(VLU, 02/6/2023) - Năm 2023, Trường Đại học Văn Lang chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Kỹ thuật Hàng không với đội ngũ cán bộ giảng viên giàu kinh nghiệm, là những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành có nhiều năm nghiên cứu và làm việc tại nước ngoài. Trong dịp này, Website Trường Đại học Văn Lang thực hiện phỏng vấn TS. Vũ Quốc Huy - một trong những thành viên đầu tiên tham gia đội ngũ mở ngành, viết đề án và xây dựng chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hàng không tại VLU.
PV: Cơ duyên đưa Tiến sĩ đến với Trường Đại học Văn Lang và ngành Kỹ thuật Hàng không Văn Lang là như thế nào?
TS. Vũ Quốc Huy: Phải nói rằng đúng là hai từ cơ duyên. Tôi là cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không ở Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, học chương trình Kỹ sư Việt - Pháp, sau đó học Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Hàng không tại Trường Đại học Quốc gia Cơ khí Hàng không ENSMA (École Nationale Supérieure de Mécanique et d'Aérotechnique) ở Cộng hòa Pháp. Sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ trở về nước, tôi công tác ở bộ môn Kỹ thuật Hàng không và vũ trụ - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, là giảng viên rồi sau đó là Trưởng bộ môn.
Sau khi chuyển vào TP Hồ Chí Minh, tôi đã công tác tại Trường Đại học Việt Đức trong một khoảng thời gian. Khi ban lãnh đạo Trường Đại học Văn Lang có định hướng đầu tư cho ngành Kỹ thuật Hàng không và giới thiệu nhóm xây dựng chương trình gồm có PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống cùng các thầy cô khác, tôi rất hứng thú và đã tham gia cùng phát triển ngành, xây dựng đề án và chương trình đào tạo cùng với PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống. Tôi cũng biết thầy Tống từ trước nên nhận thấy đây là một cơ hội rất tuyệt vời để xây dựng và phát triển ngành Kỹ thuật Hàng không cho ĐH Văn Lang cũng như cho hàng không Việt Nam.
Là một trong không nhiều chuyên gia về kỹ thuật hàng không tại Việt Nam, tiến sĩ nhận định tiềm năng phát triển của ngành tại Việt Nam hiện nay như thế nào?
Ngành Kỹ thuật Hàng không ở Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Theo các dự báo và kết quả các báo cáo thì trong năm vừa rồi, ngành Hàng không ở Việt Nam nằm trong top 5 thị trường có tốc độ tăng trưởng phát triển cao nhất. Thị trường ngành Hàng không tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng vì thứ nhất, chúng ta có lợi thế về vị trí địa lý để Việt Nam có thể trở thành trung tâm trung chuyển cũng như trở thành trung tâm về bảo dưỡng hàng không của khu vực. Theo các dự báo, từ nay cho đến năm 2041, ngành Hàng không Việt Nam cần nhu cầu rất lớn về số lượng kỹ thuật viên, phi công, tiềm năng phát triển của ngành trong 20 năm tới cực kỳ triển vọng. Hiện tại, tốc độ phát triển hàng năm đối với ngành Kỹ thuật Hàng không của Việt Nam là 10%/ năm, một tốc độ tăng trưởng rất lớn.
Ngoài ra, ngành Hàng không phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của một chuỗi cung ứng trong ngành. Hàng không là lĩnh vực cần đến rất nhiều doanh nghiệp phụ trợ để phát triển các bộ phận, hệ thống cho máy bay. Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để tham gia vào chuỗi cung ứng trong lĩnh vực hàng không. Chúng ta đã có một số công ty như Meggitt Việt Nam ở Biên Hòa Đồng Nai hay Mitsubishi ở Hà Nội đã tham gia sản xuất các bộ phận linh kiện trên máy bay cho Airbus và Boeing. Hiện nay Boeing đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam và trong tương lai sẽ đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đó là cơ hội lớn cho ngành Hàng không của chúng ta phát triển và tham gia vào cái chuỗi cung ứng toàn cầu.
Quá trình xây dựng ngành Kỹ thuật Hàng không tại Văn Lang như thế nào thưa tiến sĩ? Thế mạnh của ngành Kỹ thuật Hàng không Trường Đại học Văn Lang sẽ là gì so với các đại học khác?
Đối với ngành Kỹ thuật Hàng không của Trường Đại học Văn Lang, định hướng xác định ngay từ đầu là sẽ đặt người sinh viên làm trung tâm trong toàn bộ hoạt động giảng dạy. Điều đầu tiên nhóm xây dựng rất chú trọng khi phát triển chương trình đào tạo là phát triển kiến thức toàn diện cho sinh viên. Các bạn sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức nền tảng và toàn diện trong lĩnh vực Kỹ thuật Hàng không bao gồm các chuyên môn về khí động lực học, vật liệu và kết cấu, cơ học bay và điều khiển, hệ thống lực đẩy, động cơ và thiết kế phát triển. Với kiến thức toàn diện như vậy, sau khi tốt nghiệp, các bạn có nền tảng kiến thức rất vững để có thể tham gia làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong ngành Hàng không và các lĩnh vực liên quan. Chương trình đào tạo cũng đưa ra nhiều định hướng linh hoạt cho người học, trong đó có hai hướng chuyên sâu về Khoa học hàng không và Bảo dưỡng hàng không, đáp ứng nhu cầu của các đối tượng người học khác nhau.
Thứ hai, Trường Đại học Văn Lang xác định chú trọng thực hành cho sinh viên tại các phòng thí nghiệm, đồng thời đầu tư phòng thí nghiệm hàng không tại Văn Lang. Nhà trường cũng sẽ liên kết, kết hợp với các doanh nghiệp để gửi sinh viên thực tập tại các cơ sở, doanh nghiệp thực tế trong ngành Hàng không, làm quen với môi trường làm việc trong tương lai ngay khi còn học đại học.
Thứ ba, chương trình đào tạo tích hợp công nghệ mới. Ngành Kỹ thuật Hàng không hiện nay ở thời điểm mà chúng ta có rất nhiều công nghệ mới đang phát triển. Sinh viên sẽ được tiếp cận với các công nghệ mới như các công nghệ về thực tế ảo hay công nghệ về trí tuệ nhân tạo. Tại Trường Đại học Văn Lang, ngành Kỹ thuật Hàng không sẽ tận dụng được nhiều ưu thế về hệ sinh thái khoa học công nghệ như hệ thống phòng thí nghiệm về cơ điện tử, điện điện tử, kỹ thuật cơ khí, đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm thực tế ảo,...
Cuối cùng, theo khung pháp lý quy định bởi nhà chức trách (Cục Hàng không Việt Nam), các kỹ sư bảo dưỡng sẽ cần có lộ trình không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức để đạt các chứng chỉ năng định về bảo dưỡng. Với định hướng chuyên sâu về Bảo dưỡng hàng không, Trường Đại học Văn Lang xác định xây dựng mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo về bảo dưỡng được cấp phép để đào tạo các chứng chỉ năng định được Cục Hàng không phê chuẩn, giúp sinh viên khi hoàn thành chương trình đào tạo đại học có thể rút ngắn thời gian học thêm các chứng chỉ năng định, có điều kiện tốt hơn để phát triển sự nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Xin cảm ơn TS. Vũ Quốc Huy!
Tác giả: Gia Hân
Xem thêm các bài viết liên quan:
Trường Đại học Văn Lang tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Kỹ thuật Hàng không
PGS. TS. Nguyễn Thiện Tống: mở đường cho ngành Kỹ thuật Hàng không tại Trường Đại học Văn Lang
Thẻ
Gửi thất bại