Trường Đại học Văn Lang đồng hành cùng người học khuyết tật

Tác Giả
Gia Hân
Ngày
10/08/2022(1665 lượt xem)
Chia sẻ qua
iconiconicon
thumbnail

Lấy người học làm trung tâm, Trường Đại học Văn Lang nỗ lực mang đến một môi trường học tập năng động và chất lượng, hướng đến sứ mệnh nuôi dưỡng các tài năng và tạo điều kiện để các bạn trẻ đều có cơ hội trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, từ đó tạo ra những tác động tích cực cho cộng đồng. Nhà trường cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến việc tạo cơ hội cho người khuyết tật được học tập bình đẳng thông qua các hoạt động hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng,…

vlu-dong-hanh-cung-nguoi-hoc-khuyet-tat-a.jpg

Nhiều hình thức hỗ trợ dành cho người học khuyết tật

Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Văn Lang tạo điều kiện tốt nhất để người học yếu thế về vật chất, tinh thần có môi trường học tập bình đẳng, có cơ hội tiếp cận nền giáo dục chất lượng và hòa nhập với cộng đồng. 

Nhà trường đồng hành tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh phù hợp với quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho thí sinh khuyết tật. Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm quản lý đào tạo của Nhà trường cũng đã tích hợp các tính năng để theo dõi, quản lý thông tin sinh viên, bao gồm cả đối tượng sinh viên khiếm khuyết để kịp thời hỗ trợ từng trường hợp cụ thể.

vlu-dong-hanh-cung-nguoi-hoc-khuyet-tat-b.jpg
Từ năm 2009, Trường Đại học Văn Lang thực hiện Chương trình ITTP, tuyển sinh học viên khuyết tật chủ yếu ở khu vực phía Nam để đào tạo các lớp Lập trình viên phần mềm, Kỹ thuật viên đồ họa, Họa viên kiến trúc và Tin học văn phòng.

Nhằm hỗ trợ, giảm nhẹ gánh nặng tài chính và tiếp thêm động lực theo đuổi tri thức, Nhà trường xây dựng chính sách hỗ trợ 30% học phí/ học kỳ cho các bạn sinh viên khuyết tật. Năm 2022, nhóm sinh viên khiếm khuyết đã được Nhà trường hỗ trợ tài chính hơn 220 triệu đồng.

vlu-dong-hanh-cung-nguoi-hoc-khuyet-tat-c.jpg
Nguyễn Thanh Trà My (Tây Ninh) – sinh viên Khóa 28 ngành Kế toán bị khuyết tật chân tham gia biểu diễn trong chương trình chào đón tân sinh viên.

Bên cạnh chương trình đào tạo, sinh viên khuyết tật được tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế, phong trào sinh viên, các cuộc thi học thuật, giao lưu văn nghệ văn hóa nghệ thuật, phù hợp với thể chất, sở trường để có thể tự tin thể hiện bản thân, hòa mình vào cộng đồng sinh viên Văn Lang năng động, đa sắc màu.

vlu-dong-hanh-cung-nguoi-hoc-khuyet-tat-d.jpg
Tăng Ngọc Hiếu (Cà Mau) – sinh viên Khóa 25 ngành Ngôn ngữ Anh tham gia sinh hoạt CLB Shin CLub

Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và đồng hành hỗ trợ học tập cho sinh viên khuyết tật

Với mong muốn phát triển môi trường học tập an toàn, hỗ trợ tối đa nhu cầu đi lại của người học, đặc biệt là người học khuyết tật, Trường Đại học Văn Lang lắp đặt hệ thống thang máy hiện đại tại các cơ sở học và ký túc xá sinh viên, có lối đi và nhà vệ sinh được thiết kế riêng, tiện lợi phù hợp với người học khuyết tật. 

vlu-dong-hanh-cung-nguoi-hoc-khuyet-tat-e.jpg
Sơ đồ lối đi và khu vực vệ sinh dành cho người khuyết tật

Tại mỗi cơ sở, Trường Đại học Văn Lang sẽ trang bị xe lăn, vật dụng chuyên dụng cho việc đi lại của người học khuyết tật và các trang thiết bị hỗ trợ học tập như hệ thống máy tính chuyên dụng, máy dịch tiếng nói thành chữ,... nhằm hỗ trợ người học tiếp thu bài giảng một cách tốt nhất.

vlu-dong-hanh-cung-nguoi-hoc-khuyet-tat-f.jpg

Nhà trường sắp xếp và bố trí đội tình nguyện viên túc trực tại các cơ sở để hướng dẫn, hỗ trợ tất cả sinh viên dễ dàng di chuyển giữa các khu vực tòa nhà và sử dụng thang máy một cách an toàn.

vlu-dong-hanh-cung-nguoi-hoc-khuyet-tat-g.jpg
Kém may mắn hơn bạn bè đồng trang lứa, sinh viên Trần Khánh Duy (TP.HCM) bị khuyết tật chân từ nhỏ. Nhờ có sự đồng hành của gia đình và sự hỗ trợ từ Trường Đại học Văn Lang, Khánh Duy hoàn thành chương trình trình đào tạo, tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin.

Không chỉ hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc học, Trường Đại học Văn Lang quan tâm đến sự phù hợp của chương trình đào tạo với sức khỏe thể chất và tinh thần của người học khuyết tật. Nhà trường sẽ xem xét chương trình học đáp ứng với tình trạng sức khỏe của người học nhưng vẫn đảm bảo truyền tải đủ kiến thức cần thiết. Trong đó, học phần giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và các học phần không phù hợp với yêu cầu sức khỏe của sinh viên khuyết tật sẽ được miễn giảm hoặc chuyển sang các hình thức khác, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các bạn có thể hoàn thành chương trình đào tạo theo đúng quy định. Ngoài ra, Nhà trường vận hành Trung tâm tham vấn tâm lý để chăm sóc sức khỏe tinh thần cho tất cả người học, bao gồm cả người học khuyết tật.

Thông qua các chính sách cụ thể, tinh thần chăm lo và hỗ trợ kịp thời trừng trường hợp, Trường Đại học Văn Lang mong sẽ tiếp thêm động lực và truyền cảm hứng đến người học khuyết tật để các bạn tự tin và an tâm theo đuổi ngành học mình yêu thích, từ đó tiếp tục lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng.

Tin: Gia Hân
Ảnh: Tổng hợp

Thẻ