Thực tiễn áp dụng quy chuẩn trong xây dựng đường cao tốc ở miền Tây Nam Bộ

Tác Giả
ThS. Đỗ Quang Thuần - Lưu Ngọc Tuyết - Trần Quỳnh My
Ngày
02/02/2025(712 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn thời gian di chuyển, thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế, đặc biệt là tại khu vực Miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều tuyến cao tốc ở khu vực này đã gặp phải những sai phạm trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đường cao tốc, dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng về con người và tài sản. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng công trình mà còn làm giảm hiệu quả của hệ thống giao thông, gây ra các rủi ro lớn cho người tham gia giao thông. Bài viết này sẽ đánh giá thực trạng các tuyến cao tốc đã được đưa vào sử dụng, phân tích nguyên nhân gây ra các bất cập và đưa ra các giải pháp khắc phục, tối ưu hóa hạ tầng hiện có, đồng thời kiến nghị sửa đổi các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các dự án cao tốc trong tương lai.

Từ khoá: Tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ quả, kiến nghị, giải pháp, cao tốc, hạ tầng, bất cập.

1. Tổng quan

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế - xã hội phát triển nhanh chóng. Ngành giao thông vận tải đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể, đặc biệt là việc đưa vào khai thác hàng loạt dự án đường cao tốc, hình thành các trục giao thông huyết mạch, góp phần cải thiện rõ rệt hạ tầng giao thông. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vận chuyển hàng hóa giữa các vùng, quốc gia và thúc đẩy giá trị thương mại xuất nhập khẩu, việc nghiên cứu, quy hoạch và xây dựng các tuyến cao tốc mới kết nối liên vùng là nhiệm vụ cấp thiết. Hệ thống đường cao tốc không chỉ giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông mà còn nâng cao hiệu quả logistics, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng, liên tỉnh thuận lợi, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng và tối ưu hóa chi phí vận tải.

Tuy nhiên, các văn bản pháp luật quy định về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng đường cao tốc hiện hành vẫn còn nhiều bất cập, thiếu tính thực tiễn và chế tài. Thực tế cho thấy, việc áp dụng các quy định này còn mang tính hình thức, thiếu sâu sát với tình hình thực tiễn, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là hiện tượng cắt giảm số lượng làn đường, thu hẹp bề rộng làn xe so với thiết kế ban đầu, gây khó khăn trong vận hành, đặc biệt khi xảy ra các sự cố giao thông, làm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và lợi ích của người tham gia giao thông. Thậm chí, các làn xe cần thiết như làn khẩn cấp, làn cấp cứu và các trạm dừng nghỉ cũng không được bố trí đầy đủ, dẫn đến hàng loạt bất cập như tình trạng ùn tắc giao thông, không đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các phương tiện, và gây khó khăn trong việc vượt xe. Những thiếu sót này tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông cũng như hiệu quả khai thác hệ thống đường cao tốc.[3] Đồng thời, sự thiếu sót trong việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án xây dựng đường cao tốc từ phía cơ quan nhà nước và các tổ chức liên quan đã góp phần tạo ra sự không đảm bảo về chất lượng công trình. Hệ quả là các tuyến đường này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân khi sử dụng mà còn đòi hỏi kinh phí lớn để sửa chữa khi xảy ra hư hỏng, gây lãng phí nguồn lực và làm giảm hiệu quả phát triển hạ tầng giao thông quốc gia

Mặc dù nhận thức rõ tầm quan trọng trong việc áp dụng đúng quy chuẩn về xây dựng đường cao tốc, thế nhưng trong khu vực miền Tây Nam Bộ - vùng có vị trí chiến lược quan trọng trong việc kết nối các vùng kinh tế (bao gồm 13 tỉnh thành) nhưng hiện nay chỉ chiếm khoảng 90km là đường cao tốc. Con số này chỉ bằng 50% đường cao tốc tại Quảng Ninh (gần 200km) và chiếm 7% so với đường cao tốc trên cả nước (1.239km).[4]  Đây là trở ngại vô cùng lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. 

Thực trạng này đặt ra một trở ngại lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Tây Nam Bộ, gây khó khăn trong việc kết nối liên vùng, thúc đẩy giao thương và nâng cao đời sống người dân. Một số tuyến đường cao tốc trọng điểm đã và đang được triển khai trong khu vực bao gồm:[5]

Thứ nhất, Cao tốc Hậu Giang - Cà Mau

Thứ hai, Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Thứ ba, Cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Thứ tư, Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi

Thứ năm, Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh

Thứ sáu, Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Việc phát triển và hoàn thiện các tuyến cao tốc này sẽ là yếu tố then chốt để cải thiện hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí logistics và tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của toàn vùng.

Tuy nhiên, các tuyến đường cao tốc tại miền Tây Nam Bộ vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong việc tuân thủ quy phạm và quy chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, các đơn vị thiết kế và thi công chưa áp dụng đầy đủ và chính xác các quy định, tiêu chuẩn hiện hành, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn làm gia tăng chi phí xây dựng và sửa chữa các tuyến đường. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc quá phụ thuộc vào các thiết kế cũ, không kịp thời cập nhật, điều chỉnh thiết kế theo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, dẫn đến sai lệch thông số so với quy định. Đồng thời, quy trình thẩm định và phê duyệt dự án từ phía Bộ Giao thông Vận tải cũng bộc lộ những thiếu sót, khi các dự án chưa được thẩm định chặt chẽ trước khi đưa vào triển khai.

Bên cạnh đó, hệ thống quy phạm kỹ thuật trong Bộ Tiêu chuẩn, Quy chuẩn vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, với hành lang pháp lý không chặt chẽ và sự mơ hồ trong nội dung, gây khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn. Những vấn đề này đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng giao thương liên vùng, kết nối các tỉnh thành trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của miền Tây Nam Bộ.

2. Thực tiễn áp dụng quy chuẩn trong xây dựng đường cao tốc ở miền Tây Nam Bộ

2.1 Thực trạng áp dụng quy chuẩn trong xây dựng đường cao tốc 

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án cao tốc Bắc - Nam GTVT [6] đã chỉ ra những lý do cần phải gấp rút xây dựng đường cao tốc, từ đó nhanh chóng đưa ra những phương án hợp lý và phù hợp trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, các dự án đa số bị rơi vào tình trạng không đúng tiến độ, không đúng quy chuẩn dẫn đến hàng loạt hệ luỵ về sau. Mọi yếu tố cũng như một sai sót nhỏ cũng dẫn đến một hệ quả vô cùng lớn. 

Một ví dụ điển hình là tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong quá trình lập kế hoạch cũng như phê duyệt dự án chưa có sự theo dõi sát sao từ những bộ phận liên quan, những công việc cần thiết cho việc xây dựng chưa thực sự tốt, kèm theo đó là những vấn đề phát sinh phía sau như nguồn vốn, nguồn nguyên vật liệu, nhà đầu tư,... dẫn đến dự án này dường như bị “bỏ phế” 10 năm. Trong quá trình thi công, nhận thấy nguồn vốn đầu tư không đủ để đáp ứng quy mô xây dựng hiện tại, chủ đầu tư đã quyết định cắt giảm đi các quy chuẩn, bóp nhỏ lại quy mô làn đường cũng như bề mặt đường, làm tuyến đường xuất hiện những nút thắt cổ chai gây nguy hiểm vô cùng cho người đi đường [7]Với một tuyến cao tốc chỉ mới khánh thành 80 ngày đã nhận về hàng ngàn cuộc gọi giải đáp, giải quyết hơn 55 vụ va chạm, 489 trường hợp nổ xe, hết nhiên liệu,… Chưa kể đến những quy chuẩn bắt buộc phải có trên đường cao tốc như làn dừng khẩn cấp, dải phân cách, trạm dừng nghĩ,... đều không đáp ứng được. Tuyến đường dần đi vào tình trạng quá tải, bất cập thì ngày một nhiều hơn, biểu hiện rõ nhất là các tai nạn giao thông ngày càng nhiều, càng nghiêm trọng hơn bao giờ hết. Nguyên nhân là do tuyến đường này thời gian đầu không đặt trạm thu phí, dẫn đến hàng loạt xe cứ ùa vào cộng thêm việc vận tốc không đạt chuẩn khiến cho phương tiện cứ thế nối đuôi nhau, gây ra kẹt xe cục bộ. 

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu các tuyến đường cao tốc tại miền Tây Nam Bộ có thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn của một cao tốc đúng chuẩn hay không. Việc triển khai cấp tốc các tuyến cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt đang đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng công trình, khi xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy sự suy giảm về tiêu chuẩn kỹ thuật và độ bền vững. Không chỉ riêng tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, mà nhiều tuyến cao tốc khác trong khu vực cũng rơi vào tình trạng tương tự với những bất cập chồng chất. Các nhà đầu tư và chính quyền địa phương đã tiếp nhận ý kiến phản hồi từ người dân và tiến hành đánh giá lại các nguyên nhân cốt lõi. Qua đó, nguyên nhân lớn nhất được xác định là việc không tuân thủ đúng các quy chuẩn kỹ thuật, cắt giảm hoặc bỏ qua các yếu tố quan trọng trong quá trình thiết kế và xây dựng [8]cụ thể như sau:

Thứ nhất, về quy mô làn đường. Với một khu vực mà kinh tế - xã hội đều phát triển mà quy mô làn đường chỉ đạt ở mức tối thiểu là 4 làn đường, mỗi chiều 2 làn, thậm chí lại không có làn dừng khẩn, trạm dừng nghĩ,... Việc lựa chon quy mô như thế này là hoàn toàn không hợp lý với nhu cầu đi lại của người dân. Tại TCVN 5729:2012 có quy định. cụ thể quy mô đường cao tốc gồm 04 làn xe, mỗi chiều 2 làn, bố trí các làn dừng khẩn cấp, ngoài ra còn có các làn tăng, giảm tốc,... Tuy nhiên, hầu hết các tuyến cao tốc ở Tây Nam Bộ không đáp ứng đúng chuẩn như đã quy định như Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh, Hậu Giang – Cà Mau, Trung Lương - Mỹ Thuận. 

Thứ hai, về vận tốc tối thiểu. Như đã phân tích, khu vực Tây Nam Bộ là một vùng kinh tế trọng điểm với hoạt động giao thương phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, an toàn là tiêu chí quan trọng để các nhà nông, doanh nghiệp và nhà buôn chọn lựa tuyến đường nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tại một số khu vực, tuyến đường cao tốc hiện tại là tuyến duy nhất phục vụ việc vận chuyển hàng hóa, nhưng vận tốc thiết kế (VTK) của các tuyến này chỉ đạt mức tối thiểu 80km/h, sau đó được nâng lên 90km/h. Theo quy định tại Mục 3.2 của TCVN 5729:2012, tốc độ tối thiểu trên các tuyến cao tốc khu vực đồng bằng được yêu cầu là 100 km/h và tối đa 120 km/h. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều tuyến cao tốc hiện nay không đáp ứng được tiêu chuẩn này khi tốc độ thiết kế thấp hơn đáng kể. 

Điển hình, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến cao tốc như Mỹ Thuận - Cần Thơ, Trung Lương - Mỹ Thuận, và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đều có tốc độ thiết kế chỉ đạt 80 km/h, thấp hơn nhiều so với quy định. 

Việc vận tốc thiết kế thấp gây dẫn đến nhiều hệ lụy, bao gồm: 

- Phương tiện di chuyển chậm: Dẫn đến ùn tắc cục bộ, đặc biệt vào giờ cao điểm hoặc khi lưu lượng xe tăng cao.

- Không đảm bảo khoảng cách an toàn: Khi phương tiện phải di chuyển nối đuôi nhau trong khoảng cách ngắn, nguy cơ xảy ra va chạm tăng cao.

- Tai nạn liên hoàn: Nếu xảy ra sự cố giao thông, hậu quả thường nghiêm trọng với thiệt hại lớn về người và tài sản. 

Điển hình, vào ngày 04/3/2023, tại đoạn km92 trên một tuyến cao tốc trong khu vực, đã xảy ra vụ va chạm giữa một xe bồn và xe tải đông lạnh. Xe bồn bất ngờ tông vào đuôi xe tải đông lạnh và cả hai phương tiện bị dính chặt vào nhau, nằm ngổn ngang trên mặt đường. Vụ việc này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về phương tiện mà còn dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, làm gián đoạn việc vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người dân.

Hoặc là tai nạn liên hoàn vào ngày 28/7/2023, khiến nhiều xe hư hỏng nặng, un tắc nhanh chóng, vụ tai nạn khiến 2 người bị thương nhẹ,… Tính đến hiện nay có 10 vụ tai nạn nghiệm trọng, 19 vụ ít nghiêm trọng, ít nhât làm 2 người chết và 3 người bị thương, 30 xe hư hỏng nặng. [9]

Những sự cố này một lần nữa cho thấy, việc đầu tư và nâng cấp vận tốc thiết kế, cũng như cải thiện chất lượng và an toàn giao thông của các tuyến cao tốc tại Tây Nam Bộ là vấn đề cấp thiết, cần được quan tâm và giải quyết một cách triệt để. 

Thứ ba, về làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện nay không có làn dừng khẩn cấp, mà chỉ bố trí 11 điểm dừng nghỉ. Làn dừng khẩn cấp có vai trò quan trọng trong việc cung cấp không gian an toàn để các phương tiện có thể dừng lại khi xảy ra sự cố trên đường hoặc khi tài xế cần nghỉ ngơi do mệt mỏi. Khi tuyến cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, các phương tiện sẽ phải dừng hẳn trên đường, đặc biệt là trong các tình huống khẩn cấp, điều này gây nguy hiểm cho những phương tiện lưu thông trên cùng tuyến.

Do quy mô làn đường nhỏ, lại có mật độ xe lưu thông đông, chủ yếu là các phương tiện lớn với tốc độ cao, việc không có làn dừng khẩn cấp sẽ làm tăng mức độ nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng. Các sự cố giao thông có thể dẫn đến ùn tắc cục bộ, đồng thời làm tăng rủi ro cho các phương tiện và người tham gia giao thông, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp cần phải xử lý nhanh chóng. Việc thiếu sót này cần được khắc phục trong quá trình nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng giao thông trên các tuyến cao tốc.

Bên cạnh đó, hệ thống đèn báo hiệu trên tuyến cao tốc còn rất rối rắm và thiếu rõ ràng, trong khi số lượng biển báo lại không đủ, kèm theo ít điểm dừng nghỉ. Điều này khiến không ít người tham gia giao thông gặp phải tình trạng lạc đường, hoặc khi xe hư hỏng, họ không thể dừng lại để xử lý sự cố do không có khu vực dừng an toàn trên tuyến. Các vấn đề này có thể bắt nguồn từ những sai sót ngay từ khâu thẩm định và phê duyệt dự án. Những dự án này, lẽ ra không nên được phê duyệt, hoặc ít nhất cần phải sửa đổi các thông số và thiết kế cho phù hợp với quy định, nhưng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vẫn duyệt và cho thi công, dẫn đến các thiếu sót nghiêm trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Các bất cập này vi phạm hàng loạt các quy chuẩn kỹ thuật được quy định tại TCVN 5729:2012. Các thông số kỹ thuật áp dụng trong thiết kế của các tuyến cao tốc hiện nay vẫn ở mức tối thiểu, trong khi thực tế, miền Tây Nam Bộ hoàn toàn có thể xây dựng các tuyến cao tốc với thông số cao hơn, phù hợp hơn với đặc điểm kinh tế - xã hội của khu vực. Việc điều chỉnh và nâng cao các tiêu chuẩn này sẽ không chỉ cải thiện chất lượng công trình mà còn đảm bảo an toàn và thuận tiện cho người tham gia giao thông, đồng thời tạo ra một động lực phát triển bền vững cho khu vực.

2.2 Đánh giá:

Việc Nhà nước không kiểm duyệt chặt chẽ các quy trình, chất lượng công trình đường cao tốc cùng với việc áp dụng các quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng không được áp dụng một cách chính xác, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể như: Nguồn vốn thiếu hụt; Khảo sát trước thi công không đầy đủ và không chi tiết; Các yếu tố môi trường... Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân chủ quan như: Sai sót trong quá trình thiết kế và thi công, Khó khăn trong quá trình phê duyệt và nghiệm thu…

Dù là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, những vấn đề này đều có tác động lớn đến sự thành công của các dự án đường cao tốc, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.

2.3 Kiến nghị: 

Nhóm tác giả đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu kỹ các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đảm bảo áp dụng đúng quy chuẩn.

Các nhà đầu tư và chủ đầu tư cần nghiên cứu một cách kỹ lưỡng các yếu tố tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội tại khu vực xây dựng đường cao tốc. Điều này giúp phát hiện các vấn đề cần giải quyết, đảm bảo nền móng của tuyến đường được vững chắc và phù hợp với thực tế. Hơn nữa, khi lên quy hoạch và tổ chức giao thông, các yếu tố này phải đảm bảo tuân thủ chính xác quy chuẩn mà Bộ GTVT đã đưa ra. Việc không tuân thủ đầy đủ các quy định này có thể dẫn đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm giảm sự an toàn cho người tham gia giao thông. Cả nhóm thiết kế, thi công và Bộ GTVT cần xem xét cẩn thận các chỉ số và tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo chất lượng công trình.

Thứ hai, quy định cụ thể các qui phạm kỹ thuật đối với từng khu vực, loại cao tốc.

Các nhà làm luật cần quy định rõ ràng các qui chuẩn, tiêu chuẩn về đường cao tốc dựa trên từng khu vực và đặc điểm địa hình. Ví dụ, việc quy định số làn xe theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 hiện nay chỉ yêu cầu 4 làn (2 làn mỗi chiều), nhưng đối với các khu vực đồng bằng có mật độ dân cư cao, lượng phương tiện lớn, nhóm tác giả kiến nghị tăng số làn lên từ 6 đến 8 làn, như ở tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, là tuyến trọng điểm đi từ miền Đông Nam bộ về 08 tỉnh thành Tây Nam bộ: Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, nơi mỗi ngày có thể có đến 21.000 lượt xe, và lên tới 40.729 lượt trong những ngày lễ. Tuy nhiên, đối với các khu vực đồi núi, nơi dân cư thưa thớt và giao thông ít đông đúc, có thể giữ mức tối thiểu là 4 làn. Điều này sẽ giúp đảm bảo tính khả thi và đáp ứng nhu cầu thực tế tại từng địa phương.[10]

Thứ ba, tăng cường chế tài đối với vi phạm quy hoạch, tổ chức giao thông.

Cần nâng cao mức chế tài đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy trình lập, thẩm định và phê duyệt dự án đường cao tốc. Mức phạt hiện tại theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP chưa đủ mạnh để răn đe, đặc biệt khi các tai nạn nghiêm trọng do hạ tầng kém chất lượng xảy ra. Cần có một cơ chế xử lý mạnh mẽ hơn, phân biệt rõ mức độ vi phạm của các chủ thể liên quan và đưa ra các hình thức xử phạt thích hợp, từ đó tránh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai dự án.[11]

Thứ tư, quy định chi tiết tiêu chuẩn phù hợp với từng địa hình, vùng miền.

Các quy định về tiêu chuẩn xây dựng cao tốc cần phải được chi tiết hơn, tùy theo điều kiện địa lý, dân cư và giao thông của từng khu vực. Đồng thời, cần cập nhật và tiếp nhận ý kiến từ người dân, chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan để có cơ sở sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong Bộ Qui chuẩn, Tiêu chuẩn, đảm bảo các qui chuẩn, tiêu chuẩn này ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thực tế.[12]

Thứ năm, xem xét khả năng phân tách dự án thành các giai đoạn phân kỳ đầu tư.

Chính phủ và các cơ quan chức năng cần xem xét khả năng tách các dự án cao tốc thành 2 giai đoạn nếu không thể hoàn thiện trong một lần. Giai đoạn 1 có thể đáp ứng các yêu cầu cơ bản, nhưng phải đảm bảo tính an toàn khi di chuyển. Giai đoạn 2 cần phải tuân thủ các qui chuẩn, nhưng việc tách thành hai giai đoạn sẽ gây tốn kém chi phí và làm giảm hiệu quả đầu tư. Chính phủ cần cân nhắc phương án này kỹ lưỡng trước khi phê duyệt.

Thứ sáu, cân nhắc áp dụng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn trong giai đoạn đầu của dự án khi gặp khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, vật liệu.

Đối với những dự án gặp khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng hoặc nguồn vật liệu, có thể xem xét áp dụng một số tiêu chuẩn kỹ thuật thay vì quy chuẩn trong giai đoạn đầu của dự án. Sau khi giải quyết được các vấn đề này, có thể nâng cấp hạ tầng và điều chỉnh tiêu chuẩn để đáp ứng đầy đủ các quy chuẩn trong quy định của Bộ GTVT. Điều này giúp đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân ngay từ giai đoạn đầu mà không làm lãng phí nguồn lực đầu tư.

Thứ bảy, tăng cường tuyên truyền và hợp tác quốc tế.

Ngoài việc cải thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định pháp lý, các tổ chức, chính quyền cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giáo dục về an toàn giao thông, cũng như về các tiêu chuẩn của đường cao tốc. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Úc để nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn, giúp hệ thống giao thông Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phù hợp với các xu hướng phát triển quốc tế.

Việc thực hiện những kiến nghị trên sẽ góp phần cải thiện chất lượng công trình đường cao tốc, tăng cường an toàn giao thông và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ.

3. Kết luận 

Thực tế cho thấy đang có những bất cập trong việc áp dụng các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật vào quá trình xây dựng đường cao tốc. Nhìn từ góc độ toàn cảnh, việc các bất cập xuất hiện và nhanh chóng rơi vào tình trạng quá tải như hiện nay là do sự kết hợp của cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, không phải do một cá nhân hay tổ chức nào đơn lẻ. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các tuyến cao tốc thuộc dự án Cao tốc Bắc Nam mà còn ở nhiều tuyến cao tốc khác, dẫn đến các hệ lụy nghiêm trọng về an toàn giao thông, hiệu quả sử dụng và sự phát triển kinh tế.

Do đó, Nhà nước cần tổ chức nghiên cứu, đánh giá các vấn đề này một cách toàn diện, cẩn trọng hơn trong công tác phê duyệt, kiểm định, và thi công. Đặc biệt, cần thường xuyên cập nhật các thông số kỹ thuật và nhu cầu thực tế của người dân tại từng thời điểm, để kịp thời điều chỉnh các quy định, thông số kỹ thuật ban đầu sao cho phù hợp với tình hình hiện tại. Việc này không chỉ thuộc trách nhiệm của một bộ phận nào đó mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng để cùng nhau hoàn thiện các tuyến đường cao tốc đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu về an toàn và phát triển bền vững.    


[1]ThS, Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang

[2] Sinh viên Khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang

[3] Xem: VOV Giao thông (2024), Đi tìm lời giải “An toàn giao thông trên cao tốc”. https://vovgiaothong.vn/di-tim-loi-giai-an-toan-giao-thong-tren-cao-toc-ema38959.html, truy cập ngày 29/12/2024

[4] Xem: Ban thời sự, (2023), Quảng Ninh có số km cao tốc nhiều nhất cả nước. https://vtv.vn/kinh-te/quang-ninh-co-so-km-cao-toc-nhieu-nhat-ca-nuoc-20230310201637155.htm, ngày truy cập 29/12/2024

[6]Xem: Tờ trình 487/TTr-CP ngày 21/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020

[7] Xem: Nhật Trường, 2022, ngày 07/11, “Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chưa đạt tiêu chuẩn, báo động TNGT”. https://vov.vn/xa-hoi/duong-cao-toc-trung-luong-my-thuan-chua-dat-tieu-chuan-bao-dong-tngt-post982236.vov

[8] Xem: Thái Sơn, 2024, ngày 31 tháng 12, “Tìm giải pháp khắc phục tồn taiij, bất cập trên cao tốc”, https://nhandan.vn/tim-giai-phap-khac-phuc-ton-tai-bat-cap-tren-cao-toc-post800608.html

[9] Xem: Minh Hoà & Khắc Cường, 2024, ngày 18 tháng 2, “Tai nạn liên hoàn trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, kẹt xe kéo dài”. https://tuoitre.vn/tai-nan-lien-hoan-tren-cao-toc-trung-luong-my-thuan-ket-xe-keo-dai-20240218191253927.htm

[10] Xem: Phạm Đông, (2023), Quy chuẩn đường bộ cao tốc cần lưu ý quy định số làn đường, trạm dừng nghĩ. https://laodong.vn/thoi-su/quy-chuan-duong-bo-cao-toc-can-luu-y-quy-dinh-so-lan-duong-tram-dung-nghi-1240833.ldo?gidzl=B8GoE HoU6adc30zvcnyPYETFJVzFNnWDC4sElmmV6jfn64m_6DwPpYIPZsiPNnlFS0oRZ7mn7bZw71vQ0), truy cập ngày 29/12/2024

[11] Xem: khoản 1, 2 Điều 12 Nghị định 16/2022/ NĐ – CP

[12] Xem: Minh Nguyên, (2024), Đề xuất luật hoá 06 nguyên tắc về tiêu, quy chuẩn cao tốc. https://lsvn.vn/de-xuat-luat-hoa-06-nguyen-tac-ve-tieu-chuan-quy-chuan-cao-toc-1711494362.html, truy cập ngày 29/12/2024

Thẻ