Với định hướng đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu của Trường Đại học Văn Lang cùng các chuyên gia hàng đầu thế giới, từ ngày 03/02 - 12/03/2025, Nhà trường chào đón TS. Stephen McCord (Nghiên cứu viên tại Trường University of California, Davis - UC Davis) đến thăm và làm việc trong khuôn khổ chương trình chuyên gia Fulbright.
Trong chuyến công tác kéo dài 40 ngày tại Trường Đại học Văn Lang, Tiến sĩ đã cùng đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên của VLU nghiên cứu khoa học thực tiễn về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành diễn giả tại các buổi hội thảo do Viện Khoa học tính toán & Trí tuệ nhân tạo (COSARI) phát triển, tổ chức, dựa trên những hợp tác cùng trường UC Davis (Hoa Kỳ). Ngồi lại cùng trao đổi, trò chuyện, TS. Stephen McCord đánh giá cao môi trường học tập năng động và tư duy sáng tạo của giảng viên, sinh viên Trường Đại học Văn Lang, đồng thời kỳ vọng về nhiều cơ hội hợp tác quốc tế trong tương lai cùng VLU.
Xin chào TS. McCord, thật vinh hạnh khi được trò chuyện với ông. Hy vọng Tiến sĩ đã có một chuyến công tác gặt hái được nhiều thành quả và trải nghiệm tuyệt vời. Trong buổi phỏng vấn này, chúng tôi xin được hỏi Tiến sĩ McCord về những công việc của ông tại Trường Đại học Văn Lang (VLU), những ấn tượng về các Viện, Khoa và sinh viên trường, và cuối cùng là về những kế hoạch hợp tác tương lai với VLU.
Trong 40 ngày làm việc tại VLU, TS. McCord đã thực hiện những công việc gì và ông đánh giá có đáp ứng kỳ vọng của ông và mục tiêu của Chương trình Chuyên gia Fulbright chưa?
TS. McCord: Vâng, Chương trình Chuyên gia mà tôi tham gia được thiết kế để có thời gian ngắn hạn, nhưng là bước khởi đầu cho những hợp tác lớn hơn. Trước khi đến đây, chúng tôi đã lên kế hoạch rõ ràng về những lĩnh vực tôi sẽ tập trung làm việc. Công việc tôi đã làm gồm một số lĩnh vực khác nhau. Chúng tôi đã thực hiện một đề xuất lớn về nghiên cứu lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ một số bài báo khoa học - tôi đã xem xét khoảng bốn bài; và tổ chức hội thảo - tôi đã thực hiện ba buổi với khoa và một buổi với sinh viên ở đây. Chúng tôi cũng có một chuyến đi thực tế, đến gần khu vực ven biển của Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình đã diễn ra thành công, và tôi luôn trong trạng thái bận rộn suốt thời gian ở đây. Tôi có cơ hội làm việc với nhiều nhà nghiên cứu khác nhau và học hỏi được rất nhiều – bởi đây không phải là nghiên cứu của riêng tôi, mà còn là của những người khác. Việc đọc và đánh giá các bài viết giúp tôi tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới. Đây thực sự là một trải nghiệm làm việc và học tập tuyệt vời.
Chúng tôi được biết ông đã có những thảo luận chuyên sâu với các chuyên gia của Phòng Lab Môi trường tại Viện COSARI - VLU. Theo ông, đâu là những thế mạnh và thách thức của các Viện, phòng thí nghiệm VLU trên con đường phát triển thành một cơ sở nghiên cứu hàng đầu trong khu vực?
TS. McCord: Tôi rất trân trọng sự tận tâm của đội ngũ ở đây. Họ có nhiều nhà nghiên cứu với trình độ chuyên môn cao. Nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu đã từng học tập ở nước ngoài – giống như chính Chủ tịch Hồ Chí Minh – và mang kiến thức đó trở về Văn Lang để áp dụng. Họ cũng đang hợp tác nghiên cứu ở tầm quốc tế, nên có góc nhìn rộng và kỹ năng chuyên môn tốt. Tôi cũng rất ấn tượng khi thấy họ không ngại đương đầu với những thách thức lớn. Đây là một yếu tố quan trọng đối với các nhà nghiên cứu, nhất là khi làm việc với các vấn đề môi trường – một lĩnh vực rất phức tạp. Nhiều người có thể sẽ cảm thấy choáng ngợp, nhưng các nhà nghiên cứu ở đây lại sẵn sàng đối mặt với những thử thách ấy. Họ đang thực hiện những nghiên cứu chất lượng cao, sử dụng các công cụ tiên tiến được áp dụng trên toàn thế giới để giải quyết những câu hỏi khó.
Một điểm mà sáng nay tôi đã có đề xuất là đẩy mạnh hợp tác nhiều hơn nữa. VLU đã có những hợp tác nhất định rồi, nhưng với một khu vực như Đồng bằng sông Cửu Long – nơi có nhiều huyện, tỉnh và cả các quốc gia liên quan – thì các vấn đề ở đây rất đa dạng: từ nước biển dâng, lũ lụt đến ô nhiễm… Vì vậy, cần có nhiều bên cùng phối hợp. VLU đã và đang thực hiện điều này khi các lãnh đạo tích cực tham gia vào hợp tác, ủy ban và các cơ quan chính phủ, nên tôi thấy đây là một hướng đi rất tích cực.
Trong quá trình công tác tại VLU, ông có ấn tượng thế nào về các bạn sinh viên Văn Lang?
TS. McCord: Tôi sống gần đây và thấy sinh viên Văn Lang ở khắp mọi nơi, nhất là trong khuôn viên trường. Tôi thường đi dạo và trò chuyện với sinh viên theo cách tự nhiên như vậy.
Tối qua, tôi có tổ chức một buổi workshop với khoảng 20 sinh viên trong hai giờ đồng hồ – đó là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Tôi thực sự ấn tượng với sinh viên ở đây, đặc biệt là năng lượng và sự nhiệt huyết của họ. Ai cũng có vẻ rất chăm chỉ, luôn mong muốn phát triển bản thân và trở thành một sinh viên tốt hơn. Tôi cảm nhận được điều đó rất rõ ràng.
Trước khi đến VLU theo Chương trình Chuyên gia Fulbright, ông đã nghe gì về trường đại học của chúng tôi và ông hình dung như thế nào?
TS. McCord: Lần đầu tiên tôi biết đến VLU là qua quá trình nộp đơn tham gia Chương trình Chuyên gia Fulbright, sau đó tôi tìm hiểu thêm về Trường trên mạng. Ngày nay, việc tra cứu cũng dễ dàng hơn trước rồi.
Tôi chưa quen biết các nhà nghiên cứu ở đây, nhưng dù thế giới có 8 tỷ người thì thực ra vẫn rất nhỏ. Chúng tôi có một câu nói ở Mỹ rằng: “Mọi người trên thế giới đều có một mối liên kết với nhau qua 7 người - 7 bậc quan hệ”. Trong lĩnh vực nghiên cứu, con số đó còn ít hơn. Tôi nhận ra mình biết một số người mà các nhà nghiên cứu ở đây cũng quen, nên điều đó khiến việc kết nối trở nên thú vị.
Tôi không biết rằng VLU lớn đến vậy – 45.000 sinh viên và là một trường đại học tư thục. Ở Mỹ, chúng tôi cũng có cả trường đại học công lập và tư thục. Các trường đại học ở Mỹ có nhiều sinh viên quốc tế hơn, có lẽ gần một nửa số sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Ở đây, tôi thấy hoạt động này đang phát triển. Có ngày càng nhiều sinh viên quốc tế đến học tại VLU và nhiều sinh viên VLU đi du học. Những chương trình trao đổi này mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
Năm 2025, VLU được QS xếp hạng top 500 trường đại học tốt nhất châu Á, một số lĩnh vực như Art & Design của VLU cũng được xếp hạng trong top 100, 150 của thế giới. VLU đang nỗ lực rất nhiều trên hành trình trở thành một trong những đại học trẻ được ngưỡng mộ nhất tại châu Á. Trong lĩnh vực của ông, nghiên cứu về nguồn nước và các yếu tố liên quan, ông đánh giá VLU đang ở nấc thang nào và chúng tôi có thể làm gì để tiếp tục phát triển hiệu quả?
TS. McCord: Trong thời gian ngắn ở VLU, tôi đã hỗ trợ khoảng 5 bài báo, điều đó cho thấy các nghiên cứu viên của VLU rất năng suất. Việc xuất bản nghiên cứu là một cách hiệu quả để lan tỏa thông tin, bởi khi một bài báo về chủ đề hữu ích được công bố, người đọc sẽ thấy tên các nhà nghiên cứu cùng với đơn vị trực thuộc – Trường Đại học Văn Lang. Như vậy, trường đang từng bước tạo dựng vị thế của mình.
Viện COSARI đang làm việc với nhiều mô hình máy tính và trí tuệ nhân tạo. Đây chính là xu hướng hiện nay – sử dụng các mô hình mô phỏng và công cụ AI để nâng cao khả năng dự báo. Những nghiên cứu mà họ đang thực hiện rất tiên tiến. Không có quốc gia nào thực sự chiếm ưu thế lớn hơn Việt Nam hay VLU trong lĩnh vực này, vì đây vẫn là một lĩnh vực mới đối với tất cả mọi người.
Ngoài các công việc hợp tác học thuật, điều gì đáng nhớ hoặc bất ngờ nhất trong trải nghiệm của ông tại VLU và Việt Nam?
TS. McCord: Trước khi đến đây, tôi cũng nghe nhiều điều tốt đẹp về Việt Nam. Mọi người nói rằng đất nước rất đẹp, con người thân thiện – và tôi thấy điều đó hoàn toàn đúng. Khi trở về, tôi sẽ chia sẻ với mọi người về sự tử tế của người Việt. Ai cũng bận rộn làm việc và cố gắng phát triển bản thân. Tôi cảm nhận được sự tiến bộ và hướng đi tích cực của đất nước cũng như Trường Đại học Văn Lang. Ngay trong khuôn viên trường, có thể thấy các tòa nhà mới đang mọc lên, trường đang mở rộng và hướng tới chất lượng cao. VLU đang không chỉ đầu tư nhiều hơn về thời gian hay tiền bạc, mà còn tập trung vào chất lượng – và tôi thực sự trân trọng điều đó.
Một trong những kết quả quan trọng của chương trình làm việc của tiến sĩ tại VLU là đặt nền móng cho sự hợp tác giữa VLU và Đại học California, Davis. Ông có thể chia sẻ một số thông tin sơ bộ không?
TS. McCord: Một khởi đầu tốt thường bắt đầu từ sinh viên. Hiện tại, một số nhà nghiên cứu và các Khoa đang tìm kiếm cơ hội để sinh viên có thể tiếp tục học tập tại UC, Davis. Bên cạnh đó, Chính phủ Hoa Kỳ và Chính quyền bang California cũng có các chương trình khuyến khích hợp tác quốc tế. Đại học California, Davis có một chương trình về quan hệ quốc tế, với đội ngũ chuyên trách thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động hợp tác. Trước khi đến đây, tôi đã trao đổi với họ, và khi trở về, tôi sẽ có buổi thuyết trình để xác định các giáo sư quan tâm muốn hợp tác. Có rất nhiều tiềm năng để phát triển từ đó. Có thể tôi sẽ quay lại cùng một nhóm nhỏ để kết nối trực tiếp giữa các giáo sư, sinh viên và thúc đẩy hợp tác sâu hơn.
Xin thay mặt Trường Đại học Văn Lang gửi lời cảm ơn đến Tiến sĩ McCord vì những đóng góp của ông trong suốt thời gian công tác tại đây. Văn Lang rất vui khi biết rằng chuyến đi này cũng đã mang lại cho ông một trải nghiệm tuyệt vời về nghiên cứu và học tập. Xin chúc Tiến sĩ McCord thật nhiều sức khỏe, thành công trong công việc và hy vọng sẽ gặp lại ông trong các chương trình hợp tác quốc tế trong tương lai.
Tiến sĩ Stephen McCord là Chủ tịch của McCord Environmental, Inc., có trụ sở tại Davis, California. Với hơn 25 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu, giảng dạy và tư vấn, ông chuyên về quản lý chất lượng nước và lưu vực, hợp tác với các đối tác tại California và trên toàn thế giới. Ông có chuyên môn sâu trong quản lý dự án kỹ thuật, lập kế hoạch chiến lược, kết nối các bên liên quan, quản lý lưu vực và hồ, giám sát chất lượng nước và mô hình hóa. Các lĩnh vực nghiên cứu chính của ông bao gồm quản lý hồ, mô hình cân bằng khối lượng, tải lượng đối đa hằng ngày (TMDL), giao dịch chất lượng nước và cải tạo các khu mỏ bị bỏ hoang. Hiện ông cũng đang là Nghiên cứu viên tại Trường UC Davis, California. |
Tin: Minh Chiến
Ảnh: VLU Communication Team
Thẻ
Gửi thất bại