Sáng 19/9/2024, VLU Summer School – khoá học cao cấp với chủ đề “Semiconductor: From materials to applications” đã được Trường Đại học Văn Lang khai giảng với sự tham dự của các chuyên gia công nghệ hàng đầu trong và ngoài nước, cùng hơn 100 học viên tham gia khoá học từ 19-21/9.
Sự kiện có sự tham dự của Ông Pang Te Chang - Tổng Lãnh sự Singapore tại Tp.HCM, TS. Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, TS. Lê Quốc Cường - Phó Giám đốc Khu Công nghệ cao Tp.HCM; GS. Aaron Thean - Phó Chủ tịch, Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Singapore, Bà Nguyễn Bích Yến - chuyên gia Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử Hoa Kỳ, chuyên gia cao cấp của SOITEC (Hoa Kỳ), cố vấn cao cấp của Trường Đại học Văn Lang; Ông Nguyễn Từ Huấn - Chủ tịch Tập đoàn tư vấn NCG; cùng các chuyên gia công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn.
PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang – bày tỏ: thông qua những kết nối mà VLU đã nỗ lực, Nhà trường mong đợi xây dựng một hệ thống chuyên gia mạnh trên toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn để tạo ra giá trị cho Việt Nam, mở đường cho các chương trình hợp tác, trao đổi với các tổ chức và công ty uy tín. Khoá học của VLU hy vọng phần nào làm sáng tỏ quá trình phát triển đào tạo bán dẫn tại Việt Nam, kết nối đại học và doanh nghiệp, tạo ra tác động hiệp lực trong lĩnh vực này.
Công nghệ bán dẫn (chip bán dẫn) đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và là một trong những lĩnh vực hàng đầu định hình tương lai. Từ những tinh thể bán dẫn có thể điều khiển dòng điện, các vi mạch và chip điện tử được sản xuất ngày càng tinh vi, trở thành yếu tố then chốt trong công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, thay đổi đời sống hằng ngày của con người trên toàn thế giới.
Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn để trở thành cứ điểm mới tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Đồng hành cùng chiến lược phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ với mục tiêu chung đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn cho quốc gia, Trường Đại học Văn Lang nỗ lực kết nối mạng lưới chuyên gia quốc tế về bán dẫn, hợp tác chiến lược với Đại học Quốc gia Singapore – đại học top 1 châu Á – nhằm xây dựng các khoá học chuyên sâu về bán dẫn và AI.
Tại sự kiện khai mạc khoá học VLU Summer School, các chuyên gia chia sẻ niềm tin về tương lai của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn, vốn đa dạng từ khâu thiết kế, chế tạo đến đóng gói, kiểm thử. Để xây dựng nền tảng vững chắc cho quốc gia phát triển hệ sinh thái bán dẫn, tránh chạy theo xu hướng nhất thời, Việt Nam cần xác định rõ thế mạnh trong từng mắt xích của chuỗi cung ứng, tập trung phát huy để tạo lợi thế cạnh tranh. Bà Nguyễn Bích Yến – cố vấn cao cấp của Trường Đại học Văn Lang, chuyên gia uy tín với hơn 200 bằng sáng chế phổ biến toàn thế giới về quy trình IC, tích hợp, thiết bị và mạch điện - nhấn mạnh thế mạnh của Việt Nam về tỷ lệ dân số trẻ, đam mê công nghệ, chi phí lao động cạnh tranh, chính sách hỗ trợ và quyết tâm của nhà nước nhằm phát triển công nghệ bán dẫn.
GS. Aaron Thean - Phó Chủ tịch, Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Singapore (NUS) – trình bày tham luận tại khai giảng VLU Summer School. Ông là Giáo sư Kỹ thuật Điện và Máy tính tại NUS, cố vấn cho IMEC - Trung tâm Nghiên cứu Điện tử Nano; đã xuất bản hơn 400 bài báo kỹ thuật và nắm giữ hơn 50 bằng sáng chế của Hoa Kỳ cho các phát minh trong lĩnh vực điện tử tiên tiến. Ngành công nghiệp vi điện tử và bán dẫn hiện đóng góp 9% GDP của Singapore và 42% tổng sản lượng sản xuất. Bài học từ Singapore có thể được áp dụng trong chiến lược phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bà Nguyễn Bích Yến - chuyên gia Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử Hoa Kỳ, chuyên gia cao cấp của SOITEC (Hoa Kỳ), cố vấn cao cấp của Trường Đại học Văn Lang, khai giảng VLU Summer School. Bà Nguyễn Bích Yến đã được vinh danh và trao giải thưởng Dan Noble Fellow năm 2001, The Master of Innovation Award năm 2003, Giải thưởng Thành tựu trọn đời the National Woman in Technology Lifetime Achievement Award năm 2004, Giải IEEE Fellow năm 2020 và IEEE Frederik Phillips Award năm 2024 của Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử Hoa Kỳ. Bà có hơn 200 bằng sáng chế phổ biến toàn thế giới về quy trình IC, tích hợp, thiết bị và mạch điện.
Trường Đại học Văn Lang và Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - trường đại học top 8 của thế giới và top 1 châu Á (QS World University Rankings 2024) - ký kết Thỏa thuận hợp tác thúc đẩy các hoạt động học thuật, nghiên cứu. Đây là bước tiến quan trọng trong hợp tác quốc tế của Trường Đại học Văn Lang, khẳng định cam kết không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đầu tư chiến lược cho Trường Công nghệ Văn Lang (VLTECH) hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao cho quốc gia và khu vực.
Khoá học về công nghệ bán dẫn của Trường Đại học Văn Lang thu hút hơn 100 học viên từ các doanh nghiệp, tổ chức, giảng viên và sinh viên. Học viên sẽ tham dự 11 chuyên đề chuyên sâu về xu hướng, công nghệ và phương pháp mới nhất trong lĩnh vực bán dẫn và thiết kế vi mạch, do 9 chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Singapore, Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS), Đại học California – Davis, và các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn (Global Foundaries – Mỹ, Onsemi – Mỹ, Mixer – Mỹ, TSMS – Đài Loan, Marvell Technology – Việt Nam) trực tiếp dẫn giảng.
Chương trình học VLU Summer School diễn ra trong 3 ngày, giới thiệu và cập nhật các xu hướng, công nghệ và phương pháp mới nhất trong bán dẫn và thiết kế vi mạch. Bài giảng đầu tiên “Packaging, Heterogeneous Integration (SIP 2.5D/3D) and Testing”, do GS. Yeow Kheng Lim (Đại học Quốc gia Singapore) dẫn giảng.
Khoá học về công nghệ bán dẫn của Trường Đại học Văn Lang thu hút hơn 100 học viên từ các doanh nghiệp, tổ chức, giảng viên và sinh viên. Học viên sẽ tham dự 11 chuyên đề do 9 chuyên gia đến từ Đại học Quốc gia Singapore, Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS), Đại học California – Davis, và các doanh nghiệp sản xuất bán dẫn (Global Foundaries – Mỹ, Onsemi – Mỹ, Mixer – Mỹ, TSMS – Đài Loan, Marvell Technology – Việt Nam) trực tiếp dẫn giảng.
Bài: Mai Yến
Ảnh: VLU Communication Team
Thẻ
Gửi thất bại