“Tiếng vọng Ký ức” - Tìm về cội nguồn dân tộc

Tác Giả
Đức Pháp
Ngày
11/04/2024(641 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 29 năm thành lập Trường Đại học Văn Lang, chương trình thơ và âm nhạc chủ đề “Tiếng vọng Ký ức” là hành trình tìm về cội nguồn dân tộc. Đây là dịp để cộng đồng Văn Lang hướng đến giá trị văn hóa truyền thống, bồi đắp thêm tình yêu thương, lòng tự hào về quê hương, đất nước qua thơ ca.

Sự kiện vinh dự có sự góp mặt của ban lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang cùng nhiều nhà thơ, nhà báo nổi tiếng: nhà báo Dương Trọng Dật – Viện Trưởng Viện Đào tạo Văn hoá – Nghệ thuật, nhà thơ Nguyễn Duy – Phó Viện Trưởng Viện Đào tạo Văn hoá – Nghệ thuật, nhà thơ, Tiến sĩ Hồ Tấn Phong -Trưởng Khoa Khoa học Cơ bản, nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Lê Thị Kim,…

Trong không gian ấm cúng, trang trọng, những nhạc phẩm bất hủ vượt thời gian, ca ngợi vẻ đẹp và tình yêu quê hương đất nước vang lên qua phần trình bày của nghệ sĩ và sinh viên Văn Lang.

vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-a.jpg
Mở đầu chương trình là ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao do bạn Lê Hiếu trình bày. Ca khúc đã đưa hội trường trở về năm 1976, khi đất nước có được mùa xuân trọn vẹn đầu tiên sau giải phóng. Với chất giọng ngọt ngào, Lê Hiếu đã mang đến không khí một mùa xuân tươi vui, ngập tràn hi vọng.
vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-b.jpg
Nguyễn Thị Kiều Sang, quán quân Văn Lang Got Talent 2023 đã thể hiện hình ảnh “Cô gái vót chông” mạnh mẽ, bất khuất, sẵn sàng đấu tranh cho tự do dân tộc.
vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-c.jpg
Nhà thơ Nguyễn Duy – Phó Viện Trưởng Viện Đào tạo Văn hoá – Nghệ thuật gửi đến khán giả thi phẩm “Tuổi trẻ phía trước”. Thông qua những vần thơ, nhà thơ mong muốn động viên, cổ vũ thế hệ trẻ luôn giữ năng lượng tích cực để hướng về tương lai tươi sáng.

“Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” là tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Duy, do nhạc sĩ Nhất Sinh phổ nhạc và được đông đảo công chúng yêu mến suốt nhiều năm qua. Trong đêm “Tiếng vọng ký ức”, nhạc phẩm được cất lên qua phần trình bày của hai nghệ sĩ Tân Nhàn và Đình Cương, thể hiện nét đặc sắc của điệu chầu vốn văn nức tiếng trong nghệ thuật hát chèo Bắc Bộ. Những kỷ niệm đẹp về mẹ, về tuổi thơ chính là nguồn sống và động lực giúp mỗi người vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc đời.

vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-d.jpg
Nhạc phẩm “Tình ca” là tiếng hát tri ân Tổ quốc, lan tỏa tình yêu với con người và những giá trị văn hóa Việt Nam. Những lời tự tình của người con đất Việt được ThS. Trần Thị Hòa, giảng viên Khoa Nghệ thuật Ứng dụng truyền tải cảm xúc, làm lay động trái tim khán thính giả. 
vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-e.jpg
Nhà báo Dương Trọng Dật – Viện trưởng Viện đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật và Truyền thông của Trường Đại học Văn Lang cùng nhà thơ Lê Minh Quốc truyền tải những cảm xúc sâu lắng qua bài thơ “Tình khúc cuối thu”. Đây cũng là tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cố kỹ sư Bùi Quang Độ - nguyên Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trường Đại học Văn Lang lúc sinh thời.
vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-g.jpg
Nhà thơ Lê Minh Quốc với phần biểu diễn ngâm bài thơ “Chọn lựa”. Những dòng thơ mang tính triết lý, chiêm nghiệm đời đã mở ra không gian suy tư về những lựa chọn trong tình yêu và cuộc sống.
vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-f.jpg
Ca khúc trữ tình “Em ơi, Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang được Minh Đức - Top 8 Văn Lang Got Talent 2022 thể hiện một cách sâu lắng, làm sống dậy không gian Hà Nội mộng mơ trong lòng người nghe.

Với phần dàn dựng ấn tượng, các tiết mục “Thuyền và Biển” (thơ Xuân Quỳnh, phổ nhạc nhạc sĩ Hữu Xuân và Phan Huỳnh Điểu),  “Bài ca hạnh ngộ” (Nhạc sĩ Lê Uyên Phương), “Hãy đi cùng nhau” (Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), “Lá Diêu Bông” (Nhạc sĩ Hoàng Cầm) đã làm thỏa mãn cả thính giác và vị giác người tham dự đêm nhạc.

vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-h.jpg
“Đôi tình nhân du ca nhạc Trịnh” Hoàng Trang và Nguyễn Đông tạo nên không gian âm nhạc lãng mạn qua hai ca khúc “Bài ca hạnh ngộ” (Sáng tác nhạc sĩ Lê Uyên Phương) và “Hãy đi cùng nhau” (Sáng tác nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).
vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-i.jpg
Ca sĩ Hoàng Ngân Ánh - Á quân Thần tượng Bolero 2018, hiện là sinh viên Khóa 28 ngành Thanh nhạc VLU cất tiếng hát da diết với ca khúc “Lá diêu bông” (sáng tác nhạc sĩ Hoàng Cầm).
vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-j.jpg
Nghệ sĩ Sơn Mạch, cựu sinh viên khóa 11 ngành Ngôn ngữ Anh trình diễn tiết mục hòa tấu violin và piano.
vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-k.jpg
TS. Hồ Tấn Phong - Trưởng Khoa Khoa học Cơ bản gửi lời tri ân đến những anh hùng đã hy sinh vì đất nước với thi phẩm “Người anh”.
vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-l.jpg
Nhà thơ Lê Thị Kim thể hiện lòng yêu mến và tự hào về văn hóa dân tộc thông qua bài thơ “Câu ca quan họ của chiều tứ thân”.

Bên cạnh mong muốn tôn vinh đất nước, dân tộc, đêm nhạc cũng là dịp để cộng đồng Văn Lang cùng ôn lại kỷ niệm xưa, bày tỏ niềm tiếc thương và sự kính trọng dành cho cố kỹ sư Bùi Quang Độ - nguyên Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Trường Đại học Văn Lang. Nhà thơ Nguyễn Duy, nhà báo Dương Trọng Dật và TS. Hồ Tấn Phong đã chia sẻ những tâm tư, nỗi nhớ nhung người anh, người đồng nghiệp, người bạn đã cùng họ trải qua bao thăng trầm. 

TS. Hồ Tấn Phong chia sẻ: “Mặc dù tuổi đã xế chiều và trí nhớ không còn như xưa nhưng hình ảnh của Trường Đại học Văn Lang và đặc biệt là của KS. Bùi Quang Độ vẫn luôn in đậm trong tôi. KS. Bùi Quang Độ không chỉ là một người anh mà còn là nguồn cảm hứng không ngừng cho tôi và nhiều thế hệ khác trên con đường kiến tạo những giá trị tương lai cho Văn Lang.”

vlu-tieng-vong-ky-uc-hanh-trinh-tim-coi-nguon-dan-toc-m.jpg
Tốp ca sinh viên khép lại chương trình thơ và âm nhạc “Tiếng vọng Ký ức” với nhạc phẩm “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” (Thơ Phạm Tiến Duật).

Trong không khí trang trọng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 29 năm thành lập Trường Đại học Văn Lang, đồng hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập vào năm 2025, nhà thơ Nguyễn Duy chính thức phát động cuộc thi sáng tác thơ mang tên “Tiếng thơ Văn Lang”. Đây là sân chơi văn hóa, nơi cán bộ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên Văn Lang có thể chia sẻ niềm đam mê với thơ ca, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam qua nghệ thuật với chủ đề thơ đa dạng: ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, mối quan hệ sâu sắc giữa con người với môi trường giáo dục đầy cảm hứng tại Trường Đại học Văn Lang,…

Tại cuộc thi “Tiếng thơ Văn Lang”, mỗi tác giả có thể gửi bài dự thi 03 lần, mỗi lần tối đa 03 tác phẩm và mỗi tác phẩm không vượt quá 30 câu thơ. Trong đó, tác phẩm dự thi cần đáp ứng các điều kiện quy định của Ban tổ chức về nội, dung, thể loại, đồng thời chưa được in ấn phát hành thành sách, không có tranh chấp bản quyền. Thời gian nhận tác phẩm bắt đầu từ 12/04/2024 đến hết ngày 31/10/2024. Tác giả có thể gửi tác phẩm của mình qua địa chỉ email: tiengthovanlang@vlu.edu.vn để tham gia cuộc thi. Cơ cấu giải thưởng gồm:

  • 01 giải nhất: 10.000.000 đồng
  • 02 giải nhì: 5.000.000 đồng
  • 03 giải ba: 3.000.000 đồng
  • 10 giải khuyến khích: 1.000.000 đồng.

Với ý nghĩa nhân văn, hướng về cộng đồng Văn Lang và lan tỏa tình yêu, niềm say mê văn hóa trong lòng bạn trẻ, mong rằng cuộc thi “Tiếng thơ Văn Lang” sẽ nhận được sự ủng hộ và tham gia tích cực của cộng đồng Văn Lang.

Tin: Đức Pháp
Hình: Đăng Anh, Đình Sáng

Thẻ