Sức khỏe tâm thần trong thời đại số: Vấn đề toàn cầu

Tác Giả
Thanh Tâm
Ngày
25/07/2024(605 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Ngày 26/7/2024, Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Trường Đại học Lourdes – Philippines, Trường đại học Quản lý và Công nghệ Tunku Abdul Rahman - Malaysia và một số tổ chức quốc tế, trường đại học, hội tâm lý học trị liệu Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế chuyên đề “Sức khỏe tâm thần trong thời đại số: Vấn đề toàn cầu”. Sự kiện đã tạo diễn đàn cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà thực hành, học viên cao học và sinh viên cùng tham gia bàn luận, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm.

suc-khoe-tam-than-trong-thoi-dai-so-van-de-toan-cau-a.jpg
TS. Phạm Văn Tuân - Trưởng Bộ môn Tâm lý học nêu lên mối quan ngại sâu sắc về vai trò của sức khỏe tâm thần trong thời đại mới.

Ngày nay, sức khỏe tâm thần dần trở thành mối quan tâm đối với nhiều người. Trước tác động của công nghệ số, các biến cố tự nhiên và xã hội, vấn đề sức khỏe tâm thần của con người đã và đang diễn biến phức tạp, có tính chất toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống ở nhiều khía cạnh. Điều này nhấn mạnh vai trò của các nhà nghiên cứu, thực hành tâm lý học và công tác xã hội trong việc tìm hiểu và phục vụ cho sức khỏe cộng đồng.

Sau 6 tháng triển khai, hội thảo đã nhận được gần 100 bài tham luận từ nhiều cá nhân, tập thể nghiên cứu viên, chuyên gia, nhà khoa học, nhà thực hành, học viên cao học và sinh viên đến từ nhiều quốc gia như Ấn độ, Đài Loan, Trung quốc, Malaysia, Philippines, Nhật Bản, Myanmar và các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu, cơ sở thực hành tại Việt Nam. Trong đó, hơn 70 bài tham luận được đăng tải trong kỷ yếu và một số bài tham luận tiêu biểu đã được trình bày tại hội thảo.

suc-khoe-tam-than-trong-thoi-dai-so-van-de-toan-cau-b.jpg
TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi - Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang 

TS. Nguyễn Bảo Thanh Nghi - Trưởng Khoa Xã hội và Nhân văn Trường Đại học Văn Lang cho biết: “Đây là lần đầu đầu tiên Khoa Xã hội và Nhân văn tổ chức một hội thảo quốc tế với chủ đề nóng như “Sức khỏe tâm thần trong thời đại số”. Tôi rất vui và lấy làm vinh dự khi nhận được sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế và thu hút được các bài tham luận chất lượng, chuyên sâu từ 07 quốc gia (không tính Việt Nam). Buổi hội thảo không chỉ là cơ hội để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm, thực hành thảo luận cùng nhau mà còn mở ra mạng lưới kết nối rộng khắp giữa các thành viên để cùng trau dồi và hợp tác nghiên cứu khoa học trong tương lai”.

Kết nối online cùng hội thảo, GS. Loke Chui Fung - Phó Hiệu trưởng Trường đại học Quản lý và Công nghệ Tunku Abdul Rahman, Malaysia nhấn mạnh: cách mạng về công nghệ số đóng vai trò quan trọng để con người có thể đạt được những bước tiến vượt bậc trong việc phát triển xã hội. Tuy nhiên, theo GS. Loke Chui Fung, kéo theo đó là những gánh nặng về mặt tâm lý cũng như bất ổn trong sức khỏe tâm thần mà chúng ta cần đào sâu nghiên cứu để tìm ra biện pháp giải quyết hiệu quả. “Với nhiều góc độ văn hóa khác nhau và nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu từ các quốc gia tham dự, tôi tự tin rằng buổi hội thảo ngày hôm nay sẽ giúp chúng ta thấy được tính khả thi và tiềm năng có thể thấu hiểu được những nan đề về sức khỏe tâm thần” - GS. Loke Chui Fung khẳng định.

suc-khoe-tam-than-trong-thoi-dai-so-van-de-toan-cau-c.jpg

Đại dịch COVID-19 qua đi đã phơi bày một thực tế đáng báo động: sức khỏe tâm thần không còn là vấn đề riêng của một cá nhân hay một quốc gia, mà đã trở thành một thách thức toàn cầu. TS. Ines Danao từ Trường Đại học Lourdes College - Philippines cho rằng, các đơn vị có trách nhiệm cần hợp tác để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ sức khỏe tâm thần của mọi người. Đồng thời, buổi hội thảo còn nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tìm kiếm các giải pháp toàn cầu để đối phó với vấn đề này.

suc-khoe-tam-than-trong-thoi-dai-so-van-de-toan-cau-d.jpg
PGS. Shu-Wen Liu - Đại học Saint Joseph, Macao, Trung Quốc đã trình bày tham luận “Sử dụng công nghệ số, chiến lược nuôi dạy con cái và bắt nạt qua mạng”

Tại hội thảo, PGS. Shu-Wen Liu - Đại học Saint Joseph, Macao, Trung Quốc đã trình bày tham luận “Sử dụng công nghệ số, chiến lược nuôi dạy con cái và bắt nạt qua mạng”. Nền tảng của công trình nghiên cứu dựa trên thực tế về việc gia tăng tích hợp công nghệ số vào trong đời sống hàng ngày, từ đó dẫn đến nguy cơ gây tổn thương đến các đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên trên nền tảng mạng xã hội. Từ nghiên cứu của mình, PGS. Shu-Wen Liu đã đặt ra nhiều mối quan tâm về vai trò và trách nhiệm của phụ huynh trong việc kèm cặp, định hướng con cái trong thời đại số. 

Sau khi tiến hành tiếp cận nhằm khảo sát, đo lường 224 trường hợp khác nhau giữa 03 nhóm phụ huynh đến từ Macao, Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục; PGS. Shu-Wen Liu cho biết có hai trường phái chính trong chiến lược nuôi dạy, quản lý con cái hiện nay gồm: quyết đoán và hòa hoãn. Ở nhóm phụ huynh quyết đoán, việc đặt ra các biện pháp giới nghiêm, điều tiết sử dụng Internet một cách cứng rắn với con trẻ sẽ làm giảm thiểu nguy cơ nghiện Internet ở thanh thiếu niên, đặc biệt ở đối tượng trẻ tiểu học và giảm dần hiệu quả ở các độ tuổi về sau. Ngược lại, phương pháp tiếp cận hòa hoãn, cho con cái tiếp xúc tự do hơn với môi trường mạng dễ làm gia tăng khả năng nghiện Internet ở trẻ, làm chúng đứng trước các mối đe dọa từ không gian mạng.

Qua đó, PGS. Shu-Wen Liu đã khẳng định rằng các phương pháp giáo dục về công nghệ số và sự đồng hành của phụ huynh là yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược nuôi dạy con cái. Ngoài ra, bà cũng đề xuất tổ chức các chương trình định hướng, nâng cao ý thức cho phụ huynh nhằm gia tăng sự hiểu biết của các đối tượng trên về tầm quan trọng của trách nhiệm dạy bảo và kèm cặp con em trong thời đại số.

suc-khoe-tam-than-trong-thoi-dai-so-van-de-toan-cau-e.jpg
ThS. Darcy Võ - Công ty Công nghệ Giáo dục Speakia, New Zealand trình bày tham luận “Khám phá TetraMap như một công cụ nâng cao sức khỏe tâm thần trong thời đại kỹ thuật số: góc nhìn toàn cầu”

Ở bài tham luận “Khám phá TetraMap như một công cụ nâng cao sức khỏe tâm thần trong thời đại kỹ thuật số: góc nhìn toàn cầu”, ThS. Darcy Võ - Công ty Công nghệ Giáo dục Speakia, New Zealand đã giới thiệu mô hình TetraMap - giải pháp cho việc thấu hiểu bản thân và giao tiếp hiệu quả trong thời đại công nghệ số. Trong bối cảnh số hóa, con người có nhiều cơ hội cùng làm việc, sinh hoạt trong môi trường thế giới phẳng. Tuy nhiên, chúng ta lại đối mặt với những thách thức trong giao tiếp do sự khác biệt về văn hóa, lối tư duy gây nên những hiểu lầm không đáng có và để lại những chấn thương tinh thần do sự phức tạp trong tâm lý con người. Từ đây, TetraMap xuất hiện như một công cụ cung cấp giải pháp trong việc nhìn nhận bản thân và tăng cường sự hợp tác hiệu quả cho cộng đồng.

TetraMap là một mô hình học tập độc đáo, giúpkhám phá sự đa dạng trong bản chất con người. Mô hình này sử dụng bốn yếu tố cơ bản của tự nhiên là Đất, Khí, Nước và Lửa để phân tích và hiểu rõ hơn về cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Mỗi nhóm yếu tố nêu trên đại diện cho một cách tiếp cận khác nhau với cuộc sống. Bằng cách hoàn thành các bài trắc nghiệm, con người sẽ xác định được yếu tố nào chiếm ưu thế trong bản thân và hiểu rõ hơn về những đặc điểm nổi bật của mình. Từ đó có thể áp dụng những kiến thức này để cải thiện các mối quan hệ, giải quyết xung đột và đạt được mục tiêu cá nhân.

Sau khi tiến hành khảo sát trên các đối tượng đã sử dụng mô hình TetraMap, ThS. Darcy Võ đã rút ra kết luận rằng TetraMap được đánh giá là một công cụ quan trọng để tăng cường giao tiếp và sức khỏe tinh thần trong thời đại kỹ thuật số. Mô hình có khả năng thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và cải thiện động lực giữa các cá nhân, trở thành một giải pháp phổ quát cho những thách thức thời hiện đại. Việc áp dụng TetraMap rộng rãi hơn có thể mang lại lợi ích đáng kể cho các tổ chức trên toàn thế giới, thúc đẩy các hoạt động giao tiếp lành mạnh hơn và cải thiện sức khỏe tâm thần. 

“Một điểm mạnh của mô hình TetraMap là nó không hề giới hạn con người ở một nhóm tính cách cố định, vì chúng ta là trung hòa của tất cả các nguyên tố và có tính biến đổi theo thời gian. Dựa trên cơ sở đó, TetraMap sẽ giúp ta phát hiện ra các thế mạnh, tiềm năng của bản thân và tìm cách phát triển để xây dựng nên một cộng đồng đoàn kết, bổ trợ cho những khiếm khuyết của nhau” - Bà thông tin thêm.

suc-khoe-tam-than-trong-thoi-dai-so-van-de-toan-cau-f.jpg
PGS. Law Mei Yui Trường đại học Quản lý và Công nghệ Tunku Abdul Rahman, Malaysia trình bày tham luận “Căng thẳng tâm lý, hỗ trợ xã hội và cảm nhận hạnh phúc: So sánh giữa Bhutan và Malaysia”
suc-khoe-tam-than-trong-thoi-dai-so-van-de-toan-cau-g.jpg
PGS. Anish K.R. - Nguyên Trưởng Khoa Công tác Xã hội Trường Cao đẳng Rajagiri và Cao đẳng Marian Kuttikkanam, Ấn Độ trình bày tham luận “Đánh giá tác động của mô hình can thiệp đến năng lực xã hội và phúc lợi của thanh thiếu niên: thông tin chi tiết từ một thí nghiệm đối chứng ngẫu nhiên”

Ngoài ra, PGS. TS. Chung-Ying Lin, Đại học Quốc gia Cheng Kung kết nối online cùng hội thảo, trình bày tham luận “Mối liên hệ giữa vấn đề sử dụng internet và chất lượng cuộc sống ở thanh niên mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)”.

suc-khoe-tam-than-trong-thoi-dai-so-van-de-toan-cau-h.jpg

Chiều cùng ngày, buổi hội thảo diễn ra với 02 tiểu ban song song, trình bày các chủ đề “Sức khỏe tâm thần của các nhóm xã hội và các yếu tố liên quan” và “Nhu cầu và các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tâm thần” qua hình thức trực tiếp và trực tuyến qua Zoom. Với những bài tham luận chất lượng cao, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ những kiến thức chuyên môn sâu rộng, những kinh nghiệm thực tiễn quý báu về chủ đề “Sức khỏe tâm thần trong thời đại số”.

suc-khoe-tam-than-trong-thoi-dai-so-van-de-toan-cau-j.jpg

Không chỉ đóng góp cho nền nghiên cứu, học thuật nước nhà những tham luận giá trị, hội thảo còn là cơ hội để các diễn giả giao lưu, học hỏi lẫn nhau, mở ra những hướng nghiên cứu mới và thúc đẩy sự hợp tác giữa các đơn vị thành viên, cùng đồng hành và phát triển trong tương lai.

Tin: Thanh Tâm
Hình: Khánh Thịnh - Đắc Khánh

Thẻ