Sinh viên Tâm lý học triển khai dự án Mental Health cùng sinh viên Singapore

Tác Giả
Nguyễn My - Khánh Hưng
Ngày
14/12/2023(1616 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe cộng đồng toàn diện, học hỏi và phát huy, ứng dụng giá trị ngành học vào thực tiễn, sinh viên ngành Tâm lý học chương trình Đào tạo đặc biệt Trường Đại học Văn Lang phối hợp với tổ chức ECO Vietnam Group và Mental Health Cluster triển khai dự án Mental Health với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Mental Health là dự án do các thanh niên Singapore (Mental Health Cluster) thuộc tổ chức Youth Corps Singapore thực hiện, hướng đến chăm sóc sức khỏe tinh thần cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, các thành viên Mental Health Cluster đồng hành cùng sinh viên ngành Tâm lý học chương trình Đào tạo đặc biệt Trường Đại học Văn Lang tổ chức các hoạt động workshop, giao lưu nhằm tìm hiểu và gỡ rối những vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần cho người trẻ Việt, góp phần tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn những phương pháp hiệu quả giúp học sinh, sinh viên Việt Nam có thể tự chữa lành hoặc giúp đỡ người xung quanh đang gặp phải vấn đề tâm lý. Dự án hướng đến mục tiêu trở thành tổ chức vận động, tài trợ và nâng cao hiểu biết chuyên môn cho cộng đồng về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần, xóa bỏ các định kiến về rối loạn tâm thần và thúc đẩy lĩnh vực tâm lý học thêm phát triển.

vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-a.jpg
Dự án Mental Health đã kết nối các thanh niên Singapore thuộc Mental Health Cluster với sinh viên ngành Tâm lý học Trường Đại học Văn Lang.

Thấu hiểu những áp lực vô hình của mỗi người trong xã hội, TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi - Trưởng khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang nhấn mạnh sức khỏe tinh thần là yếu tố quan trọng, cần được mỗi cá nhân và cả cộng đồng chung tay chăm sóc. Thông qua các hoạt động của dự án Mental Health và hoạt động workshop của buổi khai mạc nói riêng, TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi hi vọng sinh viên ngành Tâm lý học Trường Đại học Văn Lang sẽ tiếp nhận nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích từ chuyên gia, kết nối với cộng đồng quốc tế để phát triển bản thân trong học tập, rèn luyện chuyên môn và góp thêm những giá trị thiết thực cho cộng đồng.

vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-b.jpg
ThS. Đoàn Duy Thái Lâm - Phó giám đốc Ban Phát triển Chương trình Đào tạo đặc biệt cho biết, việc kết nối và đồng hành cùng Mental Health Cluster trong dự án Mental Health nằm trong mục tiêu mang lại cơ hội giao lưu văn hóa, mở rộng kiến thức chuyên môn và hội nhập quốc tế cho người học của chương trình Đào tạo đặc biệt.

Dưới góc nhìn của chuyên gia tâm lý học, TS. Nguyễn Thị Vân Thanh - giảng viên Trường Đại học Văn Lang chia sẻ những vấn đề xoay quanh sức khỏe tâm thần, những ảnh hưởng của sức khỏe tâm thần đến đời sống sinh viên, các nguyên nhân dẫn đến rối loạn sức khỏe tâm thần cũng như một số dấu hiệu cảnh báo thường thấy…

vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-c.jpg
TS. Nguyễn Thị Vân Thanh - giảng viên Trường Đại học Văn Lang chia sẻ và giải đáp các thắc mắc xoay quanh vấn đề sức khỏe tâm thần cho sinh viên tham dự.

Theo TS. Nguyễn Thị Vân Thanh, những sinh viên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sức khỏe tinh thần suy giảm thường có xu hướng thực hiện các hành vi hung hăng, gây náo loạn và dễ sa ngã vào việc sử các chất kích thích. TS. Nguyễn Thị Vân Thanh nhắn nhủ, việc xây dựng một tâm hồn trong sáng, khỏe mạnh sẽ giúp sinh viên học tập và làm việc hiệu quả, có động lực tiếp tục theo đuổi những mục tiêu trong cuộc sống. Bên cạnh việc rèn luyện tự thân, Tiến sĩ nhận định vai trò của gia đình và trường lớp là hết sức quan trọng. Khi mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được cân bằng và hòa thuận, khả năng mắc các căn bệnh về tâm lý cũng từ đó giảm thiểu. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần từ Nhà trường sẽ giúp học sinh, sinh viên cải thiện các kỹ năng xã hội, kết nối với cộng đồng, được cảm thông và học cách đồng cảm, thấu hiểu với những người xung quanh.

vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-d.jpg
Các trải nghiệm thực tế, hoạt động kết nối  trong quá trình học tập giúp sinh viên Văn Lang dễ dàng tiếp thu và ứng dụng kiến thức chuyên môn vào thực tiễn.

Nhằm kết nối nhóm sinh viên Việt Nam và Singapore, đồng thời thực hành những kiến thức đã học, chương trình tổ chức trò chơi Escape Room, giải mã và khám phá nội tâm của nhân vật tiến sĩ Jack bí ẩn. Quá trình đồng hành để vượt qua thử thách giúp sinh viên Văn Lang và nhóm Mental Health Cluster đến từ đảo quốc Sư tử thêm thấu hiểu nhau, có với nhau thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-e.jpg
vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-f.jpg
vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-g.jpg
vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-h.jpg
vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-i.jpg
vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-j.jpg

Học cách chữa lành cho bản thân…

Trong khuôn khổ dự án Mental Health, sinh viên ngành Tâm lý học chương trình Đào tạo đặc biệt và nhóm Mental Health Cluster tiếp tục tổ chức workshop “Mental Wellness for Self”, giúp sinh viên nâng cao nhận thức và mở rộng hiểu biết về sức khỏe tinh thần.

vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-k.jpg
Nhóm sinh viên Singapore chia sẻ cùng sinh viên Văn Lang cách nhận biết hai loại căng thẳng: căng thẳng tích cực và căng thẳng tiêu cực.

Giúp sinh viên hiểu rõ về tác động của suy nghĩ đến cảm xúc và hành vi, workshop giới thiệu đến người tham dự mô hình ABC: bắt nguồn từ một sự kiện mang tính kích thích (Activating event) dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực (Belief), từ đó kéo theo những cảm xúc và hành động tiêu cực (Consequent emotions & actions).

Trong đời sống học đường, những suy nghĩ tiêu cực sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, giảm chất hiệu suất học tập và dễ dàng khiến khiến sinh viên rơi vào trạng thái cảm xúc tự ti, ảnh hưởng các mối quan hệ xung quanh.

vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-l.jpg
Vẽ tranh là một trong những phương pháp quản lý căng thẳng hiệu quả. 

Để chữa lành tâm trí khỏi những suy nghĩ tiêu cực, workshop cũng giới thiệu đến người tham dự mô hình ABCDE. Tương tự mô hình trước đó nhưng ngay sau bước suy nghĩ (Belief), ta cần nỗ lực để đi đến bước đấu tranh nội tâm (Dispute belief) và hình thành cho bản thân lối tư duy hiệu quả (Effective new thinking) để có thể đẩy cảm xúc, hành động của bản thân theo hướng tích cực hơn. Ngoài ra, kỹ thuật nắm bắt - kiểm tra - thay đổi cũng là một cách để sinh viên điều tiết tâm trạng và suy nghĩ, hạn chế cảm xúc và hành động tiêu cực.

…và chữa lành cho những người thân cận

Khép lại chuỗi hoạt động thuộc dự án Mental Health, sinh viên ngành Tâm lý học chương trình Đào tạo đặc biệt và nhóm Mental Health Cluster Singapore tham gia workshop “Mental Wellness for Others”, trao đổi và đúc kết nhiều bài học hỗ trợ chữa lành các vấn đề tâm thần cho người trẻ gặp phải khó khăn trong học tập và cuộc sống.

vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-m.jpg
ThS. Phạm Văn Tuân - giảng viên ngành Tâm lý học Trường Đại học Văn Lang tổng kết chương trình và gửi lời cảm ơn đến đoàn sinh viên Singapore. 

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cá nhân, việc quan tâm và hỗ trợ người xung quanh hạn chế và chữa lành những tổn thương tinh thần cũng hết sức quan trọng. Khép lại chuỗi hoạt động thuộc dự án Mental Health, sinh viên ngành Tâm lý học chương trình Đào tạo đặc biệt và nhóm Mental Health Cluster Singapore tổ chức workshop “Mental Wellness for Others”, tìm hiểu về phương pháp 3Rs, giúp nhận biết và hỗ trợ bạn bè, người thân mắc phải các vấn đề tâm lý.

vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-n.jpg
Nhóm sinh viên Singapore và Việt Nam trao nhau những chiếc vòng tay tự làm như một món quà kỷ niệm hành trình ý nghĩa.

Trạng thái mệt mỏi, tâm trạng ủ rũ, mất ngủ kéo dài,... là những biểu hiện thường thấy giúp ta nhận biết bản thân hoặc người xung quanh đang gặp phải những vấn đề bất ổn, căng thẳng trong cuộc sống. Sau khi nhận biết tình trạng, ta có thể lựa chọn một trong hai cách tiếp cận bằng ngôn ngữ hình thể hoặc bằng lời nói để tạo nên cảm giác an toàn, thoải mái cho người đối diện. Trong đó, tiếp cận bằng lời nói có tính chủ động hơn. Đối với trường hợp đối phương không thể thoát khỏi trạng thái tâm lý tiêu cực sau khi nhận sự giúp đỡ, ta cần động viên để người ấy tìm kiếm sự trợ giúp từ những chuyên gia tham vấn tâm lý, tìm ra phương pháp điều trị chuẩn y học và hiệu quả hơn.

vlu-trien-khai-du-an-mental-health-cung-sinh-vien-singapore-o.jpg
Dự án Mental Health không chỉ mang đến những kiến thức hữu ích mà còn tạo nên nhiều kỷ niệm và tình bạn đẹp cho các sinh viên Việt Nam, Singapore tham dự.

Không chỉ học từ thầy cô, từ những kiến thức trên giảng đường, các trải nghiệm trong quá trình thực hiện dự án thực tế, tham gia workshop hay chương trình kết nối cùng bạn bè các nước cũng đem đến nhiều bài học quý cho sinh viên Văn Lang. Với quá trình học thật, trải nghiệm thật, làm thật và mang lại những giá trị thật cho cộng đồng, tin rằng sinh viên ngành Tâm lý học nói riêng và sinh viên Văn Lang nói chung sẽ luôn vững kiến thức, giàu đam mê, sẵn sàng hội nhập.

Tin: Nguyễn My - Khánh Hưng
Hình ảnh: Khánh Đăng - Minh Hoàng - Trung Hiếu - Trung Tín

Thẻ