Ngày 19/01/2024, Viện Di sản phối hợp cùng Viện Đào tạo Văn hóa Nghệ thuật & Truyền thông Trường Đại học Văn Lang tổ chức chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử “Tình tự Đất Phương Nam”, thu hút gần 300 sinh viên tham dự. Chương trình giúp các bạn sinh viên tìm hiểu về nghệ thuật đờn ca tài tử - loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ.
Chương trình có sự tham dự của: TS. Nguyễn Đắc Tâm – Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường Đại học Văn Lang, Viện trưởng Viện Di sản; Nhà thơ Nguyễn Duy - Phó Viện Trưởng Viện Đào tạo Văn hóa Nghệ thuật & Truyền thông, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Văn Lang; TS. Lê Hồng Phước - Tiến sĩ Lịch sử văn hóa, nhà nghiên cứu Đờn ca Tài tử - Cải lương, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, Hội viên Hội Di sản TP.HCM và đoàn nghệ sĩ.
Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến ở miền Nam Việt Nam, ra đời vào cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ nhạc Lễ, nhạc cung đình triều Nguyễn và âm nhạc dân gian miền Trung, miền Nam. Đờn ca tài tử gồm hai yếu tố chính là đờn (nhạc cụ) và ca (lời hát), được thể hiện bởi những người có tài năng và kỹ thuật cao, gọi là tài tử. Đờn ca tài tử sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau, như đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn tỳ bà, đàn tam, sáo, tiêu, song loan,… Các nhạc cụ này được chơi theo những bài bản được sáng tạo dựa trên 72 bài nhạc cổ và 20 bài gốc cho 4 điệu: Bắc, Hạ, Nam, Oán.
Năm 2013, đờn ca tài tử đã được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể của nhân loại. “Tình tự Đất Phương Nam” là chương trình kỷ niệm 10 năm dấu mốc quốc tế đặc biệt của đờn ca tài tử, nhằm tôn vinh và gìn giữ những di sản văn hóa quý báu của con người Việt Nam.
Chương trình giao lưu trình diễn những tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc của con người Nam Bộ. Đây còn là dịp để các bạn sinh viên được lắng nghe sự chia sẻ từ các nghệ sĩ, học giả về lịch sử hình thành và phát triển của đờn ca tài tử; nguồn gốc, đặc điểm của các loại nhạc cụ dân gian; hành trình của những nghệ nhân xưa.
Chia sẻ tại đêm nhạc, TS. Lê Hồng Phước cho biết: “Giới trẻ Việt Nam có quyền dành tình yêu cho bất kì điều gì mà các bạn mong muốn. Nhưng mong rằng các bạn sẽ nhớ về đờn ca tài tử và cải lương như một thứ tài sản vô hình cần được gìn giữ, như cái nôi được sinh ra, như tiếng hát ru của mẹ”.
Với tình yêu nghệ thuật, ThS. Trịnh Thị Quyên - Thư ký Khoa Dược Trường Đại học Văn Lang xúc động nhớ về quãng thời gian tuổi trẻ khi còn đang theo học sân khấu cải lương.
Tin: Đức Pháp - Phương Thảo
Ảnh: Minh Trí - Quang Vinh
Thẻ
Gửi thất bại