim được các bạn trẻ rất thích như “Trái tim của rồng” đoạt giải Phim Khoa học viễn tưởng hay nhất tại Giải Sao Thổ năm 1997, phim “Gã Chằn tinh tốt bụng” được giải Phim hoạt hình xuất sắc tại Oscar 2002, phim “Harry Potter và chiếc cốc lửa” đạt giải Kỹ xảo xuất sắc nhất.… Việt Nam mình cũng có những phim hoạt hình về lịch sử như Con Rồng Cháu Tiên được sản xuất bởi hãng phim Trẻ được đánh giá cao…

HÌNH TƯỢNG RỒNG TRONG MỸ THUẬT VIỆT NAM
TS. Mã Thanh Cao - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, giảng viên Khoa Mỹ thuật và Thiết kế

Trong văn hóa phương Đông, Rồng vừa mang tính linh thiêng, vừa mang tính huyền thoại. Văn hóa Việt Nam cũng vậy, chúng ta vẫn tự hào là con Rồng cháu Tiên và trong mỹ thuật Việt Nam, hình ảnh của rồng được đặt ở những vị trí trang trọng cũng có, trong dân gian cũng có, tất nhiên, cũng có nhiều biến tấu khác biệt. Rồng Việt Nam đặc trưng nhất là con rồng thời Lý mềm mại, uốn lượn. Rồng tượng trưng cho nền văn minh lúa nước. Rồng phun nước cho nông nghiệp nước ta phát triển. Con rồng thường tượng trưng cho cái dương, cho ánh mặt trời, cho mọi sự hanh thông, may mắn, sự mạnh mẽ, quyền lực, vì vậy hay tượng trưng cho ông vua. Trong nghệ thuật Việt Nam từ thời Lý, thời Trần cho đến các giai đoạn sau này và cho đến tận ngày hôm nay, con Rồng luôn hiển hiện trong những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc, hội họa. Trong nghệ thuật điêu khắc, có rất nhiều tác phẩm được trang trí hình ảnh con rồng với các hoa văn, các pho tượng,... Đặc biệt trong khu Hoàng thành Thăng Long, ta thấy được rất nhiều hình tượng Rồng quý. 

vlu-nam-giap-thin-ke-chuyen-rong-thieng-c.jpg

Rồng thời Trần mạnh mẽ hơn, tương ứng với 3 lần đánh tan quân Nguyên. Ở các giai đoạn sau, Rồng cũng có biến tấu ít nhiều nhưng tựu chung, nó vẫn là một con vật mang nhiều yếu tố tốt và thường được đặt trong những cung điện, trong đình làng, chùa, miếu, rất phổ biến trong văn hóa Việt Nam và trong mỹ thuật Việt Nam.

KHI RỒNG BAY LÊN…
PGS. TS. NGƯT. Phan Thị Bích Hà

Khi nói đến biểu tượng Rồng thì nói đến nước và ngược lại. Đó cũng chính là căn nguyên của cư dân lúa nước, cư dân Việt với huyền thoại Âu Cơ - Lạc Long Quân. Khi nói đến Rồng, những cư dân văn minh lúa nước thường ký thác một niềm tin, mong muốn quanh năm mưa thuận gió hòa để vụ mùa tươi tốt, bội thu. Nhân năm Rồng, tôi gửi lời kính chúc sức khỏe tới toàn thể lãnh đạo, tới tất cả các thầy cô cán bộ, công - nhân viên và các em sinh viên Trường Đại học Văn Lang. Tất cả chúng ta chung niềm mong muốn một năm mưa thuận gió hòa, một vụ mùa thật bội thu, Văn Lang sẽ cất cánh bay lên, bay cao và bay xa thật mạnh mẽ như Rồng, vẫn lấp lánh trong những trầm tích, trong những huyền thoại của cư dân Việt. 

vlu-nam-giap-thin-ke-chuyen-rong-thieng-d.jpg
vlu-nam-giap-thin-ke-chuyen-rong-thieng-e.jpg

Hoài Anh - Gia Hân thực hiện
Hình ảnh: VLU Communication Team

Thẻ