Sinh viên PR Văn Lang chia sẻ góc nhìn về mạng xã hội và khủng hoảng truyền thông

Tác Giả
Ngân Phạm
Ngày
15/07/2023(831 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Ngày 16/7/2023, Khoa Quan hệ Công chúng – Truyền thông trường đại học Văn Lang tổ chức buổi workshop “Mạng xã hội – Ngòi nổ khủng hoảng truyền thông”, trang bị kiến thức cần thiết, tác phong nghề nghiệp cho sinh viên trước khi bắt đầu con đường sự nghiệp.

Với sự bùng nổ thông tin trong kỷ nguyên công nghệ số, các phương tiện truyền thông trên mạng xã hội là công cụ hữu hiệu lan tỏa hình ảnh cá nhân và doanh nghiệp trên con đường xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế nhất định, mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi mang lại nhiều hệ quả tiêu cực.

vlu-sinh-vien-pr-tham-du-workshop-mang-xa-hoi-ngoi-no-khung-hoang-truyen-thong-a.jpg

Giúp sinh viên có cái nhìn gần gũi hơn về việc xử lý khủng hoảng truyền thông hiện nay bằng những phân tích của chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tế, Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông tổ chức buổi workshop “Mạng xã hội – Ngòi nổ khủng hoảng truyền thông” với các khách mời là người nổi tiếng, chuyên gia trong lĩnh vực: TikToker Phạm Thoại - Sở hữu hàng triệu lượt theo dõi trên nền tảng Tiktok, vận động viên Nguyễn Thị Ngọc Tâm - Giám đốc công ty TNHH Thể dục Bằng Tâm, anh Đoàn Thái Kiên - Founder Reputyze Assia, CEO Digityze Asia, chị Zoey Vũ - Quản lý cấp cao và đối ngoại, CEO 540Hz Media và ThS. Lê Ngọc Hường - Nguyên Chủ nhiệm Ban Đối ngoại, quản lý Phú Mỹ Hưng Gallery, giảng viên của khoa Khoa Quan hệ Công chúng - Truyền thông Trường Đại học Văn Lang.

vlu-sinh-vien-pr-tham-du-workshop-mang-xa-hoi-ngoi-no-khung-hoang-truyen-thong-b.jpg

Thảo luận về vai trò của mạng xã hội và những tác động của khủng hoảng truyền thông, ThS. Lê Ngọc Hường cho biết: “Khủng hoảng truyền thông là những tình huống khẩn cấp khi các thông tin của cá thể hoặc doanh nghiệp được nhắc đi nhắc lại trên nhiều phương tiện truyền thông với những yếu tố tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của cá nhân hay công ty.” Theo các nghiên cứu, hiện tại mạng xã hội là thế lực rất mạnh. Nó tạo sức ép dư luận, châm lửa và có khả năng tạo ngòi nổ, từ đó thổi bùng lên khủng hoảng truyền thông. Những người làm công tác xử lý khủng hoảng truyền thông phải hiểu rõ sức mạnh của mạng xã hội, sử dụng và đưa ra những giải pháp xử lý phù hợp nhất.

vlu-sinh-vien-pr-tham-du-workshop-mang-xa-hoi-ngoi-no-khung-hoang-truyen-thong-c.jpg

Là nhân vật có ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội với 4 triệu 200 nghìn lượt theo dõi trên Tiktok, 287.000 người theo dõi trên Facebook, Phạm Thoại chia sẻ về tác động tích cực và tiêu cực mà mạng xã hội mang đến cho chính mình: “Mạng xã hội mang hình ảnh của Thoại đến gần với cộng đồng hơn. Ngoài việc giúp mình theo đuổi đam mê, đây còn là công cụ để mình có thêm thu nhập, vững vàng về kinh tế. Đương nhiên bạn không thể tránh được những bình luận tiêu cực hoặc những lời bàn tán không đúng về bản thân. Chúng ta không sinh ra để làm hài lòng tất cả mọi người. Hãy sống bản lĩnh, làm những việc đúng đắn. Thời gian và kết quả sẽ là minh chứng rõ ràng nhất.

Với góc nhìn của những người lãnh đạo doanh nghiệp, chị Zoey Vũ, anh Đoàn Thái Kiên và chị Nguyễn Thị Ngọc Tâm cho rằng, nếu sử dụng mạng xã hội đúng cách, doanh nghiệp có thể thu nhận được nhiều lợi ích trong kinh doanh, xây dựng hình ảnh thu hút khách hàng. Theo chị Zoey Vũ, content là cách tốt nhất để chạm đến “mindset”, quyết định tâm lý và hành vi của một khách hàng. Một content hay và thu hút sẽ gây được sự chú ý và thiện cảm. Ở mảng mạng xã hội, Tiktok hiện nay nổi bật như một “ngôi sao đang lên” nhờ xây dựng nền tảng video ngắn để quảng bá. Với nội dung giải trí và thời lượng ngắn dưới 2 phút, người dùng có thể tận hưởng các trải nghiệm tối ưu, phù hợp và tiết kiệm thời gian. Video ngắn chính là thứ dễ chạm đến cảm xúc của khách hàng nhất hiện tại.

vlu-sinh-vien-pr-tham-du-workshop-mang-xa-hoi-ngoi-no-khung-hoang-truyen-thong-d.jpg

Tiktok vẫn sẽ tồn tại và phát triển tại thị trường Việt Nam lâu dài. Không thể phủ nhận lợi ích mà Tiktok mang lại cho người dân về thu nhập hay cho doanh nghiệp về quảng bá hình ảnh. Tuy đạt được tối ưu về mặt hiệu quả quảng bá, các chuyên gia cũng lưu ý thêm, bất cứ nền tảng nào hoạt động tại Việt Nam đều phải trên tinh thần tuân thủ pháp luật. Mọi chính sách ban hành đều phải dựa trên quy định thuần phong mỹ tục và pháp luật của nước sở tại mới có thể phát triển. 

vlu-sinh-vien-pr-tham-du-workshop-mang-xa-hoi-ngoi-no-khung-hoang-truyen-thong-e.jpg

Khủng hoảng truyền thông có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Xử lý khủng hoảng sao cho hiệu quả luôn là bài toán khó đối với các tổ chức, cá nhân khi gặp phải. Các doanh nghiệp cần phải có bộ phận xử lý chuyên biệt để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, phía cá nhân cũng cần phải ý thức quản trị hình ảnh đời tư, sử dụng các công cụ truyền thông hiện đại một cách thông minh để đem đến những tác động tích cực, nâng tầm giá trị của thương hiệu. 

Tin: Ngân Phạm
Hình: Nhật Minh

Thẻ