Tổng kết dự án “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam” do Trường Đại học Văn Lang chủ trì

Tác Giả
Gia Hân
Ngày
29/06/2023(1151 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Ngày 30/6/2023, Trường Đại học Văn Lang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) cùng Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Mở Hà Nội và Đại học Thái Nguyên tổ chức hội thảo “Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý về xây dựng tài nguyên học liệu mở trong giáo dục Đại học ở Việt Nam”. Sự kiện là dịp các đơn vị tổng kết lại hành trình dự án sau 18 tháng triển khai.

hoi-thao-auf (1).jpg

Hội thảo có sự tham gia của Tiến sĩ Đinh Ngọc Dinh, Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ. Đại diện Bộ GD&ĐT có sự tham dự của PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy  – Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học, TS. Nguyễn Thảo Hương, Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học, TS. Nguyễn Đức Trung, Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học. Hiệp hội Đại học Pháp ngữ (AUF) - đơn vị tài trợ dự án có sự tham dự của TS. Nguyễn Tấn Đại, Phụ trách Trung tâm Công nghệ Giáo dục Pháp ngữ Tp.HCM, đại diện Ban Giám đốc AUF Châu Á, Bà Huỳnh Nguyễn Phương Uyên, chuyên viên dự án, Văn phòng AUF tại Tp. HCM, Bà Nguyễn Thị Hương, Chuyên viên dự án, Văn phòng AUF tại Tp. HCM cùng tham dự sự kiện.

Trường Đại học Văn Lang – đơn vị chủ trì, có PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng, TS. Võ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng thường trực, PGS. TS. Lê Thị Kim Oanh – Ủy viên Hội đồng Trường, Trưởng Khoa Môi trường, Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế & Nghiên cứu khoa học, cùng đại diện các Khoa/Viện/ Phòng/ Ban tham dự.

Về các đơn vị đại học cùng tham gia dự án có GS. Phạm Minh Khuê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y dược Hải Phòng; TS. Bùi Thị Hương Giang, Phó Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Đối ngoại, Đại học Thái Nguyên và PGS.TS. Phạm Thị Tâm, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học và Đối ngoại, Trường Đại học Mở Hà Nội.

Hội thảo đồng thời kết nối các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước cùng hơn 20 đơn vị giáo dục đại học trên khắp cả nước để cùng thảo luận các nội dung liên quan đến việc xây khung pháp lý về xây dựng tài nguyên học liệu mở trong giáo dục Đại học ở Việt Nam.

Tháng 2.2022, Trường Đại học Văn Lang chủ trì thực hiện dự án "Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam", với sự đồng hành của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), tổ chức ĐH Pháp ngữ AUF cùng Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Mở Hà Nội và Đại học Thái Nguyên. 

Sau thời gian 18 tháng triển khai, hội thảo vừa là dịp để các đơn vị cùng tổng kết  hành trình của dự án vừa là cơ hội để các chuyên gia cùng thảo luận về mô hình tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam và trên thế giới.

hoi-thao-auf (9).jpg
PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang đại diện nhóm thực hiện dự án trình bày báo cáo tổng kết Dự án “Xây dựng khung pháp lý và nền tảng cho tài nguyên giáo dục mở nhằm phục vụ các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam”.

Sau thời gian triển khai, với sự tài trợ 50.000 Euro từ AUF, Vụ Giáo dục Đại học – Bộ Giáo dục & Đào tạo, Trường Đại học Văn Lang và các đơn vị thành viên đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thu về các kết quả:

  • Dịch 12 tài liệu về tài nguyên giáo dục mở từ tiếng Pháp sang tiếng Việt làm nguồn tài liệu tham khảo cho dự án
  • Báo cáo 5 chuyên đề về khung pháp lý và tài nguyên học liệu mở
  1. Chuyên đề: Giải pháp chính sách để phát triển tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học ở Việt Nam
  2. Chuyên đề: Đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn học liệu mở tại các trường đại học ở Việt Nam
  3. Chuyên đề: Xây dựng các khóa học trực tuyến đại chúng (Moocs tại Việt Nam; hướng tiếp cận trong việc phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở)
  4. Chuyên đề : Năng lực xây dựng, sử dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở tại một số trường đại học của Việt Nam
  5. Chuyên đề: Tài nguyên giáo dục mở: Điều kiện tiên quyết để xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thúc đẩy học tập suốt đời
  • Khảo sát ý kiến về việc xây dựng khung pháp lý và nguồn tài nguyên giáo dục mở tại 272 cơ sở giáo dục với 7.233 giảng viên, và 78.514 sinh viên tham gia khảo sát.
  • Triển khai Xây dựng khung pháp lý với các hoạt động:

(1) Chuyên đề: Xây dựng khung pháp lý phát triển tài nguyên giáo dục mở cho giáo dục đại học ở VN trong bối cảnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi sang khoa học mở.

(2) Xây dựng tờ trình Thủ tướng V/v phê duyệt đề án “Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học”

(3) Xây dựng thuyết minh đề án “Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học”

(4) Xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng chính phủ, Quyết định phê duyệt đề án “Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học”.

Đặc biệt, với kết quả của dự án, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ số 1420/TTr-BGDĐT ngày 7/10/2022 V/v phê duyệt đề án Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học” kèm dự thảo Quyết định phê duyệt đề án của Thủ tướng.

Đây là khung pháp lý quan trọng bao gồm các nội dung chính: quy định tiêu chuẩn của học liệu số; quy trình đảm bảo chất lượng; vấn đề tác quyền và sở hữu; quyền lợi của người xây dựng và trách nhiệm của người sử dụng nguồn học liệu; quy định sử dụng trong giảng dạy và học tập; cơ chế quản lý và chia sẻ nguồn tài nguyên học liệu số.

Trên nền tảng các kết quả mà dự án đã đạt được, Trường Đại học Văn Lang kiến nghị phát triển một nền tảng dùng chung do Bộ GD&ĐT chủ trì để các cơ sở giáo dục có thể chia sẻ tài nguyên giáo dục mở, đồng thời xây dựng cơ chế để các cơ sở đào tạo chia sẻ tài nguyên giáo dục hiện có (trở thành tài nguyên giáo dục mở), trong đó xử lý hài hòa vấn đề bản quyền với các bên liên quan. Từ đó, các đơn vị sẽ tiến tới hình thành thông lệ/ quy định chung là các tài nguyên giáo dục/ nghiên cứu tạo ra từ nguồn lực xã hội/ nhà nước đạt tiêu chuẩn (sau khi qua Hội đồng thẩm định) để chia sẻ thì biến thành tài nguyên giáo dục mở phục vụ cộng đồng.

hoi-thao-auf (7).jpg
PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy  – Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đại học phát biểu tại sự kiện

Phát biểu tại Hội thảo tổng kết, PGS. TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, chia sẻ: “Là đơn vị đồng hành cùng Trường Đại học Văn Lang và các đơn vị triển khai nhiệm vụ này, tôi rất vui mừng khi thấy việc nghiên cứu, xây dựng chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã nhận được sự quan tâm không chỉ của các cơ sở giáo dục đại học trong nước mà còn nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài. Tôi hy vọng mô hình hợp tác này sẽ còn được nhân rộng và triển khai ở những dự án khác, nhiệm vụ khác. Với sự hỗ trợ tích cực của các bên liên quan, việc xây dựng chính sách sẽ ngày càng sát, phù hợp với thực tế và mong muốn của các cơ sở đào tạo, tiến tới hội nhập sâu rộng với thế giới.”

hoi-thao-auf (6).jpg
Có mặt tại sự kiện, đại diện AUF, TS. Nguyễn Tấn Đại, Phụ trách Trung tâm Công nghệ Giáo dục Pháp ngữ Tp.HCM dành lời chúc mừng những thành quả đáng khích lệ mà dự án đã đạt được. Đồng thời, đại diện Ban giám đốc AUF Châu Á-Thái Bình Dương - bà Catherine Dandonneau, Phó Giám đốc, gửi video chúc mừng đến sự kiện. 

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã trình bày các tham luận về tài nguyên giáo dục mở, mang đến những thông tin giá trị cho các cơ sở giáo dục.

hoi-thao-auf (5).jpg
Ông Lê Trung Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển tài nguyên Giáo dục mở giới thiệu tham luận “Khung pháp lý phát triển tài nguyên giáo dục mở cho giáo dục đại học ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi sang khoa học mở.”

Trong tham luận “Khung pháp lý phát triển tài nguyên giáo dục mở cho giáo dục đại học ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và hướng tới chuyển đổi sang khoa học mở”, ông Lê Trung Nghĩa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển tài nguyên Giáo dục mở  nêu vai trò của tài nguyên giáo dục mở và khoa học mở trong giai đoạn hiện nay và giới thiệu những khuyến nghị của UNESCO trong hoạt động phát triển loại hình học liệu này. Theo ông, việc xây dựng khung pháp lý phát triển tài nguyên giáo dục mở và khoa học mở là quan trọng và cấp bách vì phần lớn các trường đại học ở Việt Nam đang thiếu hụt nguồn học liệu nên tài nguyên giáo dục mở chung cho hệ thống giáo dục đại học còn rất mờ nhạt, chủ yếu được xây dựng và sử dụng trong từng trường một cách độc lập, thiếu sự phối hợp và sẻ chia nên chưa hiệu quả. 

Chính phủ cần có chính sách cấp phép mở và xây dựng khung pháp lý phát triển tài nguyên giáo dục mở bám sát với 5 lĩnh vực hành động trong khuyến nghị tài nguyên giáo dục mở 2019 của UNESCO: xây dựng năng lực, phát triển chính sách hỗ trợ, khuyến khích truy cập hiệu quả, bao hàm toàn diện và công bằng tới tài nguyên giáo dục mở chất lượng, nuôi dưỡng tạo lập các mô hình bền vững cho tài nguyên giáo dục mở, thúc đẩy và tăng cường hợp tác quốc tế về tài nguyên giáo dục mở. Ông cũng đặc biệt lưu ý có thể có các xung đột giữa tài nguyên giáo dục mởtrong các luật, văn bản pháp luật hiện hành, vì thế cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp và tránh đi ngược với các xu thế không thể đảo ngược của thế giới.

hoi-thao-auf (4).jpg
TS. Nguyễn Đức Trung, Chuyên viên chính, Vụ Giáo dục Đại học giới thiệu dự thảo Đề án “Xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học”.
hoi-thao-auf (3).jpg
Kết nối trực tuyến với hội thảo, từ góc độ chuyên gia, PGS. TS. Mokhtaer Ben Henda, Trường Đại học Bordeaux Montaigne, chuyên gia ISO về tiêu chuẩn giáo dục từ xa, Cố vấn AUF về tài nguyên giáo dục mở và các hệ thống học tập kết hợp trình bày tham luận “Kinh nghiệm xây dựng, quản lý và sử dụng tài nguyên học liệu mở ở Pháp.”

PGS. TS. Mokhtaer Ben Henda cho biết, tài nguyên giáo dục mở đã sớm được các trường đại học tại Pháp quan tâm đầu tư, tuy nhiên vẫn còn phát triển ở mức độ cá nhân. Đến năm 2003, Bộ Giáo dục Pháp thành lập Đại học số (UNT)  - một liên kết của 8 cơ sở giáo dục đại học không có sinh viên  hoặc bằng cấp. Các UNT đã phối hợp như một mạng lưới các trường đại học dưới tên gọi Université numérique để cùng phát triển các tài nguyên giáo dục mở một cách nhất quán. Từ đó, ông phân tích các ưu và nhược điểm của mô hình này và giới thiệu các giải pháp mới cho tài nguyên giáo dục mở đang được chính phủ đầu tư triển khai.

Tổng hợp thông tin từ các tham luận và dự thảo đề án, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang đã chủ trì thảo luận cùng các chuyên gia và khách mời tham gia hội thảo. Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi với những đóng góp, chia sẻ tích cực cho việc phát triển nguồn tài nguyên học liệu mở giữa các trường đại học.

hoi-thao-auf (2).jpg
Kết nối trực tuyến với hội thảo, từ góc độ chuyên gia, PGS. TS. Mokhtaer Ben Henda, Trường Đại học Bordeaux Montaigne, chuyên gia ISO về tiêu chuẩn giáo dục từ xa, Cố vấn AUF về tài nguyên giáo dục mở và các hệ thống học tập kết hợp trình bày tham luận “Kinh nghiệm xây dựng, quản lý và sử dụng tài nguyên học liệu mở ở Pháp.”

Việc phát triển xây dựng khung pháp lý và phát triển nền tảng tài nguyên giáo dục mở sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả quản trị đại học thông qua chuyển đổi số, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng và bản quyền. Hy vọng trong tương lai gần, khi đề án “Xây dựng mô hình tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học“ được phê duyệt chính thức và triển khai sẽ đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, tạo nên nhiều giá trị cộng hưởng cho xã hội.

hoi-thao-auf (8).jpg

Tin: Gia Hân
Ảnh: Lee Minh Phương

Xem thêm:

Tài nguyên giáo dục mở là gì mà hàng ngàn sinh viên, giảng viên mơ hồ? 

Trường ĐH Văn Lang tổ chức hội thảo về khung pháp lý và xây dựng tài nguyên giáo dục mở 

Thẻ