Ngày 15/09/2023, tại sự kiện “Công nghệ và Giáo dục” diễn ra ở Trường Đại học Văn Lang, các chuyên gia công nghệ và giáo dục trên thế giới đã khẳng định: Trí tuệ nhân tạo - AI sẽ mang đến một cuộc cách mạng lớn cho ngành giáo dục toàn thế giới.
Ngày 15/09/2023, Trường Đại học Văn Lang tổ chức sự kiện “Công nghệ và Giáo dục” với quy mô quốc tế, quy tụ các nhà lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ: bà Sonja Delafosse - Giám đốc Microsoft, giám sát Nhóm Trao quyền Giáo dục và chiến lược phát triển chuyên môn cho ngành giáo dục toàn cầu; Ông Eklavya Bhave - Giám đốc khu vực Cấp cao - châu Á của Coursera; TS. John Kang - Giám đốc Hợp tác châu Á, Đại học Carnegie Mellon; Bà Nguyễn Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển đổi mới sáng tạo giáo dục (CIED); ThS. Phạm Kim Cương - Founder, CEO Cohost AI Inc, từng giành Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Tin học quốc tế 2000; Ông Lim Seng Tat - Chuyên gia hơn 10 năm kinh nghiệm là Giám đốc Kinh doanh Altair; và đặc biệt là Giáo sư Donald Marinelli - Đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ Giải trí (ETC) tại Đại học Carnegie Mellon, giáo sư Đại học Arizona State.
Đại dịch COVID-19 là thách thức nhưng đồng thời cũng là điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn. Bước vào kỷ nguyên VUCA, Trường Đại học Văn Lang nhận thức rõ tầm quan trọng chiến lược cũng như tính cấp thiết của việc ứng dụng công nghệ nhằm hướng đến mục tiêu đại học số. Trong những năm gần đây, Nhà trường đã bước đầu thiết lập thành công nền tảng trên cơ sở số hóa cho công tác quản lý vận hành; hoàn thiện hệ thống quản lý học tập; triển khai mạnh mẽ công tác học tập trực tuyến và đẩy mạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng học thuật, tích hợp công nghệ vào quá trình đào tạo, ứng dụng nội dung số.
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang phát biểu: “Khi nói đến ảnh hưởng của công nghệ đối với giáo dục. công nghệ số hóa giữ một vai trò trung tâm. Các công nghệ chính bao gồm trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu học tập, internet vạn vật/ thiết bị thông minh, robot và blockchain có ảnh hưởng mang tính cải biến mạnh mẽ đối với việc dạy và học, quản lý vận hành hệ thống đào tạo. Trường Đại học Văn Lang luôn mong muốn là đơn vị tiên phong trong giáo dục, tăng cường trải nghiệm cho sinh viên cũng như tạo thêm những giá trị mới trên nền tảng chuyển đổi số.”
Với sự phát triển vượt bậc của nền tảng số, bà Sonja Delafosse - Giám đốc Microsoft, giám sát Nhóm Trao quyền Giáo dục và chiến lược phát triển chuyên môn cho ngành giáo dục toàn cầu đã khái quát quá trình hiện đại hóa công nghệ để nhấn mạnh bước tiến mạnh mẽ của công cuộc ứng dụng số trong lĩnh vực giáo dục. Dưới góc nhìn của chuyên gia, bà Sonja Delafosse đánh giá cao tính năng của Chat GPT trong việc hình thành trải nghiệm, kết nối người học với cộng đồng và cá nhân hóa nền tảng học tập. Từ những điểm sáng của trí tuệ nhân tạo, chuyên gia đưa ra 07 phương thức kết hợp giáo dục và công nghệ.
Đại diện nhóm ngành Khoa học Sức khỏe Trường Đại học Văn Lang, TS. BS. Trần Ngọc Quảng Phi - Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt báo cáo kết quả chuyển đổi số trong đào tạo nha khoa kỹ thuật số, những thay đổi về công nghệ và kỹ thuật trong hoạt động đào tạo ngành Răng Hàm Mặt vừa qua. Được biệt, Khoa Răng Hàm Mặt Trường Đại học Văn Lang là đơn vị đại học tiên phong và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại sở hữu dàn thiết bị nha khoa kỹ thuật số hàng đầu với các thiết bị Prime Scan tích hợp công nghệ AI tiên tiến.
Với ông Eklavya Bhave - Giám đốc khu vực Cấp cao - châu Á của Coursera, mục tiêu “Quality Education” có tác động mạnh mẽ đến 16 mục tiêu phát triển bền vững còn lại của Liên hiệp quốc. Trên cơ sở đó, việc tích hợp trí tuệ thông minh sẽ là tiền đề khai mở những hướng học mới. Ông cũng khẳng định sự kết hợp giữa Chat GPT và Coursera sẽ mở ra kỷ nguyên mới của học tập trực tuyến tương tác được cá nhân hóa. Nhằm làm rõ luận điểm cá nhân, ông Eklavya Bhave đưa ra các số liệu cụ thể để khẳng định các công việc mới nổi đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật số và có thể thực hiện từ xa.
Với điểm chạm là đề tài công nghệ trí tuệ nhân tạo đang nóng bỏng toàn cầu, tọa đàm “Cơ hội và thách thức của ứng dụng AI trong giáo dục” đã cung cấp cái nhìn đa chiều về ứng dụng AI trong giáo dục, xây dựng tài nguyên số, học thuật số trên nền tảng công nghệ. Những chia sẻ từ ThS. Bùi Phạm Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, TS. John Kang - Giám đốc Hợp tác châu Á, Đại học Carnegie Mellon, bà Nguyễn Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển đổi mới sáng tạo giáo dục (CIED), ThS. Phạm Kim Cương - Founder, CEO của Cohost AI và ông Eklavya Bhave - Giám đốc khu vực Cấp cao - châu Á của Coursera, đã phần nào cho thấy tầm quan trọng, tiềm năng của công nghệ AI trong việc tối ưu hóa trải nghiệm giáo dục, xây dựng xã hội học tập suốt đời.
Thông qua phần thảo luận của các chuyên gia, có thể thấy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục vừa mang tính thách thức vừa là cơ hội khởi chào kỷ nguyên mới. Nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng làn sóng công nghệ mới, AI và Internet vạn vật phải không ngừng phát triển, hoạt động liên tục trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, ở phương diện khác, nhiều tranh cãi cho rằng Chat GPT có thể làm con người trở nên thụ động và lệ thuộc. Bằng câu hỏi gợi mở: “Với sự thay đổi này, chúng ta nên làm gì để thích ứng với hình thái kinh tế xã hội hiện nay?”, các phương án giải quyết được đưa ra đó là giảng viên và sinh viên cần phải học cách làm chủ công nghệ cũng như thúc đẩy đầu tư trong nghiên cứu và giáo dục về AI, phát triển các kỹ năng và kiến thức thực tế bên cạnh kiến thức nền tảng từ trường học,...
Chia sẻ về sự hội tụ của khoa học tính toán và AI trong khối ngành kỹ thuật, ông Lim Seng Tat - Giám đốc Kinh doanh Altair Engineering, hơn 5 năm kinh nghiệm làm Giám đốc Kỹ thuật Altair và 20 năm trong vai trò Kỹ sư phát triển phần mềm mô phỏng kỹ thuật mới (CAE) cho biết: Cùng với bước chuyển mình của công nghệ, sự phát triển của thiết kế trong khối ngành công nghiệp sẽ dựa trên mô phỏng và dữ liệu. Thay vì những thiết kế thủ công, thiết kế trên máy tính 2 chiều, ngày nay, nhân loại đã phát triển thêm các phần mềm thiết kế 3 chiều, thiết kế dựa trên mô phỏng. Bên cạnh đó, quá trình xác thực sản phẩm cũng được thực hiện nhanh chóng và tinh lược hơn với những mô phỏng máy tính, những thiết kế dựa trên dữ liệu số thay vì phải thử nghiệm vật lý nhiều lần hoặc đưa vào quá trình thử nghiệm vận hành trong dịch vụ.
Trong lần kết nối cùng Trường Đại học Văn Lang này, GS. Donald Marinelli - Đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ Giải trí (ETC) tại Đại học Carnegie Mellon và giáo sư Đại học Arizona State đã chỉ ra bộ 6 nguyên tắc của IoT (Internet of Things) có thể tích hợp trong giáo dục: sản phẩm thông minh, quản lý dữ liệu, phát triển thiết kế, quan hệ đối tác mới, thuật toán thông minh, mạng và kết nối. Giáo sư cụ thể hóa các ví dụ về ứng dụng công nghệ trong thiết bị trò chơi như Roblox để khẳng định quan điểm “Art in Technology and Technology in Art” về thế giới thực tế ảo. Giáo sư cũng cho biết, trí tuệ nhân tạo ngày nay vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông đưa ra những sai sót cụ thể về thông tin khi bản thân thực nghiệm trên nền tảng Chat GPT.
Chiều cùng ngày, Trường Đại học Văn Lang ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Altair Engineering, đồng thời Trường xác định hợp tác cùng Coursera - nền tảng học tập trực tuyến hàng đầu thế giới. Việc thắt chặt liên kết giữa giáo dục và công nghệ, giữa Nhà trường cùng các tổ chức công nghệ uy tin quốc tế cho thấy sự đầu tư quyết tâm vào chuyển đổi số của Trường Đại học Văn Lang.
Tin: Ánh Minh - Hùng Việt
Hình ảnh: Thịnh Trần - Văn Bình
Thẻ
Gửi thất bại